Nối động mạch trong điều trị rối loạn cương
Những trường hợp nào có thể dùng phẫu thuật để chữa bệnh rối loạn cương của nam giới?
Tiếc thay, chỉ có khoảng 30% trường hợp rối loạn cương có thể chữa dứt được, đó là các trường hợp rối loạn cương do yếu tố tâm lý, do bệnh nội tiết như sự sụt giảm testosterone trong cơ thể hay sự tiết quá mức chất prolactine của tuyến yên, và một số trường hợp rối loạn cương do mạch máu (động mạch thể hang bị ép hay tắc bít chỉ một chỗ vì chấn thương hãy tĩnh mạch dương vật bị “xì”).
Các trường hợp rối loạn cương do động mạch thể hang bị xơ vữa không phải chỉ tắc một chỗ mà thường tắc hẹp toàn bộ hay nhiều vị trí khác nhau nên tỉ lệ thất bại rất cao. Những người bị tắc động mạch thể hang do xơ vữa thì thường động mạch có thể nơi khác cũng bị hẹp tắc (gây cao huyết áp, thiếu máu cơ tim…)
Ngoài yếu tố tắc động mạch do chấn thương, những người được chỉ định phẫu thuật nối mạch máu còn phải hội đủ nhiều yếu tố khác: tuổi trẻ (dưới 35 tuổi), không có bệnh mãn tính gì khác và sự cương dương phải bình thường trước khi bị chấn thương.
Kỹ thuật mổ
Cái khó trong phẫu thuật này là bác sĩ phải có tay nghề cao về vi phẫu để có thể nối được những động mạch chỉ nhỏ có 1mm. Nối mạch máu trong trường hợp này bắt buộc phải bằng vi phẫu thuật với chỉ 10.0 hay 11.0 (nhỏ hơn sợi tóc), dùng kính hiển vi có độ phóng đại trên 20 lần. Theo đó, bác sĩ sẽ lấy một động mạch còn tốt gần dương vật (thường là động mạch thượng vị dưới) đem nối vào động mạch lưng dương vật theo kỹ thuật Michal hay tĩnh mạch lưng sâu theo kỹ thuật Virag.
Một người bị rối loạn cương mà không muốn dùng các biện pháp như uống thuốc, khôi phục lại tinh thần… thì có thể chọn lựa phẫu thuật được không?
Như đã nêu ở trên, chỉ có một số ít trường hợp rối loạn cương là có thể được điều trị bằng phẫu thuật nối mạch máu. Các trường hợp khác, thuốc hỗ trợ cương như sildenafil, vardenafi, tadalafi vẫn là biện pháp tốt nhất.
Đã có bao nhiêu trường hợp tương tự như vậy?
Đã có hàng ngàn ca như thế được thực hiện trên thế giới. Ca đầu tiên trên thế giới do bác sĩ Michal, người Hungary, thực hiện năm 1973. Tôi và các cộng sự đã thực hiện phẫu thuật này tại Việt Nam.
Tỉ lệ thành công của những ca phẫu thuật này là bao nhiêu phần trăm? Sau khi mổ, bệnh nhân cần duy trì điều gì để có thể hồi phục và hoàn thiện khả năng tình dục?
Kết quả khá tốt với tỉ lệ thành công khoảng từ 55% đến 80%. Cái đắt nhất của phẫu thuật là chi phí chỉ vi phẫu và kẹp mạch máu bằng nhựa. Sau mổ, trong 2 tuần đầu, bệnh nhân cần “kiêng” gần gũi, sau đó cứ để cho mọi việc diễn ra một cách tự nhiên như trước khi bị “tai nạn”.