Xét nghiệm TPHA (Giang mai) và tình trạng âm tính giả, dương tính giả
Xét nghiệm TPHA là gì?
Bệnh giang mai là một trong các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn. Tác nhân gây bệnh là xoắn khuẩn Treponema pallidum. Bệnh giang mai có 2 trạng thái bệnh đó là: Giang mai có biểu hiện lâm sàng và giang mai không có biểu hiện lâm sàng, hay còn gọi là giang mai tiềm ẩn, (giang mai kín).
Xoắn khuẩn Giang Mai. Ảnh minh họa
Triệu chứng lâm sàng của bệnh giang mai rất đa dạng, phong phú tùy theo từng giai đoạn của bệnh, nổi các hồng ban, sẩn, cục, và những sang thương da, niêm mạc kèm nổi hạch ngoại vi. Vì thế, xét nghiệm chính là cách tốt nhất để chẩn đoán bệnh Giang mai. Hiện nay có rất nhiều cách để xét nghiệm Giang mai như tìm trực tiếp xoắn khuẩn trong bệnh phẩm là dịch tiết từ săng, mảng niêm mạc, sẩn, hạch, soi dưới kính hiển vi nền đen, miễn dịch huỳnh quang, tìm gián tiếp qua các xét nghiệm máu. Trong đó, xét nghiệm TPHA (Treponema Pallidum Hemagglutination Assay) là một kỹ thuật thường dùng để tìm phản ứng đặc hiệu xác định có hiện diện xoắn khuẩn giang mai trong bệnh phẩm người bệnh qua xét nghiệm máu.
Khi có sự hiện diện của vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, hàng rào miễn dịch trong máu sẽ kích hoạt bao vây, tiêu diệt tác nhân; đồng thời tạo phản ứng sinh ra kháng thể. Kháng thể tạo ra tương ứng sẽ ngưng kết, trung hòa kháng nguyên, hạn chế sự lây lan. Dựa trên nguyên lý này, bộ xét nghiệm TPHA được thiết kế đã có sẵn các tế bào (hồng cầu) đã được gắn kháng nguyên xoắn khuẩn giang mai, khi cho tiếp xúc huyết thanh (huyết tương) của người bệnh giang mai sẽ xảy ra phản ứng ngưng kết.
Các loại xét nghiệm TPHA
Xét nghiệm TPHA định tính
Đây là phương pháp để xác định có hay không có kháng thể TPHA trong huyết thanh người bệnh mà không định lượng được hiệu giá kháng thể là bao nhiêu. Vì vậy xét nghiệm TPHA định tính chỉ có giá trị trong chẩn đoán mà không theo dõi được quá trình điều trị bệnh.
Xét nghiệm TPHA định lượng
Xét nghiệm TPHA định lượng là xét nghiệm ngưng kết hồng cầu thụ động, giúp phát hiện và chẩn đoán các kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh giang mai. Xét nghiệm định lượng TPHA được chỉ định tiếp theo khi bệnh nhân đã có xét nghiệm "TPHA định tính" dương tính, nhằm định lượng hiệu giá kháng thể kháng giang mai trong máu (dương tính với tỷ lệ pha loãng huyết thanh cao nhất), nhằm sử dụng trong theo dõi hiệu quả sau điều trị bệnh giang mai.
Xét nghiệm TPHA có chính xác hay không
Ảnh minh họa
Tương tự các loại xét nghiệm khác, dù xét nghiệm TPHA được tính là có tỷ lệ chính xác cao, tuy nhiên cũng không thể nào là chính xác tuyệt đối. Có nhiều trường hợp dương tính giả, âm tính giả, kết quả không rõ ràng có thể xảy ra. Những nguyên nhân dẫn đến sai lệch kết quả này có thể do trình độ tay nghề của kỹ thuật viên hoặc cũng có thể do một số lý do khách quan khác.
Với xét nghiệm TPHA định tính, kết quả dương tính giả thường xảy ra ở những bệnh nhân mắc bệnh phong, bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng và rối loạn mô liên kết. Người bệnh nên sử dụng xét nghiệm FTA-ABS để xác nhận lại.
Ngoài ra, còn có một tình trạng thường gặp đó là điều trị khỏi rồi mà xét nghiệm TPHA vẫn dương tính khiến người bệnh hoang mang lo lắng. Nguyên nhân là do xoắn khuẩn giang mai thường âm thầm phát triển và gây độc tính ở tế bào. Về lâu dài dù đã xong liệu trình điều trị thì cơ thể có thể vẫn tồn tại kháng thể nhất định. Phải tới khi nào tỉ lệ mắc bệnh hoàn toàn âm tính trong nhiều lần xét nghiệm liên tiếp mới khẳng định đã khỏi giang mai được. Mà cơ chế xét nghiệm TPHA là phát hiện sự hiện diện của kháng thể kháng xoắn khuẩn giang mai trong huyết tương của người bệnh bị giang mai nên khi kháng thể còn hiện diện thì kết quả vẫn cho là dương tính, dù bệnh đã được điều trị khỏi.
Bệnh Giang mai có điều trị khỏi hoàn toàn được không?
Bệnh giang mai sẽ dễ dàng chữa khỏi hoàn toàn và không có bất kỳ hậu quả nào nếu được phát hiện sớm. Tuy nhiên nếu không được phát hiện sớm, hoặc để bệnh nặng mà không được chữa trị hợp lý và kịp thời sẽ gây ra tổn thương nghiêm trọng cho não, hệ thần kinh và nhiều cơ quan khác trong cơ thể, bao gồm cả tim.
Mặc dù bệnh giang mai có thể chữa khỏi được bằng kháng sinh phù hợp từ địa chỉ y tế uy tín. Tuy nhiên, việc chữa trị có thể không phục hồi được bất kỳ tổn thương nào do bệnh giang mai đã gây ra.
Bài tham khảo:
Để chẩn đoán chính xác bệnh giang mai nên chọn xét nghiệm nào?