Phòng ngừa tình trạng bất đồng nhóm máu RH
Bất đồng nhóm máu RH là hiện tượng gì
Nhóm máu của mỗi người khác nhau vì các protein đặc hiệu cho nhóm máu trên bề mặt tế bào hồng cầu là khác nhau. Có 4 nhóm máu: A, B, AB và O. Mỗi một nhóm máu trên còn được phân loại tiếp dựa vào sự hiện diện của một loại protein đặc biệt tên là kháng nguyên D trên bề mặt hồng cầu, đó là yếu tố Rh. Nếu bạn có protein đặc hiệu này thì bạn là nhóm Rh(+), nếu không có là Rh(-). Các kháng nguyên D có mặt trong 85% dân số, nghĩa là phần lớn dân số có nhóm máu dương. Trong 15% còn lại, không có các kháng nguyên D, nghĩa là những người trong số này có nhóm máu âm.
Nếu người mẹ có Rh âm kết hợp với người cha cũng có Rh âm thì khi thụ thai, em bé sẽ không có vấn đề gì. Em bé cũng sẽ có nhóm máu có Rh âm nên không có việc sản xuất kháng thể. Tương tự, khi người mẹ có Rh dương thụ thai một em bé với một người đàn ông có Rh âm thì cũng không có vấn đề gì xảy ra. Tuy nhiên, nếu phụ nữ có Rh(-) kết hôn với đàn ông có Rh(+) thì con của họ có thể gặp vấn đề về sức khỏe do sự bất đồng nhóm máu mẹ con.
Ảnh minh họa.
Những nguy hiểm của hiện tượng bất đồng nhóm máu RH mẹ con
Khi người mẹ có nhóm máu Rh (-) nhưng lại có con với người bố nhóm máu Rh(+) thì thai nhi trong trường hợp này có nhóm máu Rh(+) di truyền từ bố và sẽ phát triển trong cơ thể mẹ Rh(-). Nếu không có những bất thường khác xảy ra trong quá trình mang thai, sự bất đồng yếu tố Rh này thường không gây ra vấn đề gì nếu người mẹ mang thai lần đầu do máu của thai nhi không bị trộn lẫn với máu của mẹ trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, khi chuyển dạ, máu của mẹ và máu của thai nhi có thể hòa lẫn vào nhau. Khi đó cơ thể người mẹ lần đầu tiên gặp yếu tố Rh từ thai nhi, xem nó là “vật lạ” (kháng nguyên) và bắt đầu sản xuất ra kháng thể chống lại yếu tố Rh.
Người mẹ Rh(-) còn có thể tiếp xúc với yếu tố Rh và bị kích thích tạo ra kháng thể Rh nếu được truyền máu nhóm Rh(+), bị sẩy thai hoặc chết lưu. Kháng thể Rh trong máu của mẹ sẽ ảnh hưởng đến thai nhi ở lần mang thai thứ 2 hoặc sau đó. Nếu thai nhi kế tiếp vẫn có nhóm máu Rh(+), những kháng thể Rh của mẹ sẽ nhận ra protein (kháng nguyên) Rh trên bề mặt tế bào máu thai nhi và tấn công chúng. Điều này có thể làm tế bào hồng cầu của thai nhi bị phồng to và vỡ. Khi số tế bào hồng cầu giảm xuống quá mức, thai nhi sẽ gặp nguy hiểm. T ình trạng này gọi là bệnh tán huyết (tiêu máu) do bất đồng nhóm máu Rh ở trẻ sơ sinh.
Như vậy, biến chứng do bất đồng nhóm máu Rh hiếm khi xảy ra trong lần mang thai đầu tiên và cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ. Tuy nhiên, kháng thể Rh hình thành trong những lần mang thai tiếp theo sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ và con.Ở những lần mang thai sau, nó có thể gây tử vong cho thai nhi vì quá nhiều hồng cầu bị phá hủy. Nếu may mắn em bé có thể sống sót và được sinh ra, thì cũng có nguy cơ gặp những hiện tượng tiêu máu có thể gây thiếu máu nghiêm trọng, vàng da nặng, tổn thương não và suy tim ở trẻ sơ sinh.
Phòng tình trạng bất đồng nhóm máu RH
Trước đây, bất đồng nhóm máu Rh là vấn đề rất nghiêm trọng. Nhưng hiện nay, những tiến bộ vượt bậc của y học đã giúp phòng ngừa những biến chứng do bất đồng Rh và điều trị những trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng bởi bệnh tán huyết. Khi phụ nữ nhóm máu Rh(-) có thai, bác sĩ sẽ chỉ định 2 liều huyết thanh miễn dịch Rh (Rh immune-globulin) trong thời gian mang thai. Liều đầu tiên vào tuần thứ 28 của thai kỳ và liều thứ hai trong vòng 72 giờ sau sinh.
Những kháng thể trong hai liều thuốc trên sẽ chủ động phá hủy và ngăn chặn những tế bào hồng cầu Rh(+) từ thai nhi qua máu mẹ, qua đó giảm thiểu sự tiếp xúc của cơ thể mẹ với hồng cầu Rh(+) và ngăn ngừa sự sản xuất kháng thể Rh trong cơ thể mẹ. Nhờ đó, lần mang thai tiếp theo sẽ không gặp vấn đề do bất đồng nhóm máu Rh nữa. Vì vậy, cứ mỗi lần mang thai, thai phụ đều cần được tiêm huyết thanh miễn dịch Rh để phòng ngừa việc sản xuất kháng thể ở mẹ dẫn đến bệnh tán huyết ở thai nhi trong lần mang thai sau.
Nếu bác sĩ đã xác định rằng người phụ nữ đã có kháng thể Rh thì thai kỳ sẽ được theo dõi chặt chẽ để đảm bảo nguy cơ thấp nhất. Trong một số ít trường hợp, khi sự bất đồng nhóm máu là nghiêm trọng và thai nhi gặp nguy hiểm, máu có thể được truyền bên ngoài vào nuôi em bé trong tử cung hoặc sau sinh. Sự truyền máu này sẽ thay máu của em bé bằng hồng cầu nhóm Rh(-). Phương pháp này giúp ổn định số lượng hồng cầu của em bé cũng như giảm thiểu tổn thương hồng cầu gây ra bởi các kháng thể kháng Rh đang tuần hoàn (lưu thông) trong cơ thể em bé. Ở Hoa Kỳ, nhờ hiệu quả của phương pháp tiêm huyết thanh miễn dịch, việc truyền máu từ bên ngoài chỉ trở nên cần thiết ở không quá 1% tổng số trường hợp bất đồng nhóm máu Rh.
Ðiều trị bệnh huyết tán ở trẻ sơ sinh do bất đồng nhóm máu RH mẹ con
Các em bé bị bệnh này sinh ra sẽ bị thiếu máu và vàng da, nghĩa là do dự trữ sắt không đủ và nồng độ bilirubin trong máu cao. Những em bé này thường phải được truyền máu (thay máu). Đây là một việc cần phải được chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Việc này sẽ giúp loại bỏ các kháng thể anti D. Trẻ sơ sinh bị bệnh tán huyết cũng có thể cần điều trị bằng đèn chiếu và giám sát chặt chẽ nồng độ sắt và bilirubin trong máu. Lượng bilirubin cao có thể vượt qua máu di chuyển đến não và gây tổn thương não (bệnh vàng da nhân) gây ra những di chứng thiểu năng trí tuệ lâu dài.
Kết luận
Tình trạng bất đồng nhóm máu RH mẹ con là tình trạng không hiếm gặp. Nếu phát hiện tình trạng này ngay từ lần mang thai đầu tiên và phòng tránh kịp thời, thì hầu như không có nguy hiểm cho những lần mang thai sau. Tuy nhiên trong trường hợp nếu không phát hiện và xử lý kịp thời, tình trạng này có thể gây ra việc sảy thai, chết lưu thai liên tiếp sau lần mang thai đầu, hoặc con sinh ra gặp các vấn đề nặng nề về sự phát triển thể chất và trí tuệ.