Bế sản dịch sau sinh, nguy hiểm khôn lường
Bế sản dịch sau sinh là tình trạng gì
Sản dịch sau sinh là tình trạng có ở tất cả các sản phụ dù sinh thường hay sinh mổ. Bản chất sản dịch là dịch tổng hợp của nước ối, màng rau còn sót lại sau quá trình chuyển dạ và niêm mạc của cổ tử cung bong ra. Sản dịch là môi trường giàu dinh dưỡng, thuận lợi cho vi khuẩn trong đường sinh dục phát triển.Thông thường, sau khi sinh, tử cung sẽ có phản xạ co bóp để đẩy hết sản dịch ra ngoài trong khoảng 2-3 tuần. Mỗi ngày tử cung sẽ co hồi đi khoảng 1 - 1,5cm cho đến khi năm trong tiểu khung của sản phụ và không còn sờ thấy được nữa.
Trong trường hợp sản dịch cũng không thể thoát ra ngoài được do một vài nguyên nhân nào đó và dẫn đến bị ứ đọng lại trong tử cung thì gọi là bế sản dịch sau sinh (nên còn gọi cách khác là Ứ đọng sản dịch). Bế sản dịch có thể gặp cả ở sinh thường và sinh mổ, tuy nhiên tỉ lệ này ở nhóm sản phụ sinh mổ, đặc biệt là sinh mổ chủ động khi chưa có dấu hiệu chuyển dạ là cao hơn. Bế sản dịch nếu không can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến sản dịch bị nhiễm khuẩn, gây ra tình trạng sốc nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng sản phụ.
Ảnh minh họa.
Nguyên nhân bế sản dịch sau sinh
Nguyên nhân gây ra tình trạng bế sản dịch phổ biến, thường gặp trên lâm sàng là:
- Sản phụ bị mất máu nhiều trong khi sinh dẫn đến thiếu hụt máu cung cấp cho cơ tử cung co bóp, gây ra tình trạng tử cung co hồi kém.
- Tình trạng sức khỏe sản phụ yếu, suy kiệt trong quá trình mang thai, sinh đẻ.
- Còn sót nhau trong tử cung do quá trình sổ nhau không hoàn toàn.
- Trương lực cơ tử cung của sản phụ kém do tử cung bị giãn căng quá mức thường gặp trong các trường hợp thai to, đa thai, đa ối, chuyển dạ trong lúc sinh kéo dài.
- Mẹ ít vận động, vận động muộn sau sinh.
- Cổ tử cung bị đóng kín làm cho sản dịch không thoát ra ngoài được (thường gặp trong các trường hợp sản phụ bị bế sản dịch sau sinh mổ mà chưa vào giai đoạn chuyển dạ, nên cổ tử cung không có hiện tượng xóa mở).
Triệu chứng bế sản dịch sau sinh
Trong trường hợp nghi ngờ bị bế sản dịch sau sinh mổ hay sinh thường thì sản phụ cần theo dõi các dấu hiệu sau:
Có ít sản dịch chảy ra theo đường âm đạo, sản dịch có mùi hôi do bị nhiễm trùng
Sờ bụng dưới thấy có cục cứng, hình tròn.
Sốt có thể sốt vừa đến sốt cao
Căng tức, đau vùng hạ vị
Cổ tử cung bị đóng kín, khi dùng tay nong cổ tử cung thì thấy có sản dịch màu đen sậm và hôi, đau khi ấn đáy tử cung
Tử cung to, sờ thấy có khối cứng, tròn ở bụng dưới.
Điều trị và phòng ngừa bế sản dịch sau sinh
Điều trị bế sản dịch sau sinh
Ảnh minh họa.
Nội khoa
Khi thăm khám và chẩn đoán chính xác sản phụ có tình trạng bế sản dịch sau sinh bác sỹ thường sẽ kê cho sản phụ sử dụng các loại thuốc như thuốc kháng sinh điều trị tình trạng nhiễm khuẩn, thuốc chống viêm, thuốc tăng cường co bóp tử cung, giúp đẩy hết sản dịch ra ngoài. Các loại thuốc bác sỹ chỉ định trong giai đoạn này đều là những thuốc có thể dùng khi cho con bú. Trường hợp đặc biệt, bác sỹ sẽ dặn người bệnh khi kê thuốc.
Ngoại khoa
Tình trạng bế sản dịch sau sinh phần lớn có nguyên nhân do cổ tử cung đóng kín nên sản dịch không thoát ra được. Vì thế, khi điều trị tình trạng bế sản dịch thông thường các bác sĩ thực hiện nong cổ tử cung để tống đẩy sản dịch, lấy hết phần dịch ứ đọng bên trong tử cung ra ngoài. Khi thực hiện thủ thuật này, các bác sĩ sẽ dùng mỏ vịt để mở rộng âm đạo của sản phụ, sau đó dùng tay nong cổ tử cung ra và lấy tế bào, dịch ứ đọng và lớp tế bào bong tróc bên trong tử cung ra ngoài.
Phòng ngừa bế sản dịch sau sinh
Mặc dù không có cách nào để đảm bảo chắc chắn về việc phòng ngừa tình trạng bế sản dịch, tuy nhiên có một số biện pháp được các chuyên gia hàng đầu về sản phụ khoa khuyên làm để hạn chế tình trạng bế sản dịch sau sinh đó là:
- Giữ gìn sức khỏe, ăn uống đẩy đủ và nghỉ ngơi hợp lý từ trong quá trình mang thai để chuẩn bị tốt nhất cho cuộc vượt cạn. Khi sức khỏe tốt,chính là yếu tố quan trọng hạn chế tình trạng đờ tử cung, nguyên nhân dẫn đến tình trạng bế sản dịch.
- Vận động sớm sau sinh, đặc biệt sau sinh mổ sản phụ thường do đau vết mổ nên có tâm lý ngại vận động. Tuy nhiên các chuyên gia khuyên rằng trong vòng 24h đầu sau sinh mổ nên tự xoay chuyển người trên giường và ngồi dậy tại chỗ. Từ 24-48h nên đứng dậy đi lại nhẹ nhàng trong phòng. Vạn động sớm sau sinh sẽ giúp tử cung co thắt, đẩy dịch ra ngoài, đồng thời hạn chế tối đa nguy cơ dính ruột sau sinh mổ.
- Cần giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ. Sản dịch tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, ký sinh trùng có hại phát triển rất nhanh, dễ gây ra viêm nhiễm âm đạo và tử cung, do đó cần phải vệ sinh vùng kín đúng cách, thường xuyên thay băng vệ sinh, vệ sinh vùng kín sạch sẽ mỗi lần thay băng và giữ cho vùng kín khô ráo.
- Cho bé bú càng sớm càng tốt. Cho con bú sớm sẽ giúp kích thích tử cung co bóp để đẩy sản dịch ra ngoài. Không những thế, cho con bú sớm cũng giúp sữa mau về hơn. Chính vì thế, một trong những cách giúp sản phụ không bị bế sản dịch sau sinh thường hay sinh mổ chính là cho con bú càng sớm càng tốt.
Bài tham khảo