Dây rốn bám màng: Một tai biến sản khoa nguy hiểm
Dây rốn bám màng là gì?
Dây rốn bám màng là mạch máu dây rốn không xuất phát từ bánh nhau mà xuất phát từ màng ối, từ đó các mạch máu đi vào bánh nhau ( bình thường mạch máu dây rốn sẽ bám ở vị trí giữa bánh nhau và được bao phủ bởi chất thạch Wharton). Điều này gây cản trở việc hấp thụ oxy và chất dinh dưỡng, đưa đến tình trạng suy dinh dưỡng bào thai, sanh non, thai chết lưu.. Đây là một biến chứng thai kỳ nguy hiểm chiếm khoảng 1% các trường hợp mang thai đơn và 15% các trường hợp mang thai đôi, đặc biệt cần lưu ý nếu được phát hiện trong quá trình theo dõi trước sinh.
Một số mẹ có thể bị nhầm lẫn dây rốn bám màng và dây rốn bám mép. Đây là hai tình trạng bất thường trong thai kỳ khác nhau, tình trạng dây rốn bám màng sẽ gây ra nhiều nguy cơ nguy hiểm cho thai nhi hơn so với trường hợp dây rốn bám mép (dây rốn không bám ở trung tâm bánh rau mà bám ở mép bánh rau). Tuy nhiên nếu khi phát hiện tình trạng bất thường của dây rốn như dây rốn bám mép hoặc bám màng đều cần thăm khám kỹ càng và tuân thủ y lệnh của bác sỹ để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi.
Dây rốn bám màng có thể gây nguy hiểm gì cho thai nhi
Đầu tiên phải nói dây rốn bám màng là 1 biến chứng sản khoa nguy hiểm với tỉ lệ tử vong chu sinh rất cao, thậm chí lên tới 80% nếu không được phát hiện sớm trước khi có cơn gò chuyển dạ đầu tiên. Tử vong thai nhi khi chuyển dạ là do mạch máu dây rau bám màng dính chặt vào lớp màng đệm bên trên nên dễ dàng bị rách khi có cơn co tử cung, vỡ ối tự nhiên hoặc bấm ối làm đứt nguồn cung cấp oxy cho thai nhi, nên thai sẽ bị ngạt khi còn đang ở trong bụng mẹ; hơn nữa máu chảy từ mạch máu dây rau bám màng là máu từ trong cơ thể thai nhi (thể tích tuần hoàn thai vốn đã rất ít nên rất dễ dẫn đến sốc mất máu).
Ngoài ra, việc rau bám ở màng ngoài của bánh rau sẽ gây cản trở việc hấp thu thức ăn nuôi dưỡng thai nhi, hay nói cách khác trẻ chỉ hấp thu được thậm chí chỉ là 30% các dưỡng chất cần thiết gây ra suy dinh dưỡng bào thai, sinh non hay thai lưu. Do đó, trẻ có thể có sự phát triển không hoàn thiện, tăng nguy cơ bị các bệnh như chậm phát triển thể chất và trí tuệ, nguy cơ bị dị tật cao hơn bình thường,... Tuy nhiên đây là chỉ là tăng nguy cơ, trên thực tế vẫn có những trường hợp rau bám màng nhưng em bé vẫn đạt cân nặng tiêu chuẩn và phát triển hoàn toàn bình thường, đặc biệt trong những trường hợp mẹ được phát hiện sớm và được tư vấn chế độ dinh dưỡng khoa học.
Nguyên nhân gây ra tình trạng dây rốn bám màng
Ảnh minh họa
Hiện nay vẫn chưa có biện pháp để ngăn ngừa tình trạng dây rốn bám màng vì chưa rõ cơ chế bệnh sinh của trong quá trình phát triển của thai nhi. Điều mà các mẹ bầu có thể làm là phát hiện bệnh càng sớm càng tốt thông qua việc khám thai định kỳ và siêu âm thai nhằm có biện pháp theo dõi kịp thời.
Một số đối tượng nguy cơ cao mắc phải tình trạng dây rốn bám màng gồm:
- Thai phụ mắc phải tình trạng nhau tiền đạo hoặc mạch máu tiền đạo có nguy cơ gặp phải hiện tượng nhau bám màng cao hơn so với bình thường
- Các trường hợp song thai có chung màng đệm cũng có nhiều nguy cơ mắc bệnh này
- Thụ tinh trong ống nghiệm
- Mang thai khi lớn tuổi
Chẩn đoán dây rốn bám màng bằng cách nào?
Dây rốn bám màng thường không có dấu hiệu lâm sàng mà chỉ có thể phát hiện dựa vào kết quả siêu âm, do đó đòi hỏi bác sĩ phải chẩn đoán chính xác thông qua hình ảnh siêu âm, cần quan sát rất kỹ càng, cộng với thiết bị siêu âm hiện đại cho những hình ảnh sắc nét đến từng chi tiết.
Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán là siêu âm ở tuổi thai 18-20 tìm vị trí bám của gốc dây rốn. Khi thai bước vào tam cá nguyệt thứ 3, với sự phát triển nhanh chóng về kích thước; dẫn đến khó khảo sát bất thường về hình thái.
Thai phụ nên làm gì khi bị chẩn đoán dây rốn bám màng
Do không có bất cứ một cách nào để có thể điều trị, can thiệp để đưa dây rốn về vị trí đúng ngay cả những trường hơp phát hiện từ rất sớm, nên các chuyên gia cảnh báo thai phụ nên đi khám thai và theo dõi thai nhi định kỳ theo lịch hẹn. Việc kịp thời phát hiện dây rốn bám màng sẽ hỗ trợ các bác sĩ trong việc lên phương án theo dõi thai phù hợp và chuẩn bị các tình huống xử lý cấp cứu trong tình trạng khẩn cấp, cũng như tư vấn đầy đủ về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, nghỉ ngơi riêng biệt để đảm bảo an toàn nhất cho thai nhi.
Đặc biệt, trong những tuần cuối thai kỳ, thai phụ cần kiểm tra liên tục ở bệnh viện, nếu có chỉ định nhập viện theo dõi nên tuân thủ chỉ định của bác sỹ, bởi khi thai phụ có dấu hiệu chuyển dạ, thậm chí ngay trước những cơn co tử cung đầu tiên thì việc mổ lấy thai là quan trọng nhất. Nguyên nhân là bởi thời điểm này dây nhau có thể đứt, gây chảy máu trong buồng ối, thai nhi có thể bị nguy hiểm tính mạng chỉ trong vài phút nên việc xử lý chậm trễ cũng có thể dẫn đến trường hợp tử vong đáng tiếc. Mổ chủ động khi thai đủ tuần sẽ giúp đảm bảo an toàn cho thai nhi một cách tốt nhất.
Bài tham khảo:
Dây rốn hai mạch máu (dây rốn một động mạch) nguy hiểm gì cho thai nhi?