Các loại vitamin D bổ sung cho trẻ dễ gây nhầm lẫn
Vitamin D có bao nhiêu loại
Vitamin D là vitamin tan trong chất béo, có chức năng làm tăng cường khả năng hấp thu canxi và phosphat ở đường ruột. Ở người, các hợp chất quan trọng nhất trong nhóm này là vitamin D3 (cholecalciferol) và vitamin D2 (ergocalciferol).
Vitamin D₃ (cholecalciferol) là dạng vitamin D quan trọng nhất của cơ thể, được cơ thể tạo ra sau khi da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trực tiếp. Ngoài ra, có thể bổ sung vitamin D3 từ thực phẩm như sữa, cá biển, dầu gan cá và lòng đỏ trứng. Tuy nhiên, cơ thể chỉ có thể thực sự sử dụng vitamin D3 cho đến khi nó được gan và thận thay đổi thành một dạng vitamin D hoạt động.
Vitamin D₂ (ergocalciferol) cũng là một vitamin quan trọng đối với cơ thể, có thể được tìm thấy trong các chất bổ sung và đến từ các nguồn thực vật hoặc nấm. Nhiều bằng chứng cho thấy cơ thể chúng ta có thể lưu trữ vitamin D3 tốt hơn vitamin D2 và vitamin D3 làm tăng nồng độ vitamin D trong máu nhanh hơn. Tương tự như vitamin D3, vitamin D2 vẫn cần kích hoạt bởi gan và thận.
Khi vào trong cơ thể, vitamin D được chuyển hóa thành dạng hoạt động là calcidiol hay còn gọi là 25-hydroxyvitamin D. Đây là dạng vitamin D dồi dào nhất được tìm thấy trong máu và là dạng được đo trong các xét nghiệm máu để xác định mức độ vitamin D trong cơ thể người.
Như vậy, với cơ thể người, nhất là những đối tượng có nhu cầu vitamin D cao như trẻ em, phụ nữ mang thai và sau sinh, người già,...cần bổ sung vitamin D2 và D3. Có thể bổ sung bằng cách "tắm" nắng hoặc bổ sung từ thực phẩm hoặc thuốc.
Ảnh minh họa.
Vai trò của vitamin D trong cơ thể
Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên cấu trúc xương thông qua cơ chế phân phối canxi và phospho trong cơ thể. Vitamin D làm tăng hấp thu canxi và phospho qua đường tiêu hóa. Ngoài ra, Vitamin D cũng đóng vai trò trong quá trình phân chia tế bào, bài tiết và chuyển hoá các hormone, bao gồm hormone tuyến yên, tuyến cận giáp và insulin. Những dấu hiệu về biến đổi xương thường xuất hiện sau vài tháng thiếu vitamin D.
Có thể chia ra làm 2 nhóm, các dấu hiệu thiếu vitamin D giai đoạn sớm và thiếu vitamin D giai đoạn muộn như sau:
Dấu hiệu sớm:
Các dấu hiệu của hệ thần kinh:
Trẻ hay quấy khóc, khó ngủ, ngủ không yên giấc, ngủ hay giật mình do thần kinh bị kích thích.
Ra mồ hôi trộm, ra mồ hôi nhiều, vào ban đêm ngay cả khi thời tiết mát mẻ, ra mồ hôi lòng bàn tay, chân.
Trẻ thường có dấu hiệu rụng tóc vành khăn, chiếu liếm.
Trẻ thường chậm phát triển thể lực, cơ nhẽo, da xanh, lách to.
Dấu hiệu muộn:
Chậm mọc răng và răng mọc không cân đối, chậm biết lẫy, bò, đi...
Có thể bị co giật do hạ canxi máu
Biến đổi xương: Thóp rộng, bờ thóp mềm, lâu liền thóp Biến dạng hộp sọ, xương sọ mềm, ấn lõm, trở lại bình thường khi nhấc tay ra, đầu bẹp. Bướu xương sọ, thường ở vùng trán, vùng đỉnh. Đầu xương cổ tay to, phì đại thành "vòng cổ tay". Chuỗi xương sườn và biến dạng lồng ngực (ức gà, ngực hình chuông, chuỗi hạt sườn), chân vòng kiềng, cong vẹo cột sống.
Còi xương là bệnh tiên phát ở trẻ nhỏ sẽ nhìn thấy cẳng chân bị biến dạng và chậm phát triển thể lực. Biến dạng xương ở thời kỳ thơ ấu có thể để lại di chứng cho thời kỳ trưởng thành, xương sống có thể bị gù, vẹo, hẹp khung chậu.
Liều bổ sung vitamin D
Liều vitamin D dự phòng cho các đối tượng có nguy cơ tham khảo như sau, tuy nhiên tùy từng đối tượng vẫn cần theo chỉ định của bác sỹ:
- Trẻ từ khi sinh đến 18 tháng tuổi khẩu phần vitamin D không đáp ứng nên bổ sung 400 IU/ngày), nên uống bổ sung vitamin D hàng ngày liên tục.
- Nếu trẻ không thường xuyên được chăm sóc chu đáo thì nên dùng liều cao cách nhau một thời gian. Từ 6-18 tháng: Cứ mỗi 6 tháng cho uống 1liều 200.000 đv. Trẻ 18-60 tháng dùng liều duy nhất vào đầu mỗi mùa đông trong năm.
- Trẻ em và vị thành niên không thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, sử dụng <500 ml sữa có bổ sung vitamin D hoặc nên bổ sung vitamin D 400 đv/ngày. - Bà mẹ có thai hoặc cho con bú, uống bổ sung thêm vitamin D với liều 400-600 đv/ngày. Hoặc dùng liều 1.000 -1.200 đv/ngày trong 3 tháng cuối của thời kỳ có thai. Hoặc dùng liều duy nhất 200.000đv vào tháng thứ 7 nếu không có điều kiện tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, các bác sỹ khuyên dùng vitamin D liều hàng ngày bởi đây cách an toàn nhất, trường hợp dùng vitamin D liều cao có thể gây ngộ độc các dấu hiệu tổn thương mắt, kém ăn, nhức đầu, buồn nôn, ỉa chảy, có albumin trong nước tiểu, sỏi thận, sỏi bàng quang, cao huyết áp...