Tìm hiểu về tăng huyết áp thai kỳ
Tăng huyết áp khi mang thai là gì
Huyết áp là một khái niệm chỉ áp lực máu tác động lên thành mạch khi tim co bóp để bơm máu đi khắp cơ thể. Huyết áp cao (tăng huyết áp) có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Đặc biệt, tình trạng tăng huyết áp khi mang thai còn có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ và bé. Theo thống kê, có khoảng 15-25% phụ nữ gặp tình trạng tăng huyết aspt trong thai kỳ, tăng dần theo độ tuổi
Ảnh minh họa
Khác với tình trạng người bệnh đã có bệnh tăng huyết áp mạn tính từ trước khi mang thai, tăng huyết áp thai kỳ là khi huyết áp cao khởi phát vào nửa sau của thai kỳ (sau tuần thứ 20) ở các phụ nữ có chỉ số huyết áp trước lúc mang thai hoàn toàn bình thường. Đa phần mẹ bầu sẽ khỏi bệnh sau khi sinh bé, song tăng huyết áp thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh huyết áp cao sau này.
Các chỉ số huyết áp theo quy định cần biết như sau:
- Huyết áp bình thường: Dưới 120/80 mmHg
- Huyết áp bình thường cao: Huyết áp tâm thu trong khoảng 120 - 129 và huyết áp tâm trương dưới 80 mmHg
- Tăng huyết áp độ 1: Huyết áp tâm thu trong khoảng 130 - 139 hoặc huyết áp tâm trương trong khoảng 80 - 89 mmHg
- Tăng huyết áp độ 2: Huyết áp tâm thu từ 140 trở lên hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên
Dấu hiệu tăng huyết áp thai kỳ
Phần đa các trường hợp thai phụ sẽ không có dấu hiệu bệnh lý gì khi bị tăng huyết áp thai kỳ, mà có thể tình cờ phát hiện bệnh khi đi khám kiểm tra thai định kỳ. Tuy nhiên một số trường hợp có biểu hiện như:
- Đau đầu, đau tức ngực
- Phù: Thai phụ cảm thấy vùng da mềm, ấn lõm, phù toàn thân
- Tăng cân nhanh
- Giảm thị lực, cảm giác có ruồi bay trước mắt
- Ù tai, hoa mắt, chóng mặt
Nguy cơ biến chứng của tăng huyết áp thai kỳ
Huyết áp cao trong thai kỳ có thể khiến tim và thận của mẹ bầu làm việc quá tải, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim và đột quỵ cũng như các bệnh lý về thận. Những biến chứng khác có thể xảy ra gồm có:
Hạn chế phát triển của thai nhi: Huyết áp cao có thể làm giảm dòng dinh dưỡng nuôi bé qua nhau thai, hệ quả là có thể có các vấn đề của thai nhi thai như thai nhỏ, chậm phát triển. Thậm chí nhiều trường hợp có thể dẫn đến thai chết lưu, thai bị ngạt...
Tiền sản giật: Là tình trạng có thể gây nguy hiểm cho mẹ và bé. Tiền sản giật thường có 3 dầu hiệu chính là phù, tăng huyết áp, và protein niệu. Bệnh có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của thai trong tử cung người mẹ. Bệnh còn ảnh hưởng đến gan, thận, máu, tim, mắt và hệ thần kinh của người mẹ.
Sinh non: Có thể xảy ra khi nhau thai không cung cấp đủ chất dinh dưỡng và oxy cho bé
Nhau bong non: Nhau thai là cơ quan bên trong tử cung cung cấp chất dinh dưỡng, thải chất thải và trao đổi khí qua máu với cơ thể người mẹ. Nhau bong non là trạng thái xảy ra khi nhau thai sớm tách ra khỏi thành tử cung, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ gây nguy hiểm cho thai nhi
Mổ lấy thai: Tăng huyết áp có thể chuyển thành tăng huyết áp kịch phát khi chuyển dạ, gây nguy hiểm cho tính mạng của sản phụ. Vì thế tỷ lệ mẹ bầu bị tăng huyết áp có khả năng phải áp dụng phương pháp sinh mổ cao hơn so với những mẹ bầu có huyết áp bình thường.
Bên cạnh đó, bị tăng huyết áp kèm theo bệnh tim dễ dẫn đến suy tim, cản trở chức năng cầm máu. Ngoài ra, chức năng thận cũng bị ảnh hưởng, khả năng lọc và đào thải suy giảm, khiến thể tích máu tăng lên, có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như chảy máu não, đa tạng bị tổn thương, giảm lượng tiểu cầu, máu không đông,...
Điều trị và theo dõi tăng huyết áp thai kỳ
Ảnh minh họa
Thai phụ sẽ được theo dõi huyết áp một cách sát sao xuyên suốt thai kỳ (bao gồm tự theo dõi huyết áp tại nhà). Mẹ bầu sẽ được siêu âm định kỳ để theo dõi sự phát triển của thai nhi. Trong trường hợp nghi ngờ có vấn đề về phát triển thai nhi, thông thường trong 3 tháng cuối, sẽ có các xét nghiệm để theo dõi sức khỏe cho bé.
Nếu chỉ tăng huyết áp nhẹ, có khả năng trong thai kỳ, chỉ số huyết áp của mẹ bầu sẽ giữ nguyên, hoặc thậm chí giảm xuống mức bình thường, khi đó có thể ngừng thuốc hoặc giảm liều điều trị. Nếu tình trạng tăng huyết áp nặng, hay huyết áp cao khi mang thai gây ra những vấn đề về sức khỏe, mẹ bầu có thể cần phải uống thuốc điều trị huyết áp trong thời gian mang thai.
Ngoài ra, thai phụ cần tuân thủ một chế độ vận động, luyện tập đều đặn hàng ngày, hạn chế dùng muối và các món ăn mặn, rèn thói quen ăn chậm, nhai kỹ, nên nghỉ ngơi nhiều, nằm nghiêng về bên trái là tư thế ngủ có lợi nhất.
Bài tham khảo