Vai trò của kẽm với phụ nữ mang thai và trẻ em
Vai trò của kẽm với cơ thể
Đối với cơ thể người, kẽm có vai trò hết sức quan trọng, không thể thiếu trong cơ thể con người. Đối với phụ nữ mang thai và trẻ em, vai trò của kẽm còn quan trọng hơn với người bình thường rất nhiều lần. Kẽm tham gia vào quá trình hoạt động của hàng loạt enzym khác nhau, được xem như chất xúc tác không thể thiếu trong quá trình nhân bản ADN. Kẽm phát tham gia vào quá trình tái tạo tế bào như tế bào máu, tế bào thần kinh, cơ, xương, tế bào gốc...
Ngoài ra, kẽm còn tham gia vào quá trình sản xuất hormon insulin- cân bằng đường máu mà nếu thiếu hormon này sẽ dẫn đến bệnh lý tiểu đường. Ngoài ra, kẽm giúp hấp thụ các chất dinh dưỡng khác trong cơ thể như đồng, mangan, magie,... Bên cạnh đó, kẽm giúp góp phần tạo cảm giác ngon miệng, kích thích ăn uống, tăng cường sức đề kháng của cơ thể và nhiều vai trò quan trọng khác.
Ảnh minh họa.
Phụ nữ mang thai và trẻ em nếu thiếu kẽm sẽ xảy ra tình trạng gì
Đối với phụ nữ mang thai
- Mẹ bầu thiếu kẽm dễ gây cảm giác chán ăn, mệt mỏi, nôn nghén nặng, giảm hấp thụ chất dinh dưỡng, dễ thiếu sữa sau sinh. Nặng nề hơn có thể dẫn đến tăng nguy cơ sảy thai,sinh non, tai biến khi sinh.
- Do có vai trò quan trọng trong quá trình phân chia tế bào, nếu thiếu kẽm nặng trong giai đoạn đầu- là giai đoạn thai đang có sự phân chia tế bào, biệt hóa các bộ phận, sẽ dẫn đến dị tật ở thai nhi tăng cao.
- Kẽm đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển của thai nhi ở 3 tháng giữa và 3 tháng cuối do thời kì này các tế bào phát triển rất nhanh, trong việc phát triển chiều cao, cân nặng của trẻ, nên nếu thiếu hụt kẽm trong khi mang thai dễ dẫn đến suy dinh dưỡng bào thai.
Đối với trẻ em
- Kẽm có vai trò quan trọng với hệ miễn dịch vì kẽm giúp tái tạo thế bào bạch cầu, đặc biệt là tế bào lympho B và lympho B, thành phần chính trong hệ miễn dịch giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, tăng cường đề kháng và chống lại nhiễm trùng. Trẻ em thiếu kẽm hệ miễn dịch sẽ bị tổn thương, từ đó dễ mắc các bệnh lý, đặc biệt là nhiễm trùng đường tiêu hóa, hô hấp, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
- Trẻ thiếu kẽm sẽ khiến quá trình hấp thu các chất dinh dưỡng của cơ thể khó khăn, thiếu kẽm cũng gây ra tình trạng biếng ăn, dễ dẫn đến còi cọc, chậm lớn.
- Kẽm là khoáng chất rất cần thiết cho sự phát triển của não bộ. Kẽm và Vitamin B6 có vai trò quan trọng trong dẫn truyền thần kinh, nếu thiếu kẽm, não bộ của trẻ sẽ không được phát triển ở mức độ tốt nhất.
- Thiếu kẽm cũng gây ra tình trạng dậy thì muộn ở trẻ, cả trẻ trai và trẻ gái
Liều lượng bổ sung kẽm mỗi ngày cho phụ nữ mang thai và trẻ em
Như nói ở trên, kẽm đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ và sức khỏe của mẹ bầu, do đó việc bổ sung kẽm là rất cần thiết. Tuy nhiên nhiều người có thắc mắc, bổ sung bao nhiêu kẽm một ngày là đủ?
Thực ra, nhu cầu mỗi ngày về lượng kẽm của trẻ em ở từng thời kỳ là không giống nhau. Ngoài ra, mức độ hấp thu ở mỗi trẻ cũng khác nhau tùy cân nặng, nguồn thực phẩm mà trẻ ăn uống hàng ngày. Do đó tốt nhất việc bổ sung kẽm cần tuân thủ liều lượng mà bác sỹ chỉ định.
Trẻ từ 7 tháng đến 3 tuổi: 5mg kẽm nguyên tố/ngày
Trẻ từ 4-13 tuổi: 10mg kẽm nguyên tố/ngày
Trẻ lớn: 15mg kẽm nguyên tố/ngày.
Phụ nữ có thai: 15 - 25mg kẽm nguyên tố/ngày.
Thực phẩm giàu kẽm cho phụ nữ mang thai và trẻ em
- Thức ăn giàu kẽm như các loại hải sản hàu, tôm, cua, ghẹ…, các loại thịt có màu đỏ như thịt dê, thịt bò, lòng đỏ trứng,… Bánh quy, ngũ cốc, bột mì,..cũng là những sản phẩm giàu kẽm.
- Tăng cường sử dụng các thực phẩm có nhiều vitamin C như rau quả, hoa qủa, mầm giá đỗ, dưa chua,… vì các thực phẩm này giàu vitamin C làm tăng hấp thu kẽm từ thức ăn. Thực phẩm giàu vitamin A, B6 và photpho cũng làm tăng sự hấp thu kẽm
- Kẽm không dự trữ lâu dài trong cơ thể , vì vậy, cần đảm bảo có đủ kẽm trong chế độ ăn hàng ngày.Ngoài ra việc bổ sung dư thừa kẽm cũng không tốt vì sẽ cản trợ sự hấp thu các chất khác cũng như gây hại cho hệ miễn dịch.
- Nên bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn chậm lớn, phụ nữ có thai, cho con bú. Bổ sung các thuốc chứa kẽm (gluconat kẽm hay sulfat kẽm); uống sau ăn 30 phút; thời gian bổ sung là 2-3 tháng theo chỉ định của bác sĩ. Khi bổ sung sắt và kẽm không nên uống cùng lúc, mà nên dùng kẽm trước, sắt sau vì sắt cản trở sự hấp thụ kẽm.