Bệnh thương hàn (Salmonella)
Bệnh thương hàn là bệnh gì
Thương hàn là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây bằng đường tiêu hóa, do trực khuẩn có tên khoa học là Salmonella typhi và Salmonella paratyphi gây nên.
Đường lây của bệnh thương hàn
Cách thức lây truyền:
Trực tiếp: do tiếp xúc trực tiếp các chất thải của bệnh nhân có vi khuẩn như phân, nước tiểu,đồ dùng-quần áo; từ người lành mang mầm bệnh hoặc bệnh nhân.
Gián tiếp: cách lây chủ yếu, thức ăn, nước uống nhiễm khuẩn. Ruồi đóng vai trò lây truyền bệnh; nguồn nước như sông, giếng, ao bị nhiễm khuẩn; thực phẩm như ốc, sò, hến, rau, thịt, trứng, sữa bị nhiễm khuẩn.
Ảnh minh họa.
Dấu hiệu bệnh thương hàn
Khi bị mắc bệnh thương hàn, bệnh nhân sẽ gặp phải những triệu chứng sau đây:
- Dấu hiệu quan trọng và hằng định của bệnh thương hàn là sốt cao liên tục 39 - 40 độ C, sốt hình cao nguyên và sốt nóng là chủ yếu. Trên cơ thể vã nhiều mồ hôi.
- Có thể xuất hiện các ban dát nhỏ 2 - 3 mm màu hồng (còn gọi là hồng ban), thường mọc ở bụng, mạn sườn, ngực.
- Tùy theo trường hợp, biểu hiện thần kinh ở các mức độ khác nhau từ nhức đầu, mất ngủ, ù tai, nói ngọng, đến tình trạng nằm hôn mê sâu, ngủ li bì, mê sảng,…
- Mạch chậm tương đối so với huyết áp, huyết áp thấp, bụng chướng nhẹ, đau dọc chậu phải, đi ngoài khoảng 5 - 6 lần/ngày, phân màu vàng nâu và rất nặng mùi.
- Rìa lưỡi đỏ, giữa lưỡi phủ một lớp rêu màu trắng hoặc xám.
- Và còn rất nhiều những triệu chứng khác nữa...
Biến chứng bệnh thương hàn
Diễn biến tự nhiên không điều trị, bệnh nhân có thể tử vong trong thời kỳ toàn phát do một số thể bệnh nặng, nếu tiến triển thuận lợi sau thời kỳ toàn phát các triệu chứng giảm dần, thời kỳ hồi phục kéo dài và có thể xảy ra các biến chứng.Nếu sử dụng kháng sinh trị liệu, diễn biến bệnh được rút ngắn nhưng điều trị không đủ liệu trình bệnh sẽ tái phát 7 – 15 ngày sau khi ngừng thuốc .
- Biến chứng tiêu hóa:
Xuất huyết tiêu hóa: Xuất huyết nhẹ đi cầu phân đen, xuất huyết nặng phân có nhiều máu bầm, máu tươi, người bệnh mệt lả, xanh nhợt, mạch nhanh, huyết áp hạ, có thể tử vong nếu không phát hiện, điều trị kịp thời. Xuất huyết tiêu hóa báo trước dấu hiệu thủng ruột.
- Các biến chứng tiêu hóa khác và cơ quan kế cận như:
Thương hàn thể đại tràng với biểu hiện ỉa chảy nhiều lần, đau bụng, bụng chướng. Viêm ruột thừa, viêm phúc mạc.
Viêm gan nhiễm trùng, viêm đường mật trong gan, viêm túi mật.
Biến chứng tim mạch: Viêm cơ tim gây suy tim cấp.
Biến chứng thần kinh viêm não thương hàn, thường gặp ở trẻ em hơn là người lớn
Các biến chứng hiếm gặp khác như biến chứng hô hấp (viêm phế quản, viêm phế quản phổi; tràn dịch màng phổi), viêm xương, viêm khớp, viêm thận, viêm đa cơ, viêm dây thần kinh thị giác.
Điều trị bệnh thương hàn?
Điều trị bằng thuốc đặc trị. Ở phòng thí nghiệm vi khuẩn thương hàn nhạy cảm nhiều kháng sinh. Các thuốc cổ điển Chloramphenicol, Bactrime, Ampiciline. Thuốc mới như Cephalosporine thế hệ II (cefuroxim), III (cefotaxim…); fluoroquinolon rất hiệu quả. Tuy nhiên, nước ta một số nơi vi khuẩn thương hàn kháng acid nalixidic, khi dùng Fluoroquinolone thời gian cắt sốt dài hơn (7 ngày ; thường 3 ngày).
Ngoài việc điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu phải kết hợp với các thuốc điều trị triệu chứng như thuốc hạ sốt, giảm đau, và bù điện giải.
Phòng bệnh thương hàn
- Tiêm vắc-xin
Hiện nay có 2 loại vắc-xin: loại uống nhiều lần và loại tiêm một lần. Tuy tác dụng như nhau nhưng loại thuốc uống ít tác dụng phụ hơn và tiện lợi hơn.
Loại vắc-xin uống: Tên gọi chung là vắc-xin thương hàn uống và co tên thương mại là Zerotyph cap, có thời gian bảo vệ ít nhất là 3 năm. Loại vắc-xin uống dùng để phòng ngừa bệnh thương hàn, có thể phòng được bệnh phó thương hàng Paratyphi B.
Loại vắc-xin tiêm: Cũng giống như loại vắc-xin uống, loại vắc-xin thương hàn tiêm cũng có thời gian bảo vệ ít nhất là 3 năm và có tên thương mại là Typhim Vi.
- Lối sống lành mạnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng bệnh
Thực hiện đúng nguyên tắc ăn chín - uống sôi, hạn chế sử dụng các loại thực phẩm còn tái. Đối với các loại rau quả ăn sống cần phải được ngâm muối hoặc dung dịch chuyên dụng sau đó rửa lại bằng nước sạch để diệt trứng và các vi khuẩn len lỏi trong rau
Rửa tay sạch với xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch khử trùng cá nhân trước khi ăn uống, sau khi lao động, tiếp xúc đồ vật.
Tích cực diệt ruồi, nhặng, gián,… nhất là vào mùa mưa bão như hiện nay. Đây chính là những vật chủ trung gian chứa virus gây bệnh.
Luôn dùng thuốc xịt khử trùng không khí để diệt các khuẩn gây bệnh trong phòng, nhất là phòng có người đang mắc bệnh. Đây cũng chính là phương pháp bắt buộc đối với những vùng đang có dịch bệnh.
Cuối cùng là xử lý tốt các chất thải, bảo vệ nguồn nước và thực phẩm là các biện pháp y tế rất quan trọng để phòng bệnh.
Kết luận
Bệnh thương hàn hiện nay được coi là nhóm bệnh không quá nguy hiểm vì nếu phát hiện đúng cách kịp thời thì việc điều trị không hề khó. Tuy nhiên với những trường hợp không phát hiện kịp thời bệnh cũng có thể để lại các biến chứng lâu dài và ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì thế đặc biệt ở những vùng có dịch cần chú ý cách phòng bệnh và phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời.