Hở vết khâu tầng sinh môn và cách chăm sóc tại nhà
Nguyên nhân vết khâu tầng sinh môn bị rách
Vết khâu tầng sinh môn ở phụ nữ sau sinh cũng giống như vết khâu sau phẫu thuật ở những vùng khác trên cơ thể. Thông thường, nếu sản phụ sau sinh được chăm sóc cẩn thận và không xuất hiện bất kỳ biến chứng nào, thì vết khâu tầng sinh môn sẽ tự lành sau 2-3 tuần. Sau khoảng 1 tháng, tầng sinh môn sẽ tương đối ổn định. Hiện nay các bác sĩ thường sử dụng loại chỉ tự tiêu để khâu tầng sinh môn, điều này sẽ giúp chị em không cần phải cắt chỉ.
Tuy nhiên, không phải ai cũng thuận lợi để tầng sinh môn được tự lành hẳn. Trên thực tế, vết khâu tầng sinh môn có thể bị rách do một số nguyên nhân như sau
- Quá trình vệ sinh vết may tầng sinh môn chưa sạch, nhiều dị vật còn sót lại khiến cho vết thương khó hồi phục.
- Sau khi khâu, các mô mới tại tầng sinh môn khá yếu, dễ bị tổn thương bởi chỉ khâu, khiến cho vết khâu tầng sinh môn bị lỏng lẻo và đứt rời.
- Như đã nói ở trên thời gian đủ giúp tầng sinh môn phục hồi cảm giác bình thường thì phải mất hơn 4 tuần, nếu chị em có quan hệ tình dục lại quá sớm sẽ khiến vết khâu tầng sinh môn bị bục chỉ và hở ra.
- Thói quen sinh hoạt chưa tốt của một số chị em, chẳng hạn như ngồi lệch một bên, không thấm khô sau khi vệ sinh hoặc đi lại nhiều, làm vết khâu bị hở, rách hay đứt chỉ.
Hở vết khâu tầng sinh môn có tự liền lại được không
Trong phần lớn trường hợp hở vết khâu tầng sinh môn với kích thước nhỏ (dưới 1cm) thường sẽ có thể tự lành, còn nếu hở nhiều hơn bác sỹ thường sẽ chỉ định cho khâu lại. Tuy nhiên, nếu vết thương nhỏ và để tự lành thì trong quá trình đó có thể sẽ làm tăng nguy cơ viêm nhiễm. Vì thế để tránh trường hợp nhiễm trùng vết khâu, chị em cần chăm sóc vệ sinh cẩn thận vùng kín. Nếu như thấy các dấu hiệu như sau thì nên đến cơ sở y tế thăm khám lại càng sớm càng tốt:
- Vết khâu tầng sinh môn bị đau bất thường, lên mủ và có mùi hôi (dấu hiệu nhiễm trùng ở tầng sinh môn)
- Sốt hay ớn lạnh
- Đau vùng bụng dưới
- Cảm giác đau và nóng rát khi đi tiểu
- Không thể kiềm chế khi mắc đại tiện
- Không thể kiểm soát trung tiện
- Chảy máu nhiều hoặc ra cục máu đông.
Nếu tình trạng hở vết khâu tầng sinh môn không được chăm sóc đúng cách ngoài việc xảy ra biến chứng cấp tính như nhiễm trùng vết khâu, còn có thể dẫn đến các biến chứng về lâu dài như để lại sẹo xơ, sẹo xấu, đau kéo dài, đau khi quan hệ tình dục,...
Cách chăm sóc vết khâu tầng sinh môn tại nhà
Để vết khâu ở tầng sinh môn nhanh hồi phục thì việc chăm sóc vết khâu hết sức quan trọng và cần thiết.
1. Vệ sinh vùng kín
– Chị em cần rửa sạch vùng âm đạo với dung dịch rửa theo toa bác sĩ, mỗi ngày 3 lần.
– Thay băng vệ sinh thường xuyên, tránh mặc quá ôm sát làm chà xát lên vết khâu.
– Mỗi lần đi tiểu, chị em nên rửa sạch sau đó dùng khăn mềm để lau sạch, thấm khô vùng kín và vết khâu.
– Nên sử dụng quần lót cotton có kích thước rộng rãi và thoáng mát.
2. Cách vệ sinh vết khâu tầng sinh môn tại nhà
Chuẩn bị
+ Dung dịch vệ sinh Betadin Vaginal 10% 125ml.
+ Nước ấm sạch.
Thực hiện
+ Pha 1 - 2 nắp dung dịch sát khuẩn với khoảng 200 ml nước ấm sạch.
+ Rửa vệ sinh toàn bộ vùng bộ phận sinh dục và tầng sinh môn từ trên xuống dưới, trước ra sau đến khi sạch.
+ Thấm khô, đóng băng vệ sinh mới (nếu có ra huyết).
Bài tham khảo