Sốt xuất huyết khi mang thai
Bệnh sốt xuất huyết là bệnh gì
Sốt xuất huyết Dengue là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virut Dengue gây nên. Bệnh lây theo đường máu, trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn, đốt người chủ yếu vào ban ngày, sau khi đốt no máu, muỗi đậu ở nơi tối).Bệnh lây do muỗi vằn hút máu truyền siêu vi trùng từ người bệnh sang người lành. Bệnh thường bùng phát thành dịch, có thể xuất hiện dịch quanh năm.
Biểu hiện sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết có nhiều thể lâm sàng, có thể điển hình và không điển hình, trong đó lại có các mức độ khác nhau. Sau đây chúng tôi sẽ trình bày về sốt xuất huyết thể điển hình và dấu hiệu sốc xuất huyết, một trong những thể nguy hiểm của bệnh.
Sốt xuất huyết Dengue thể thông thường điển hình
Thời kỳ ủ bệnh: Trung bình 4-10 ngày (3-15 ngày).
Thời kỳ khởi phát: Thường là đột ngột bằng sốt cao, thời kỳ khởi phát thường ngắn.
Thời kỳ toàn phát:
- Sốt: Khởi phát đột ngột, thường sốt cao liên tục, trung bình 4-7 ngày (ít khi dưới 2 ngày tuy vậy có bệnh nhân sốt đến 15- 19 ngày). Nhiệt độ thường liên tục cao cũng có khi dao động khi hạ sốt nhiệt độ thường xuống đột ngột, kèm theo huyết áp giảm . Một số (17- 20%) bệnh nhân có kiểu sốt hai pha, sau khi giảm sốt được 2-3 ngày nhiệt độ lại tăng 3-5 ngày
- Bệnh nhân thường đau mỏi toàn thân, nhức đầu nhiều liên tục vùng trán, hai bên thái dương, cảm giác gai rét, vã mồ hôi buồn nôn và nôn ăn ngủ kém mệt nhiều.
- Hội chứng xuất huyết: Gặp ở tất cả bệnh nhân thường gặp ở ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 của bệnh khi đang sốt cao hoặc hạ sốt.
Ảnh minh họa.
Các dạng xuất huyết thường gặp là
* Xuất huyết dưới da: Có các dạng chấm, nốt đốm dải xuất huyết lớn hơn là các mảng xuất huyết có thể gặp các “u” hoặc “bọc” xuất huyết dưới da. Đốm xuất huyết thường rải rác khắp cơ thể nhiều ở vùng da mỏng (mặt trong cánh tay, mặt trong đùi, hai bên mạng sườn) mọc dày ở cẳng chân, cẳng tay (dấu hiệu đi bít tất). Những nơi bị va đập như chỗ đo huyết áp, đánh gió, đâm kim tiêm truyền, véo da thường để lại dải hoặc mảng xuất huyết.
* Xuất huyết niêm mạc: Hay gặp nhất là chảy máu cam đa số chảy máu ở điểm mạch Kisselbach, chảy máu lợi chân răng, xuất huyết dưới kết mạc mắt ít gặp hơn.
* Xuất huyết phủ tạng: Phổ biến là xuất huyết tiêu hoá, sau đó là xuất huyết tiết niệu, hô hấp, xuất huyết não, màng não...
- Các triệu chứng khác:
* Tim mạch: Khi xuất huyết nhiều mất nước hoặc sốc mạch nhanh, yếu. Bệnh nhân là người lớn khi sốt cao có thể mạch và nhiệt độ phân ly. Huyết áp thường giảm một số trường hợp có biến đổi trên tâm đồ chủ yếu là rối loạn dẫn truyền.
* Tiêu hoá: Thường hay gặp đau bụng ở trẻ em đau vùng gan, gan to hiếm gặp vàng da và niêm mạc, các xét nghiệm sinh hoá máu về gan có nhiều thay đổi… Một số trường hợp có rối loạn tiêu hoá nôn ỉa lỏng bụng chướng.
* Hô hấp: Viêm long đường hô hấp trên trong thời kỳ khởi phát, tràn dịch màng phổi hoặc viêm phổi do bội nhiễm.
* Hạch sưng: Hay gặp hơn ở sốt Dengue. Ban dát sẩn: Có thể có ở bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue trước khi có nốt xuất huyết hay gặp ở bệnh nhân sốt Dengue
Sốt xuất huyết Dengue thể sốc (sốc Dengue)
Có thể gặp ở ngày thứ 3-7 của bệnh, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt, tụt hoặc không đo được da lạnh nhớp nháp mồ hôi, mệt lả. Cần phát hiện các dấu hiệu tiền sốc để xử trí kịp thời tránh nguy hiểm đến tính mạng. Có 5 dấu hiệu tiền sốc cần theo dõi để phát hiện là: Vật vã hoặc li bì, đau bụng dữ dội, lạnh đầu chi, xung huyết da và đái ít.
Biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết có thể gặp là:
* Xuất huyết phủ tạng nặng, ở giai đoạn muộn do đông máu rải rác nội mạch.
* Hôn mê và hội chứng não cấp, phù não nặng.
* Biến chứng Tim: Tràn dịch màng ngoài tim, suy mạch vành rối loạn dẫn truyền, phù nề khe tim, xuất huyết cơ tim.
* Biến chứng Phổi: Tràn dịch màng phổi, phù phổi cấp.
* Biến chứng Thận: Suy thận cấp.
* Tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng tinh hoàn, phù.
* Sốt xuất huyết não cũng rất khó nhận biết vì biểu hiện ban đầu không rõ ràng, nhưng rất dễ gây tử vong. Ban đầu, người bệnh sốt, bị nhức đầu, ngay sau đó tay bị tê liệt, không thể cử động. Cuối cùng, người bệnh sẽ bị hôn mê rồi dẫn đến tử vong
Ảnh hưởng sốt xuất huyết đến phụ nữ mang thai
Nếu bà bầu mắc sốt xuất huyết ở giai đoạn đầu mang thai, điều đó khá nguy hiểm. Virus sẽ tác động vào cơ quan tạo máu của mẹ và con, gây ra rối loạn đông máu, nhất là việc giảm số lượng và chất lượng tiểu cầu. Bệnh có thể gây sảy thai, thai dị tật bẩm sinh, thai chết lưu. Ngoài ra, sốt xuất huyết vào giai đoạn chuyển dạ có thể gây băng huyết sau sinh do bệnh làm giảm tiểu cầu. Nặng hơn nữa là tình trạng rối loạn đông máu dẫn đến nguy cơ tử vong cho bà bầu và thai nhi. Sốt xuất huyết có thể ảnh hưởng đến thai kỳ do 2 triệu chứng chính là sốt và xuất huyết.
Đối với thai nhi: nếu bệnh bị mắc trong giai đoạn đầu của thai kỳ có thể gây sảy thai, sinh non, thai chết lưu, thai nhẹ cân và có một tỷ lệ rất nhỏ mẹ có thể truyền virus sang thai.
Đối với mẹ bầu: Các mẹ bầu có thể chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da, chảy máu đường tiêu hoá do tình trạng giảm tiểu cầu. Nếu diễn tiến nặng hơn có thể bị tăng men gan, tràn dịch ổ bụng hay màng phổi, màng tim hoặc sốc giảm thể tích máu, dễ dẫn đến nhau bong non, thai chết lưu trong tử cung hay thậm chí mẹ tử vong. Sốt xuất huyết khi chuyển dạ là cực kỳ nguy hiểm, có nguy cơ băng huyết sau sinh và có thể tử vong mẹ và con.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết không cần phải bỏ thai ngay, mà phải bình tĩnh, không nên lo lắng thái quá bởi sẽ làm ảnh hưởng đến em bé. Điều quan trọng là phải theo dõi chặt chẽ để kiểm tra sức khỏe của thai nhi. Việc các mẹ cần làm là ngay lập tức đến gặp các bác sĩ để khám bệnh, nhận lời khuyên và xem mức độ bệnh tình của mình đang ở giai đoạn nào để có cách điều trị hiệu quả nhất. Các thai phụ không được tự ý mua thuốc, uống thuốc hoặc đi tiêm, điều đó có thể khiến cho bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn.
Điều trị sốt xuất huyết cho phụ nữ mang thai
Hiện nay không có vắc xin dự phòng sốt xuất huyết Dengue và không có thuốc điều trị đặc hiệu. Chỉ có thể điều trị triệu chứng.
Những trường hợp nhẹ bệnh nhân có thể tự khỏi trong vòng vài ngày. Nếu sốt cao > 38,5 độ, cần đến đi khám tại các cơ sở Y tế để được cho thuốc hạ nhiệt, nới lỏng quần áo, chườm ấm. Còn sốt < 38,5 độ có thể uống bù nước ORESOL, nước hoa quả và chườm mát. Thuốc hạ sốt Paracetamol có thể dùng cho phụ nữ có thai.
Theo dõi nếu tình trạng tiểu cầu hạ đến mức nguy hiểm, có nguy cơ xuất huyết bác sỹ sẽ có hướng truyền tiểu cầu để tránh tình trạng xuất huyết nguy hiểm. Trong chế độ ăn chủ yếu dùng các thức ăn nhẹ dễ tiêu như cháo, súp, sữa, sinh tố… Chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tránh lo nghĩ căng thẳng, gắng sức. Một số lưu ý trong điều trị sốt xuất huyết ở phụ nữ mang thai Không tự dùng thuốc, truyền dịch khi không có chỉ định của bác sỹ. Không dùng các thuốc hạ sốt khác không phải paracetamol. Cần theo dõi ở các khoa cấp cứu hoặc khoa lây và có sự kết hợp chuyên môn của bác sỹ sản khoa.
Kết luận
Sốt xuất huyết là bệnh lý thường gặp, dịch sốt xuất huyết bùng phát rất nhanh và mạnh mẽ với số lượng người mắc lớn. Vào mỗi mùa dịch, bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Với sốt xuất huyết ở thai phụ càng nguy hiểm hơn, vì có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và tính mạng của con. Do đó với phụ nữ mang thai sống trong vùng có dịch cần đặc biệt lưu ý phòng tránh để không bị muỗi đốt, khi đã có dấu hiệu sốt xuất huyết cần nhập viện theo dõi và làm theo y lệnh.