Tại sao một đất nước có thể phát cuồng lên vì đá bóng?
Nhiều bạn của mình không thể hiểu nổi tại sao một đất nước có thể phát cuồng lên vì một trận banh và nghĩ những người xung quanh chắc là điên rồi. Người bi quan thì cáu bẩn lên án việc say sưa với thành tích thể thao mà quên đi thực trạng đất nước.
Mình rất tiếc nếu bạn có những suy nghĩ đó. Chẳng riêng gì Việt Nam, bóng đá không ngẫu nhiên trở thành môn thể thao vua trên khắp thế giới. Lý do vì sao người ta mê chuộng nó thì thú thật mình không tin có ai có thể trả lời thoả đáng được. Nhưng bóng đá có thể khiến hai quốc gia lao vào bắn nhau (El Salvador v. Honduras) nhưng cũng đã khiến những vết thương được hàn gắn (Haiti). Bóng đá giúp một xã hội chia rẽ hay cũng có thể giúp con người ta nắm tay nhau trong một đêm ăn mừng và quên đi những nghi kị. Có bao giờ bạn thấy nhiều người thân mật và rạng rỡ cùng một lúc như những ngày qua không?
Nhưng trên hết, bóng đá cũng là một môn thể thao. Mà thể thao là phi chính trị. Chỉ có ở thể thao (và nghệ thuật) thì những ranh giới về tư tưởng, sắc tộc, kì thị, xu hướng tính dục, quan điểm chính trị mới có thể xoá bỏ đi. Chỉ có dưới bóng cờ của Olympics thì các vận động viên của Syria mới có thể thi đấu mà không quan tâm đồng đội của mình ủng hộ phe nào trong cuộc nội chiến. Và chỉ có thể thao mới giúp hai miền nước Đức đi chung một lá cờ rất lâu trước khi thống nhất và những người Triều Tiên không còn phân biệt Bắc Hàn hay Hàn Quốc nữa.
Tôi đọc một status rất hay của chị Hiền Trang và muốn chia sẻ nó lại ở đây một trích đoạn cho mọi người:
“Cái khoảnh khắc mà ông nhà văn ấy kể là trận đấu bóng chày giữa New York Giants và Brooklyn Dodgers, mở đầu cho một cuốn tiểu thuyết dài 800 trang đen tối về chiến tranh lạnh, về khủng hoảng tên lửa Cuba, về loài người trong khoảnh khắc bị bủa vây bởi bóng tối, cận kề cửa tử, nhưng mặc kệ tương lai mịt mờ và những xoay vần khúc khuỷu của thời cuộc đang thập thò trước cửa, hàng vạn người Mỹ hôm đó vẫn đê mê trong giây phút hoan lạc của một cuộc đấu thể thao vô thưởng vô phạt, là họ ngu ngốc hay họ bất cần?, dù là gì đi nữa, thì cuối cùng, chính những ký ức về buổi chiều hôm ấy, mới là thứ sẽ “in vào quá khứ, không thể xóa nhòa.”. Thể thao, nếu có sức mạnh gì, thì có lẽ nằm ở đấy, nó lay động những cảm xúc bản nguyên, khiến người ta vui chẳng vì gì cả, vui chỉ vì vui thôi.”
Con người vốn dĩ kì lạ và khó giải thích, vượt qua những lý tính thông thường chính là ở những cảm xúc đó. Mà cảm xúc thì vốn phi logic. Nhưng gì thì người dân của xứ nào và tình cảnh ra sao thì vẫn có quyền có niềm vui mà thể thao đem lại mà không cần ai phải thương hại. Chỉ đơn giản vậy thôi.