Chàm bìu- bệnh lý gây không ít phiền toái cho nam giới
Chàm bìu là gì
Chàm bìu là một viêm da hay gặp. Chàm bìu là tình trạng thường xảy ra sau khi vùng da ở bìu có một số bệnh lý da liễu như viêm da nhưng không được điêu trị đúng đắn. Khi da bìu bị viêm sẽ giải phóng nhiều chất trung gian hóa học và các chất ly giải protein gây ra cảm giác ngứa. Người bệnh gãi, tác động cơ học nhiều lên da bìu làm cho quá trình viêm càng nặng hơn, da dày trở nên dày hơn.Nhưng chính những tổn thương da khi gãi lại làm cho vi khuẩn dễ xâm nhập, tình trạng viêm lại nặng nề hơn, chính là cơ chế bệnh sinh của bệnh chàm bìu.
Ảnh minh họa.
Nhóm đối tượng nguy cơ cao bị tình trạng chàm bìu
Thường xuyên tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng, dị ứng như: Chất giặt tẩy quần áo, kháng sinh, chất diệt tinh trùng, bao cao su, các loại xà bông, dung dịch vệ sinh hóa học, ghẻ, rận,...
Do môi trường xung quanh bị ô nhiễm, một số ngành nghề thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường không tốt cho da như xăng dầu, sơn, nhân viên vệ sinh môi trường,..
Những người cơ cơ địa dị ứng, hoặc sức đề kháng suy giảm trong các bệnh như HIV hoặc các bệnh mãn tính như đái tháo đường, suy thận mạn, hoặc chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, thiếu hụt vi chất dinh dưỡng (Kẽm, Riboflavin,acid nicotinic) là nhóm người có nguy cơ bị chàm bìu với tỷ lệ cao hơn.
Biểu hiện, triệu chứng của bệnh chàm bìu
Ảnh minh họa.
Triệu chứng của bệnh chàm bìu có thể khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân bệnh sinh, thường gặp ở các dạng phổ biến sau đây:
- Thể khô, viêm cấp tính, mức độ nhẹ: Vùng thương tổn rõ, ranh giới rõ, nhìn thấy rõ hơn khi căng da bìu, ngứa nhiều, cảm giác rát bỏng, kéo dài vài ngày tới vài tuần, sau đó bong vảy rồi tự khỏi.
- Thể khô, viêm mạn tính, mức độ nặng: Da bìu đỏ, bong vảy, ngứa, cảm giác bỏng rát, thương tổn rộng, có thể lan tới vùng đùi, dương vật.
- Thể ướt, viêm mạn tính, mức độ nhẹ: Da bìu và mặt trong của đùi ẩm, có các mảng màu trắng, nứt nẻ, rò nước, có thể có giãn mạch, đau nhiều.
- Thể loét và phù, mức độ nặng: Da bìu sưng nề, có dịch và mủ từ các vùng nứt nẻ, loét, rất đau, có thể hoại tử.
Điều trị chàm bìu
– Cần kiểm tra lâm sàng, kết hợp xét nghiệm test áp da tìm tác nhân dị ứng.
– Hỗ trợ tư vấn cho người bệnh về cách kiểm soát các tác động cơ học như gãi, chà xát lên vùng da bìu.
– Các thuốc, phương pháp điều trị.
+ Thuốc kháng histamin
+ Steroid tại chỗ: dùng loại có hoạt lực nhẹ ngày một lần trong một tuần.
+ Thuốc ức chế thần kinh
+ Bổ sung riboflavin, kẽm, acid nicotinic.
+ Ánh sáng trị liệu: UVB dải hẹp (bước sóng 311 nm).
+ Dùng kem dưỡng ẩm.
+ Dùng kháng sinh nếu có bội nhiễm.
Phòng tránh bệnh chàm bìu bằng cách nào
Người bệnh nên chú ý những cách chăm sóc và thay đổi thói quen sau để phòng ngừa chàm bìu tái phát.
- Tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Nếu bệnh nhân bị dị ứng với thời tiết nên hạn chế việc tiếp xúc với sự thay đổi nhiệt độ nhất có thể, như hạn chế ra ngoài khi trời nóng khiến cơ thể đổ mồ hôi, bật điều hòa không khí, sử dụng máy tạo ẩm...
- Nên tránh vận động tiết mồ hôi nhiều hoặc để da khô vào mùa đông. Bởi đây chính là nguyên nhân khiến chàm bìu tiến triển nghiêm trọng.
- Thường xuyên sử dụng kem dưỡng ẩm hoặc chất làm mềm tự nhiên để cân bằng độ ẩm, ngăn ngừa khô da.
- Vệ sinh tay chân và thân thể thường xuyên. Cắt móng tay sạch sẽ. Khi bị ngứa không nên gãi mạnh gây tổn thương da.
- Giữ tâm lý luôn vui vẻ, thoải mái, tránh stress và căng thẳng.
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, cân bằng các nhóm chất dinh dưỡng.
- Lựa chọn quần áo, nhất là quần lót rộng rãi, thoáng mát. Tốt nhất nên chọn chất liệu vải được làm từ cotton. Đặc biệt, quần lót có độ co giãn thoải mái, thông thoáng. Và nên phơi quần áo dưới ánh nắng mặt trời
Bài tham khảo
Chỉ số bình thường các loại nội tiết tố sinh dục nam
Viêm đường tiết niệu ở nam giới