Viêm Gan E
Viêm gan E là gì?
Bên cạnh các bệnh lí viêm gan A, viêm gan B, viêm gan C, và viêm gan D (trong cơ thể tồn tại sẵn virus viêm gan B) thì bệnh viêm gan E vẫn đang là vấn đề ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng với tỉ lệ tương đối cao và cần được quan tâm hơn nữa.
Viêm gan E là bệnh gan do virus viêm gan E (HEV) gây nên. HEV là một loại virus chuỗi đơn RNA và không có vỏ bọc. Viêm gan E có thể gặp trên toàn thế giới và các kiểu gen khác nhau của virus viêm gan E cho thấy sự khác biệt về dịch tễ học. HEV có 4 typ. Tất cả bốn của HEV đều có thể gây bệnh ở người trong khi chỉ typ 3 và 4 có khả năng lây bệnh ở động vật.
Ảnh minh họa
Virus viêm gan E lây như thế nào
Bệnh viêm gan E chủ yếu lấy qua đường phân – miệng, hay hiểu đơn giản là lây qua đường tiêu hóa. Virus viêm gan E được đào thải qua phân của người hoặc động vật bị nhiễm, sau đó qua đường nước uống, đồ ăn bị nhiễm mầm bệnh không được nấu chín lây cho người bệnh khác.
Các con đường khác có thể lây nhiễm nhưng chiếm tỷ lệ nhỏ bao gồm:
Ăn thịt hoặc sản phẩm làm từ thịt sống hoặc không được nấu chín lấy từ động vật bị nhiễm.
Truyền máu, chế phẩm máu của người đang bị viêm gan E cho người khác.
Lây truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai
Diễn biến bệnh Viêm gan E
Thời kỳ ủ bệnh sau khi phơi nhiễm với virus viêm gan E là khoảng 3-8 tuần, trung bình là 40 ngày, hầu như không có triệu chứng hoặc bệnh chỉ rất nhẹ, không có vàng da nên rất khó chẩn đoán. Sau đó bệnh nhân bước sang giai đoạn cấp tính. Các dấu hiệu và triệu chứng điển hình của viêm gan E gồm:
- Vàng da (vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu và phân nhạt màu)
- Biếng ăn (ăn mất ngon)
- Gan to, ấn đau
- Đau vùng thượng vị
- Buồn nôn và nôn
- Sốt.
Những triệu chứng của viêm gan virus E rất khó phân biệt với giai đoạn cấp của các viêm gan do virus khác và thường kéo dài trong 1-2 tuần.Sau thời gian cấp tính, thường cơ thể sẽ đào thải được virus hoàn toàn mà không để lại biến chứng gì.
Biến chứng của viêm gan E
Trong trường hợp hiếm gặp, viêm gan E cấp tính có thể dẫn đến viêm gan tối cấp (suy gan cấp) và có thể gây tử vong. Viêm gan tối cấp thường hay xảy ra hơn ở phụ nữ trong thờ kỳ mang thai. Phụ nữ mang thai có nguy cơ cao hơn những trường hợp khác về biến chứng sản khoa và tử vong do viêm gan virus E. Theo nghiên cứu HEV có thể gây ra tỷ lệ tử vong 20% ở phụ nữ mang thai trong quý ba của thai kỳ. Viêm gan virus E mạn hiếm gặp và thường hay gặp ở những người bị miễn dịch kém như bệnh nhân ung thư, ghép tạng, bệnh nhân HIV... Sự tái hoạt động của viêm gan virus E mạn cũng chỉ gặp ở những bệnh nhân bị kìm hãm miễn dịch. Đôi khi viêm gan E mạn có thể gây xơ hóa hoặc xơ gan đối với những trường hợp trên.
Chẩn đoán và điều trị nhiễm HEV
Chẩn đoán viêm gan E
Triệu chứng lâm sàng của Viêm gan E không đặc hiệu, giống với các viêm gan virus cấp khác., do đó không chỉ dựa vào dấu hiệu lâm sàng để kế luận bệnh. Việc chẩn doán bệnh cần kết hợp giữa khai thác dịch tễ, thói quen ăn uống, kết hợp các xét nghiệm cận lâm sàng. Các xét nghiệm cận lâm sàng dùng trong chẩn đoán xác định HEV dựa vào xét nghiệm kháng thể kháng HEV- IgM trong huyết thanh, và/hoặc HEV ARN trong máu hoặc/và trong phân.
Điều trị viêm gan E
Viêm gan E thường tự khỏi mà không cần điều trị gì.
Hiện chưa có phương pháp điều trị kháng vi rút đặc hiệu với viêm gan E cấp, chủ yếu là điều trị hỗ trợ, tránh dùng các thuốc có thể gây tổn thương gan.
Ribavarin và corticoid đã được sử dụng trên một số các ca bệnh, nhất là các ca có biểu hiện ngoài gan cho thấy có kết quả tốt. Một số trường hợp khác sử dụng interferon trong trường hợp mạn tính cũng cho thấy có hiệu quả. Nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm về các liệu pháp điều trị này.
Các bác sĩ thường tư vấn các liệu pháp hỗ trợ như cách ăn uống, sinh hoạt để gan phục hồi tốt nhất. Bệnh nhân thường được khuyên nên nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng và chất lỏng, tránh uống rượu và cần xin tư vấn bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc có thể gây tổn thương gan, đặc biệt là acetaminophen.
Phòng bệnh
Hiện nay, bệnh viêm gan E vẫn chưa có vacxin phòng ngừa. Người mắc bệnh cũng không có miễn dịch lâu dài với bệnh nên vẫn có nguy cơ tái phát nếu lại ăn thức ăn, nước uống bị nhiễm virus viêm gan E. Việt Nam là một đất nước có tỷ lệ nhiễm viên gan E cao do vệ sinh ăn uống cũng như đảm bảo vệ sinh nguồn nước vẫn chưa được tốt. Để phòng tránh bệnh này, cần đảm bảo tốt việc vệ sinh ăn uống và vệ sinh nguồn nước, thực hiện việc ăn chín uống sôi, rửa tay trước khi ăn, quản lý tốt phân, không để ô nhiễm ra nguồn nước; kiểm soát những sinh vật trung gian gây vấy bẩn như gián, chuột, ruồi...