Những xét nghiệm cần làm sau khi sảy thai liên tiếp?
Sảy thai liên tiếp là gì?
Sảy thai là hiện tượng thai tuột ra tự nhiên trước 20 tuần của thai nghén tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh cuối cùng hoặc thai nặng dưới 500g. Sảy thai liên tiếp (RPL: Repeated Pregnancy Loss) là tình trạng sảy thai từ 3 lần trở lên.
Nguyên nhân sảy thai liên tiếp?
- Nếu sảy thai <12 tuần, sảy thai thường do các nguyên nhân như thai bị rối loạn nhiễm sắc thể, dị tật nặng (hở đốt sống thần kinh) nhiễm trùng, các bệnh lí nội tiết của mẹ, mẹ mắc các bệnh do virus gây ra, tiếp xúc hóa chất độc hại,bất đồng nhóm máu, thường xuyên lao động nặng, hoạt động mạnh,....
- Sảy thai ≥12 tuần thường do nguyên nhân bất thường tử cung của mẹ (tử cung đôi, tử cung có vách ngăn, u xơ tử cung...), tiền sản giật, sản giật, nhiễm trùng, bệnh rối loạn đông máu, mẹ bị các bệnh nội tiết: như tiểu đường, suy giáp, lupus…
Ngoài ra một số thuốc dùng trước và trong thai kì, mẹ nghiện rượu và thuốc lá cũng có thể dẫn đến tình trạng này. Tuy nhiên hiện tại vẫn còn khoảng 50% các trường hợp sẩy thai liên tiếp không thể điều trị do không rõ nguyên nhân.
Ảnh minh họa.
Cần làm gì sau khi bị sảy thai liên tiếp?
Sau mỗi lần sẩy thai, là một cú sốc cho người mẹ và những người thân trong gia đình, nên điều quan trọng nhất là phải động viên nhau về mặt tinh thần, để cùng vượt qua nỗi mất mát. Với người mẹ, đây cũng là thời gian mà cơ thể chịu ảnh hưởng nặng nề nên cần có chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng , nghỉ ngơi hợp lý để hồi phục sức khỏe. Sau đó nên dành thời gian nghỉ ngơi (ít nhất là 6 tháng) để cơ quan sinh sản hồi phục rồi mới nên có thai lại. Thời gian nghỉ ngơi này chính là lúc kiểm tra tìm nguyên nhân sẩy thai, nếu trong những trường hợp có thể khắc phục bác sỹ sẽ đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất để cho lần mang thai sau an toàn hơn.
Những xét nghiệm cần làm sau khi bị sảy thai liên tiếp?
Khám phụ khoa: Người vợ nên soi tươi dịch tế bào âm đạo để kiểm tra cầu khuẩn, bạch cầu, nấm… Bởi, nếu mắc các bệnh như lậu, giang mai,nhiễm trùng đường sinh dục, polyp cổ tử cung, nhiễm virus Urealyticu, Mycoplasma hominil, Ureaplasma… có thể ảnh hưởng xấu tới thai nhi, khiến thai ngừng phát triển hoặc sảy thai tự nhiên.
Xét nghiệm máu: Cả 2 vợ chồng nên cùng làm xét nghiệm này, với người vợ xét nghiệm công thức máu có thể đánh giá các bệnh về máu như: Thiếu máu, bất thường tế bào máu, nhóm máu… hay không. Người vợ và người chồng cũng nên làm các xét nghiệm máu để chẩn đoán các bệnh xã hội như HIV, viêm gan B,...Ngoài ra qua việc xét nghiệm máu của vợ và chồng cũng có thể đánh giá được nguyên nhân sảy thai do bất đồng nhóm máu RH - nguyên nhân gây lưu thai liên tiếp phổ biến.
Xét nghiệm tinh dịch đồ: Để kiểm tra và đánh giá số lượng tinh trùng, khả năng di chuyển, hình dạng của tinh trùng, tỷ lệ tinh trùng sống, độ pH, kháng thể kháng tinh trùng…
Xét nghiệm Halosperm tinh trùng: Xét nghiệm này sẽ kiểm tra đứt gãy nhiễm sắc thể tinh trùng. Nếu tinh trùng bị đứt gãy nhiễm sắc thể, dị tật sẽ khiến thai nhi ngừng phát triển (thai lưu) hoặc thai bị dị tật phải hút bỏ.
Xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ: Cả hai vợ chồng. Bất thường nhiễm sắc thể ở người vợ, người chồng hoặc cả hai vợ chồng đều có thể khiến thai ngừng phát triển, sảy sớm.
Xét nghiệm anti phospholipid và anti cardiolipin: Xét nghiệm này cần được thực hiện ngay khi đang có thai hoặc khi vừa mới sảy thai (không quá 1 tháng), bởi nếu bình thường thì tất cả các chỉ số đều âm tính hết. Anti phosholipid và anti cardiolipin gọi là hội chứng miễn dịch, khi có sự thụ thai, cơ thể sẽ bắt đầu xảy ra hiện tượng viêm, tắc mạch vi thể khiến máu và chất dinh dưỡng không thể truyền cho thai nhi được khiến thai ngừng phát triển. Nếu không may bị dương tính với hội chứng này, thì khi chuẩn bị có thai và ngay khi bắt đầu phát hiện có thai, mẹ cần phải gặp bác sỹ chuyên gia để theo dõi, điều trị bằng thuốc chống đông máu để giảm nguy cơ tạo ra huyết khối.
Xét nghiệm nội tiết: Xét nghiệm nội tiết tố nữ của người mẹ sau sảy thai để đánh giá nguyên nhân sảy thai do nội tiết tố yếu. Những chỉ số cần kiểm tra là: FSH, LH, Estradiol, Prolactin, Testosterone, Progesterone và AMH – dự trữ buồng trứng kiểm tra vào ngày thứ 2 của chu kỳ kinh nguyệt .
Chụp HSG (chụp vòi trứng tử cung bằng cản quang): Nhằm kiểm tra các bất thường về tử cung như tử cung nhi tính, tử cung dị dạng, tử cung có vách ngăn, tử cung nhi hóa, dính lòng tử cung, dính cổ tử cung, viêm tắc vòi trứng… . Nếu phát hiện thấy có bất thường, bác sỹ theo dõi trực tiếp sẽ gợi ý phương pháp điều trị giúp bạn: Như bơm kháng sinh thông tắc vòi trứng, nong tách dính tử cung, mổ nội soi tử cung… Trong trường hợp tử cung nhi hóa hoặc tử cung xơ hóa không thể mang thai được, thì không có biện pháp can thiệp nào. Tuy nhiên, vợ chồng bạn có thể nhờ đến biện pháp mang thai hộ. Chụp tử cung vòi trứng là một thủ thuật rất đơn giản, chỉ hơi đau tức bụng một chút nhưng cần được bác sỹ chỉ định. Tuy nhiên, lưu ý là trong tháng chụp, nhất định không được để có thai, vì bạn sẽ phải uống thuốc kháng sinh trước và sau khi chụp để tránh viêm nhiễm.
Siêu âm nang thứ cấp: Việc siêu âm này để biết chức năng buồng trứng có bị suy giảm hay không để đánh giá khả năng sinh sản về sau, và cũng là đánh giá tỷ lệ thành công nếu trong trường hợp muốn làm thụ tinh trong ống nghiệm. Khi đã tìm được nguyên nhân gây sảy thai liên tiếp, bác sỹ điều trị/theo dõi sẽ có lên phác đồ và có chỉ định cụ thể cho bạn để có kế hoạch mang thai lần sau tốt hơn.
Kết luận
Việc bị sảy thai liên tiếp là điều mà bất cứ gia đình nào cũng luôn lo lắng, vì thế việc thăm khám để tìm nguyên nhân sảy thai chính là chìa khóa để có thể giúp ngăn chặn việc sảy thai xảy ra ở những lần mang thai tới nhờ những can thiệp y khoa phù hợp.Vì thế đối với những trường hợp sảy thai, nhất là sảy thai liên tiếp thì những xét nghiệm trên có ý nghĩa rất lớn, mà bố mẹ không nên bỏ qua để hạn chế nguy cơ sảy thai tối đa những lần mang thai tiếp.