Những điều cần biết về tiêm phòng dại cho người.
Bệnh dại là gì ?
Bệnh dại là bệnh gây ra bởi một loại vi rút tên là Rabies virus. Vi-rút dại chủ yếu được lây truyền từ nước bọt của các loài động vật bị dại sang người thông qua vết cắn hoặc vết trầy xước trên cơ thể con người; cũng có thể khi động vật bị dại liếm vào vết thương, vào những chỗ da người bị trầy xước.
Ảnh minh họa.
Nguy hiểm của bệnh dại?
Sau khi xâm nhập vào cơ thể người, vi rút nhân lên và hướng tới hệ thần kinh trung ương. Vi rút di chuyển dọc theo các dây thần kinh tiến tới tủy sống và não, chúng phá hủy mô thần kinh, gây nên những kích động ở người bệnh và dẫn đến tử vong. Người bị bệnh dại cũng có 2 loại: thể điên cuồng và thể bại liệt. Thể điên cuồng có những biểu hiện kích động như sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng; thể bại liệt thì người bệnh sẽ dần bị tê liệt các cơ rồi dẫn tới hôn mê.Tuy nhiên phần đa sẽ gặp ở thể điên cuồng, rất ít trường hợp ở thể bại liệt.
Diễn biến từ khi bị chó dại cắn thường có 2 thời kỳ:
Thời kỳ đầu: Khoảng 1 - 4 ngày, biểu hiện kín đáo và thất thường như sốt, đau đầu, mất ngủ, có cảm giác ngứa, kiến bò chỗ vết cắn; lo âu, căng thẳng.
Thời kỳ toàn phát: Lúc này người bệnh đau nhức đầu nhiều, buồn nôn, chóng mặt, lo âu cực độ, trạng thái kích thích và tăng cảm giác biểu hiện là sợ nước, sợ gió, ánh sáng, mùi lạ. Ngoài ra còn có các biểu hiện của rối loạn thần kinh thực vật, như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, nước mắt, vã mồ hôi, hạ huyết áp…
Người bệnh thường tử vong sau 7 - 10 ngày sau khi lên cơn dại.
Có phải trường hợp nào cũng nên tiêm phòng dại?
Ngay khi có hành vi gây nguy cơ phơi nhiễm, tức có sự tiếp xúc giữa vết thương hở với nước dãi của động vật, hoặc bị cắn người bệnh cần rửa ngay thật kỹ vết thương bằng xà phòng, để vết thương dưới vòi nước chảy nhẹ trong 15 phút, không bóp nặn vết thương, sau đó bôi chất sát khuẩn như cồn hoặc cồn iod nhằm sát khuẩn, giảm thiểu lượng virus dại ở vết thương. Không làm dập nát vết thương và chỉ khâu trong 3-5 ngày. Biện pháp duy nhất để cứu người bị súc vật dại cắn là tiêm văcxin và huyết thanh dại, không có bất cứ loại thuốc nam nào được chứng minh là hiệu quả, đôi khi còn có thể gây nhiễm trùng nếu không sử dụng đúng cách.
Khi bị súc vật nghi dại cắn, cần sơ cứu sau đó đưa người bệnh đến các điểm tiêm phòng. Sau khi khám và hỏi han kỹ, bác sĩ sẽ chỉ định là tiêm văcxin hay không. Sẽ phải tiêm ngay nếu:
- Con vật lên cơn hoặc có biểu hiện nghi dại.
- Vết cắn ở đầu, mặt, cổ, đầu chi, bộ phận sinh dục, kể cả khi chỉ bị sây sát nhẹ.
- Có nhiều vết cắn nguy hiểm, sâu.
- Không theo dõi được con vật.
- Tại nơi bị cắn có súc vật bị dại.
Trong các trường hợp sau, bác sĩ sẽ không tiêm mà dặn bệnh nhân theo dõi con vật trong 15 ngày:
- Vết cắn nhẹ, xa não.
- Con vật vẫn sống bình thường khỏe mạnh hoặc đã được tiêm phòng dại trong thời gian không quá 1 năm.
- Không phát hiện bệnh dại ở súc vật trong khu vực.
- Trên da có vết xước nhưng không chảy máu.
Trong thời gian theo dõi, nếu con vật bị ốm, bỏ ăn, chết, mất tích hay bị bán, mổ thịt thì cần đi tiêm. Sau 15 ngày, nó vẫn sống khỏe mạnh thì có thể yên tâm.
Tiêm phòng dại có ảnh hưởng gì không?
Hiện nay tại Việt Nam, hai loại thuốc tiêm chó dại được sử dụng thường xuyên nhất có lẽ là Fuenzalida của Việt Nam và thuốc tiêm Verorab của Pháp. Trước kia, vắc xin tiêm chó dại cắn có thể gây ra các biến chứng về thần kinh cũng như sự phát triển não bộ của nạn nhân gây suy giảm trí nhớ. Tuy nhiên ngày nay các loại vắc xin được cải thiện, với vắc xin Verorab là một loại vắc xin thể hệ mới. Ưu điểm của vắc xin này là an toàn và đáp ứng miễn dịch cao sau khi được tiêm đủ liều, thời gian bảo vệ trên 1 năm nếu tiêm đúng phác đồ. Tiêm vắc xin phòng dại Verorab không gây hại, không gây nguy hiểm và không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.
Tuy nhiên cũng giống như các vắc xin khác, khi tiêm vắc xin phòng bệnh dại có thể gặp một số tác dụng phụ không mong muốn.
- Thể nhẹ thường gặp các phản ứng nhẹ tại chỗ tiêm: đau, quầng đỏ, sưng, ngứa và có nốt cứng tại chỗ tiêm.
- Thể trung bình thường có các phản ứng toàn thân: sốt vừa, run rẩy, ngất, suy nhược, đau đầu, chóng mặt, đau khớp, đau cơ, rối loạn dạ dày ruột (buồn nôn, đau bụng)...
-Thể nặng có thể gặp phản ứng kiểu sốc phản vệ, mày đay, ban đỏ khắp người, tuy nhiên ít gặp.
Lịch tiêm phòng dại:
Tiêm phòng dại có thể là tiêm bắp hoặc tiêm trong da. Có thể tiêm theo hai cách, thứ nhất là tiêm phòng trước khi bị cắn, hoặc là tiêm phòng sau khi đã bị động vật nghi dại cắn.
Tiêm dự phòng trước khi phơi nhiễm (Khi chưa bị cắn).
Phác đồ: Tiêm bắp 3 liều cơ bản (0,5ml/liều)
Mũi 1: Tiêm vào thời điểm bất kỳ.
Mũi 2: Tiêm sau mũi 1 bảy ngày.
Mũi 3: Tiêm sau mũi 2 hai mưới mốt ngày.
Mũi 4: Tiêm nhắc lại mũi 4 sau mũi 3 một năm.
Mũi 5: Sau mũi thứ 4 cứ 5 năm tiêm nhắc lại 1 lần.
Tiêm vắc xin sau khi bị cắn:
Người lớn và trẻ em đều tiêm bắp liều 0,5 ml.
Phác đồ áp dụng cho người chưa từng tiêm vắc xin phòng dại, người tiêm vắc xin nhưng chưa hoàn thành phác đồ, hoặc đã quá 5 năm nhưng chưa tiêm vắc xin phòng dại mũi nhắc lại: Tiêm 5 mũi cơ bản theo lịch:
Mũi 1: Tiêm sau 15 ngày, hoặc ngay sau khi bị súc vật cắn (tùy trường hợp như đã nói ở trên).
Mũi 2: Sau mũi 1 ba ngày.
Mũi 3: Sau mũi 2 bốn ngày
Mũi 4: Tiêm sau mũi 3 bẩy ngày
Mũi 5: Tiêm sau mũi 4 mười bốn ngày.
Phác đồ áp dụng cho người đã tiêm vắc xin đủ phác đồ trong vòng 5 năm: Tiêm 2 mũi theo lịch :
Mũi 1: Tiêm sau 15 ngày, hoặc ngay sau khi bị súc vật cắn (tùy trường hợp như đã nói ở trên).
Mũi 2: Tiêm sau mũi 1 ba ngày.
Trường hợp phơi nhiễm độ III (Có 1 hoặc nhiều vết cắn qua da hoặc vết xước, niêm mạc bị nhiễm nước dãi súc vật); phải tiêm vắc xin đồng thời với Immuno globulin (huyết thanh) dại:
Tiêm Immuno globulin miễn dịch đồng thời với mũi tiêm vắc xin đầu tiên. Tuy nhiên phải sử dụng bơm kim tiêm riêng; không được trộn lẫn vắc xin và glubulin miễn dịch; khi tiêm cũng phải tiêm khác vị trí. Tiêm Immunoglobulin miễn dịch nguồn gốc từ người liều 20IU/kg cân nặng cơ thể. Nếu chỉ có globulin miễn dịch có nguồn gốc từ ngựa thì tiêm liều 40IU/kg cân nặng cơ thể. Bệnh dại là một bệnh cực kỳ nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao. Vì vậy không có chống chỉ định nào, đối với đối tượng này, kể cả phụ nữ đang mang thai và cho con bú hay trẻ sơ sinh.
Tuy nhiên có lưu ý là không tiêm bắp ở người rối loạn chảy máu hoặc giảm tiểu cầu mà sẽ phải tiêm trong da.
Phác đồ tiêm trong da: Tiêm liều 0,1ml.
Phác đồ áp dụng cho người chưa từng tiêm vắc xin phòng dại, người tiêm vắc xin nhưng chưa hoàn thành phác đồ, hoặc đã quá 5 năm nhưng chưa tiêm vắc xin phòng dại mũi nhắc lại: Tiêm 2 liều 0,1ml tại 2 vị trí khác nhau vào các ngày 0, 3, 7. Và tiêm 1 liều 0,1ml vào ngày 28 (hoặc ngày 30) và ngày 90 (Phác đồ 2-2-2-1-1).
Phác đồ áp dụng cho người đã tiêm vắc xin đủ phác đồ trong vòng 5 năm: Tiêm 1 liều 0,1 ml theo lịch: 0, 3 ngày.
Kết luận
Bệnh dại là bệnh nguy hiểm có nguy cơ tử vong cao ở người và có khả năng lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng tạo thành đại dịch. Do đó tốt nhất để phòng bệnh nên tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo hàng năm và tiêm phòng cho người ngay cả khi chưa bị động vật nghi dại cắn. Trường hợp đã bị chó, mèo cắn cần làm theo hướng dẫn, sơ cứu vết thương và đưa đến cơ sở y tế để được đánh giá nguy cơ và tư vấn cụ thể.