Vi khuẩn Mycoplasma có thể chính là "thủ phạm" gây vô sinh
Vi khuẩn mycoplasma là gì
Mycoplasma là vi khuẩn không vách tế bào, chứa ADN và ARN, tỷ lệ ARN/ADN nhỏ hơn 1. Kích thước vi khuẩn nhỏ, khó nhuộm với thuốc nhuộm kiềm, hình thể khác nhau tùy thuộc vào thời gian nuôi cấy và thay đổi theo từng bước nhuộm, người ta có thể quan sát bằng kính hiển vi nền đen, nhuộm Giemsa là nhóm Gram âm. Mycoplasma là một loại vi khuẩn có thể sinh sống cả trong điều kiện yếm khí và hiếu khí, gây nên nhiều bệnh như: bệnh ở hệ hô hấp (viêm phổi), bệnh ở khớp (viêm bao khớp)…, và đặc biệt có khả năng gây bệnh lây qua đường sinh dục – tiết niệu gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và thai nhi trong quá trình mang thai.
Ảnh minh họa.
Các bệnh gây ra bởi vi khuẩn mycoplasma
Ở người Mycoplasma có một ái tính với niêm mạc hô hấp và niêm mạc đường sinh dục. Chỉ có 4 loài gây bệnh chắc chắn ở người đó là: Mycoplasma pneumoniae gây bệnh hô hấp, Mycoplasma hominis, Mycoplasma genitalium và Mycoplasma (Ureaplasma) urealyticum là tác nhân của bệnh đường sinh dục. Còn các loài khác khả năng gây bệnh chưa biết rõ.
Mycoplasma pneumoniae là tác nhân gây bệnh viêm phổi tiên phát không điển hình ở người. Các triệu chứng chính là sốt, rét run, toát mồ hôi, ho khan dữ dội, khó thở và đau ngực. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng thường gặp ở trẻ em. M.pneumoniae thường gây nên các vụ dịch nhỏ vào mùa xuân và thu.
Mycoplasma urealyticum, Mycoplasma genitalium gây viêm niệu đạo áp xe tuyến Bartholin, viêm vòi trứng.
Mycoplasma hominis gây viêm khung chậu ở phụ nữ có thai, có thể gây sẩy thai. Trẻ sơ sinh có thể bị viêm phổi, nhiễm trùng máu, viêm màng não... do mẹ bị nhiễm trùng sinh dục bởi vi khuẩn này. Khả năng gây bệnh của các Mycoplasma khác như M.fermentens, M.penetrans chưa được xác định một cách rõ ràng.
Biểu hiện bệnh trên đường sinh dục - tiết niệu:
Bệnh Mycoplasma ở đường sinh dục- tiết niệu có thể diễn biến thành 2 giai đoạn: cấp tính và mạn tính.
Giai đoạn cấp tính :
- Nam giới có biểu hiện đái rắt, đái buốt, đái ra mủ có màu trắng hoặc màu vàng, kèm theo đau dọc niệu đạo...
- Đối với nữ giới, giai đoạn này bệnh thể hiện kín đáo, không rầm rộ như nam giới. Biểu hiện thường gặp là: đái rắt, đái buốt, đau vùng xương mu, ra khí hư mùi hôi, đau khi quan hệ tình dục....
Giai đoạn mạn tính :
- Đối với nam giới, khi bước vào giai đoạn mãn tính người bệnh thường có biểu hiện: nóng rát niệu đạo, tiểu khó, sáng sớm thường có chất nhầy như nhựa chuối chảy ra ở lỗ sáo trước khi đi tiểu lần đầu.
- Đối với nữ giới, triệu chứng bệnh mạn tính chủ yếu vẫn là ra khí hư, mùi hôi (nữ giới khó phân biệt giữa hai giai đoạn cấp tính và mạn tính). Để xác định vi khuẩn Mycoplasma cần phải tiến hành xét nghiệm.
Điều trị bệnh do vi khuẩn mycoplasma
Xét nghiệm chẩn đoán bệnh:
Bệnh phẩm: Lấy bệnh phẩm thích hợp như dịch rửa phế quản, chất bài tiết của phổi cũng có thể chất dịch từ cơ quan sinh dục.
Bệnh phẩm nuôi cấy trên các môi trường chọn lọc đặc biệt. Sau đó định loại bằng cách phát hiện những canh khuẩn điển hình bằng thuốc nhuộm Dienes, tìm khả năng tan máu và hấp thụ hồng cầu, tính chất lên men glucose...
Có thể chẩn đoán huyết thanh bằng các phản ứng kết hợp bổ thể, phản ứng ức chế ngưng kết hồng cầu, ELISA...Phải tìm động lực kháng thể.
Điều trị:
Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh: đang nghiên cứu vaccine đa giá phối hợp.
Điều trị bằng kháng sinh macrolide, tetracyclin, chloramphenicol, furadantin, spiramycin, fluoroquinolon...
Phòng tránh lây nhiễm vi khuẩn Mycoplasma
- Không sử dụng chung đồ vệ sinh cá nhân với người mắc bệnh như: bàn chải, khăn, dao cạo, bồn cầu...
- Nên sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, quan hệ chung thủy một vợ một chồng
- Sau khi sinh hoạt tình dục nếu thấy có những điều bất thường xảy ra dù ít nhiều cũng nên đi khám ngay ở cơ sở y tế có đủ điều kiện, có kinh nghiệm để được xác định và chọn kháng sinh thích hợp điều trị dứt điểm.
Kết luận
Mycoplasma là một loại vi khuẩn có thể gây nhiều bệnh trên người, các biến chứng có thể dẫn đến các tình trạng nguy hiểm cho sức khỏe, khả năng sinh sản và sự phát triển của thai nhi khi phụ nữ có thai. Do đó, cần chủ động phòng bệnh, nếu có hành vi nguy cơ gây lây nhiễm bệnh nên đi khám sớm để phát hiện và điều trị kịp thời, tăng tỷ lệ thành công, hạn chế tình trạng vi khuẩn kháng thuốc hoặc chuyển sang giai đoạn nặng, sẽ khó điều trị hơn.