Lao sinh dục
Lao sinh dục là bệnh như thế nào?
Vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể gây tổn thương sơ nhiễm bằng ba con đường đó là đường hô hấp, đường tiêu hóa và da- niêm mạc.
Trong con đường lây truyền qua hô hấp người bệnh mắc vi khuẩn do hít phải các giọt nước bọt có chứa từ 1 đến 2 vi khuẩn lao mà người bị lao phổi ho khạc bắn ra bên ngoài, và bị lây nhiễm thành lao phổi.
Đường tiêu hoá thì người bệnh bị lây nhiễm theo con đường này phần lớn là do uống phải sữa tươi của những con bò bị lao vú chưa tiệt trùng hoặc tiệt trùng không đúng nguyên tắc. Do nuốt phải vi khuẩn lao lẫn trong thức ăn, đồ uống khác. Thể đặc biệt là lao sơ nhiễm bẩm sinh, do thai nhi nuốt phải nước ối hoặc dịch âm đạo có vi khuẩn lao do người mẹ bị lao nội mạc tử cung hoặc lao âm đạo.
Đường da – niêm mạc lây nhiễm theo đường này hiếm gặp hơn, vi khuẩn lao có thể xâm nhập vào những vùng da sây sát, chảy máu hoặc những vùng niêm mạc mắt, họng... bị tổn thương.
Lao sinh dục là thể lao ngoài phổi thường gặp. Bệnh hình thành do sự lan truyền theo đường máu và đường bạch huyết của vi khuẩn lao từ tổn thương lao sơ nhiễm. Vi khuẩn có thể lan xuống thận, niệu quản, bàng quang (lao tiết niệu) rồi sau đó đến tuyến tiền liệt, ống dẫn tinh, mào tinh hoàn ở nam giới; tổn thương buồng trứng và tử cung ở phụ nữ thì khi đó gọi là lao sinh dục. Việc chẩn đoán sớm lao tiết niệu – sinh dục thường khó, dễ nhầm với các bệnh khác của hệ tiết niệu – sinh dục không do lao.
Ảnh minh họa.
Biểu hiện lao sinh dục và biến chứng của lao sinh dục?
Triệu chứng lâm sàng của lao sinh dục nam
Thường gặp tổn thương lao sinh dục kết hợp với lao thận. Bệnh nhân đến khám vì sưng tấy ở bìu, thăm khám thấy tinh hoàn, mào tinh hoàn sưng to và đau. Một số có biểu hiện sốt cao. Vì vậy dễ chẩn đoán nhầm với viêm tinh hoàn do tạp khuẩn (tụ cầu, liên cầu, vi khuẩn đường ruột…).
Đa số trường hợp bệnh xuất hiện từ từ đau nhẹ ở bìu, tinh hoàn to dần lên, khi bệnh nhân đến khám ở giai đoạn muộn có thể thấy rò tinh hoàn, chất bã đậu thoát ra ngoài, lỗ rò lâu lành.
Trường hợp tràn dịch màng tinh hoàn khám thấy cả một bên bìu sưng to, nóng, đỏ, da bìu căng thẳng, bóng loáng, làm cho khám nghiệm khó khăn. Tuy nhiên nếu khám cẩn thận thì sờ nắn thấy mào tinh hoàn lớn, đau và có một màng mỏng tràn dịch của tinh mạc.
Nếu tổn thương lao sinh dục sâu: bệnh có thể biểu hiện bằng rò ở vùng đáy chậu hoặc đái khó do có tổn thương ở tuyến tiền liệt hoặc túi tinh. Khi bác sỹ thăm khám trực tràng thấy túi tinh và tuyến tiền liệt to, rắn chắc, ống dẫn tinh lổn nhổn những chuỗi hạt cứng, ấn đau.Tinh dịch thường chuyển sang màu đỏ hoặc hồng. Ảnh hưởng của bệnh lý này ở nam giới có thể dẫn đến vô sinh do tinh hoàn không sản xuất được tinh trùng chất lượng tốt.
Thực tế lâm sàng gặp những bệnh nhân tinh hoàn to gần giống khối u, dễ nhầm với ung thư tinh hoàn hoặc có khi chỉ là bệnh cảnh viêm đường tiết niệu mạn tính. Nên kiểm tra huyết áp nếu thấy huyết áp tăng cao thì phải nghĩ đến lao tiết niệu sinh dục.
Triệu chứng lâm sàng của lao sinh dục nữ
Lao sinh dục nữ là do vi khuẩn từ tổn thương sơ nhiễm lan truyền theo đường máu đến gây nhiễm nội mạc tử cung và ống dẫn trứng (vòi trứng). Lâm sàng thường gặp tổn thương ở nội mạc tử cung (65% – 85%). Phần phụ (45% – 60%), cổ tử cung (30% – 50%), ít gặp tổn thương lao ở âm hộ và âm đạo.
Triệu chứng lâm sàng thường gặp là: Khí hư ra nhiều, rối loạn kinh nguyệt. Đau vùng bụng dưới, đau âm ỉ từng cơn, bệnh nhân có cảm giác mệt mỏi khó chịu.Khám thấy cổ tử cung loét, sần sùi và dễ chảy máu, vòi trứng và dây chằng rộng dính với buồng trứng, dễ sờ thấy u cục vùng hố chậu.
Hậu quả lao sinh dục nữ thường dẫn đến vô sinh. Vì vậy vô sinh là nguyên nhân phổ biến nhất khiến bệnh nhân lao sinh dục nữ đi khám bệnh. Tổn thương có thể làm tắc vòi trứng, bệnh nhân vẫn bị vô sinh vì trứng thụ tinh không thể đi qua vòi trứng đã bị chít hẹp, hoặc có thể xảy ra chửa ngoài tử cung. Điều trị nội khoa tốt có thể hạn chế được tỷ lệ vô sinh. Lao sinh dục nữ cũng còn là nguyên nhân dẫn đến lao bẩm sinh khi người phụ nữ sinh con, mặc dù tỷ lệ lao bẩm sinh ít gặp ở nước ta.
Cận lâm sàng:
Những xét nghiệm sau sẽ cho kết quả chính xác nhất khi thăm khám cận lâm sàng trong trường hợp nghi ngờ lao sinh dục:
- Với nam giới:
Chụp tinh hoàn: thấy hình ảnh tinh hoàn và mào tinh hoàn to ra, ống dẫn tinh có hạt lổn nhổn.
Chọc dò và sinh thiết mào tinh hoàn, tinh hoàn tìm tổn thương lao đặc hiệu.
Chọc hút dịch màng tinh hoàn xét nghiệm tế bào, tìm vi khuẩn lao.
- Với nữ giới:
Chụp cản quang vòi trứng, tử cung thấy vòi trứng bị chít hẹp hoặc tắc, niêm mạc tử cung nham nhở.
Sinh thiết niêm mạc tử cung, cổ tử cung để tìm tổn thương lao đặc hiệu.
Có thể tìm AFB trong dịch sinh dục hoặc máu kinh.
Điều trị lao sinh dục:
Điều trị lao sinh dục tiên lượng tốt hay xấu phụ thuộc vào chẩn đoán sớm hay muộn, điều trị đúng nguyên tắc từ đầu hay không. Điều trị sớm đúng nguyên tắc bệnh có thể khỏi hoàn toàn không để lại di chứng. Ngược lại nếu chẩn đoán muộn, điều trị muộn không đúng nguyên tắc ít kết quả, tỷ lệ chỉ định phẫu thuật cao, nhiều di chứng và biến chứng.
Điều trị nguyên nhân:
Điều trị nội khoa là chủ yếu trong mọi trường hợp lao tiết niệu sinh dục và có khả năng chữa khỏi hoàn toàn các tổn thương. Nguyên tắc điều trị lao tiết niệu sinh dục cũng giống nguyên tắc điều trị bệnh lao nói chung. Cần chú ý khi sử dụng một số thuốc như streptomycin, kanamycin, cyclocerin, viomyxin vì đã có tổn thương ở hệ thống tiết niệu sẽ độc đối thận.
Điều trị triệu chứng: Các rối loạn tiểu tiện có thể cho thêm kháng sinh thường nếu có bội nhiễm thêm đường tiết niệu. Dùng các thuốc giảm đau, giảm phù nề trong trường hợp lao sinh dục.
Điều trị ngoại khoa:Trường hợp nặng thường dẫn đến huỷ hoại thận, cắt bỏ thận là phương pháp điều trị thông dụng nhất. Chỉ định trong một số trường hợp như thận mất chức năng, bị huỷ hoại và ứ mủ, AFB trong nước tiểu dương tính kéo dài, loại trừ tổ chức bị phá huỷ có vi khuẩn lao, phục hồi lại lưu thông đường dẫn nước tiểu khi bị tổn thương xơ gây tắc. Trường hợp nặng thường dẫn đến huỷ hoại thận, cắt bỏ thận là phương pháp điều trị thông dụng nhất.
Vì lao tiết niệu sinh dục là lao thứ phát sau lao sơ nhiễm nên cần phát hiện sớm và điều trị triệt để lao sơ nhiễm và các lao khác. Lao sinh dục cũng là một bệnh hệ thống của toàn bộ hệ tiết niệu, sinh dục, luôn đi sau hoặc phát hiện song song với lao thận. Ở một bệnh nhân lao tiết niệu cần phải khám kỹ bìu để phát hiện sớm tổn thương mào tinh hoàn, cũng cần phải khám túi tinh vì lao túi tinh dễ lan vào mào tinh hoàn.
Kết luận
Hiện nay bệnh lao ở nước ta vẫn được coi là bệnh phổ biến mặc dù vậy nhưng người ta chỉ biết nhiều đến lao phổi, còn những lao ngoài phổi như lao sinh dục, lao thận, lao màng não, lao xương, lao màng tim, lao hạch... thì ít người để ý và biết đến. Tuy thế hậu quả của nó để lại biến chứng trên người bệnh cũng không kém phần nguy hiểm, nên cần được chú ý và đi kiểm tra sớm để điều trị kịp thời, tránh biến chứng về sau.Với trẻ nhỏ cần được tiêm phòng lao theo chương trình tiêm chủng quốc gia, để tránh lao sơ nhiễm.