Cytomegalo virus khi mang thai ảnh hưởng như thế nào
Cytomegalo virus là gì?
Virus Cytomegalo (CMV) là loại virus thuộc nhóm Herpes. Đây là tác nhân có thể gây nhiều bệnh cho mọi nhóm tuổi, từ những bất thường bẩm sinh đến các rối loạn bệnh lý, đặc biệt ở người suy giảm miễn dịch. CMV có thể lưu lại trong cơ thể suốt cuộc đời của một người, do đó có thể tái phát nhiều lần, nhất là những khi khi hệ miễn dịch bị suy giảm.
Đường lây truyền Virus Cytomegalo:
Sự lây truyền theo nhiều kiểu khác nhau. Sự nhiễm CMV thường lan rộng là do sự tiếp xúc với các dịch thể của người đang bị nhiễm CMV như nước bọt, nước tiểu, phân, tinh dịch, máu, nước mắt, dịch âm đạo và sữa. Trong quá trình mang thai, thai nhi có thể bị nhiễm từ người mẹ đang bị nhiễm CMV qua đường nhau thai, hoặc qua các dich tiết và máu trong quá trình sinh đẻ, hoặc sau này trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm qua sữa trong quá trình bú sữa mẹ, qua nước bọt. Người lớn thì truyền qua đường sinh dục, do CMV hiện diện âm thầm trong tinh dịch và dịch tiết cổ tử cung. Nó cũng truyền qua đường máu hoặc ghép cơ quan.
Triệu chứng Cytomegalo Virus ở trẻ em và người lớn:
Ở trẻ em và người lớn, phần lớn những người khỏe mạnh bị nhiễm CMV thường không thể hiện triệu chứng lâm sàng nhưng có thể có các triệu chứng giống cúm. Thời gian ủ bệnh 20 - 60 ngày, xuất hiện triệu chứng bệnh sau 2 - 6 tuần với các triệu chứng như sốt, đau đầu, mệt mỏi, tăng bạch cầu đơn nhân, giảm bạch cầu đa nhân trung tính. Khoảng 80% người lớn tạo được kháng thể chống CMV (IgG). Bệnh thường nhẹ, hầu hết bệnh nhân hồi phục không di chứng nhưng viêm gan cận lâm sàng lại thường gặp. Rất hiếm khi nhiễm CMV đưa đến tử vong, trừ các trường hợp bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch. Đặc biệt ở bệnh nhân được ghép thận, ghép tủy bị đè nén miễn dịch để lại biến chứng viêm phổi mô kẽ với tỷ lệ cao.
Ảnh minh họa.
Ảnh hưởng Cytomegalo virus đến thai nhi và trẻ sơ sinh
CMV là một trong những nhiễm virus phổ biến nhất có thể ảnh hưởng đến mọi người, trong khi các triệu chứng của nhiễm CMV là "thầm lặng" trong phần lớn các trường hợp người lớn, nhưng điều quan trọng là ảnh hưởng đến những phụ nữ đang mang thai vì CMV từ người mẹ đang nhiễm CMV có thể truyền cho thai nhi trong quá trình mang thai hoặc cho trẻ sơ sinh khi sinh và sau sinh có thể để lại những biến chứng nghiêm trọng
Ảnh hưởng của nhiễm Cytomegalo virus với thai nhi:
- Trẻ nhiễm virus trong thời kỳ thai nghén gây bệnh thể vùi tế bào khổng lồ. Tế bào khổng lồ được tạo thành gọi là Cytomegalo, có nhiều nhân nổi bật, nhiều thể vùi trong nhân. Nhiều cơ quan cũng bị nhiễm dẫn đến bất thường bẩm sinh.
- Hầu như chỉ những thai nhi có mẹ bị nhiễm CMV lần đầu trong khi mang thai mới có triệu chứng lâm sàng, nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ. Đối với bà mẹ mang thai nhiễm tái phát loại virut này thì khả năng thai nhỉ bị ảnh hưởng nhiều là không lớn. Chỉ số IgG CMV vẫn ở mức độ an toàn khả năng thai nhi bị ảnh hưởng chỉ ở mức 1%.
- Thai nhi có nhiều dạng biểu hiện lâm sàng từ không có triệu chứng đến thể nặng và lan rộng toàn thân. Một số triệu chứng như đốm mảng xuất huyết, gan, lách to, vàng da (60-80%), teo não và đầu nhỏ, nhu mô não bị vôi hóa, chậm phát triển trong tử cung(30-50%), thoát vị bẹn và viêm võng mạc ít thấy hơn.
Ảnh hưởng nhiễm Cytomegalo virus với trẻ sơ sinh:
- Trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm CMV trong lúc sinh khi ngang qua âm đạo hoặc nhiễm sau sinh khi bú sữa mẹ hay do tiếp xúc với các dịch tiết khác của mẹ. 40 – 60 % trẻ sơ sinh bú mẹ hơn một tháng mà mẹ có huyết thanh dương tính với CMV sẽ bị lây nhiễm.
- Đa số các trẻ này đều không có triệu chứng, một số trẻ có thể có triệu chứng viêm phổi kẽ kéo dài. Một số triệu chứng khác hay gặp như cân nặng lúc sinh thấp, viêm hạch, nổi mẩn, viêm gan, tế bào lympho tăng và thiếu máu.
Tóm lại, với những trường hợp nhiễm Cytomegalo virus ở thai nhi và trẻ sơ sinh có tiên lượng xấu tỉ lệ tử vong 20 - 30% , nếu còn sống sót cũng có thể dẫn đến trì trệ tâm thần ở trẻ và điếc khi lớn lên. Gần như các trường hợp CMV bẩm sinh không có triệu chứng lâm sàng rõ rệt và sau này,tuy nhiên 5-25% sẽ bị chậm phát triển tâm thần, mù, răng hỏng bất thường.
Chẩn đoán Cytomegalo virus
Các xét nghiệm để chẩn đoán nhiễm CMV là các xét nghiệm phát hiện kháng thể IgM và IgG chống CMV sử dụng các kỹ thuật ELISA, huỳnh quang, ngưng kết hồng cầu, ngưng kết latex hoặc PCR.
Phòng và điều trị Cytomegalo virus
Dự phòng:
Vì CMV có thể lây truyền qua đường nước bọt nên cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người nghi nhiễm CMV. Cần phải duy trì vệ sinh thật tốt bằng cách rửa tay kỹ bằng xà phòng sau khi tiếp xúc trực tiếp với các dịch cơ thể của người nhiễm CMV. Tránh hôn trẻ hoặc dùng chung dụng cụ ăn uống với trẻ nghi nhiễm CMV. Hiện vẫn chưa có vaccine dự phòng CMV. Các vaccine đối với cytomegalovirus hiện đang trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển
Điều trị:
Khi phát hiện bệnh nhân bị nhiễm CMV, các thày thuốc cần hội chẩn để đưa ra phương hướng điều trị. Tuỳ tình trạng và điều kiện cụ thể của bệnh nhân, có thể điều trị CMV bằng các thuốc: Ganciclovir được sử dụng cho các bệnh nhân bị ức chế miễn dịch, Foscarnet, Vaganciclovir (tên thị trường là Valcyte), một thuốc chống virus có hiệu quả, viên uống; Cytomegalovirus Immune Globulin, một IgG người chứa một lượng kháng thể chuẩn chống CMV, tiêm tĩnh mạch, có thể sử dụng một mình hoặc kết hợp với các thuốc chống virus khác.
Kết luận
Nhiễm Cytomegalo virus trong quá trình mang thai mặc dù có thể gây ra những ảnh hưởng đến thai nhi, tuy nhiên nó cũng chỉ chiếm một tỷ lệ nhất định, nên nếu trong quá trình mang thai người mẹ phát hiện việc nhiễm CMV thì phải tiếp tục tịnh dưỡng, ăn uống bồi bổ, không làm việc quá sức, nghỉ ngơi đúng giờ giấc, tiếp tục khám thai và theo dõi định kỳ sức khỏe của bản thân và thai nhi theo đúng chỉ định của bác sỹ. Trong những trường hợp bác sỹ khẳng định có những vấn đề bất thường xảy ra cho thai nhi ở mức độ nặng sẽ có chỉ định đình chỉ thai nghén bằng phương pháp phù hợp. Cũng có nhiều trường hợp nhiễm CMV vẫn có thể sinh con khỏe mạnh nên thai phụ và gia đình không nên quá lo lắng ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.