Tinh hoàn chảy xệ (sa tinh hoàn)
Tinh hoàn chảy xệ (sa tinh hoàn) là gì?
Bình thường nam giới sẽ có hai tinh hoàn phải và trái nằm trong bìu dái. Tinh hoàn trung bình có kích thước dài 4,5 cm, rộng 2,5 cm, dày 1,5 cm, cân nặng khoảng 20g, được bao bọc bởi một lớp vỏ xơ dày, trắng và không đàn hồi gọi là lớp áo trắng. Bên ngoài lớp áo trắng của tinh hoàn là lớp da bìu có lớp Dartos được tạo nên bởi sợi cơ trơn, sợi đàn hồi và sợi liên kết, tương tự như một cơ bám da nên bìu tinh hoàn có thê co giãn được.
Bình thường khi thả lỏng tinh hoàn có chiều dài ngắn hơn hoặc tương đương với chiều dài dương vật khi không cương cứng. Tùy vào trạng thái sinh lý của nam giới, điều kiện môi trường bên ngoài mà tinh hoàn có thể chảy xệ ở một mức độ nhất định hoặc săn chắc lại. Tuy nhiên, nếu so sánh chiều dài tinh hoàn khi đứng với chiều dài dương vật ở trạng thái xìu có sự chênh lệch lớn hơn nhiều, và đồng thời, khi ngồi, da bìu co lại không ôm gọn hai tinh hoàn mà còn thừa ra, thì đó là dấu hiệu sa tinh hoàn.
Ảnh minh họa
Nguyên nhân tinh hoàn chảy xệ (sa tinh hoàn) ở nam giới là gì?
Nguyên nhân sa tinh hoàn có thể chia thành 2 nhóm là nguyên nhân sinh lý và nguyên nhân bệnh lý.
Nguyên nhân sinh lý gồm có:
- Do nhiệt độ: Tinh hoàn ở trong bìu có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ cơ thể từ 1-1,5 độ, đây là nhiệt độ thích hợp để tinh hoàn hoạt động sản xuất và bảo quản tinh trùng, nên bìu tinh hoàn sẽ tự giãn ra để giảm nhiệt độ cơ thể khi thời tiết nóng và co lại để giữ ấm khi thời tiết lạnh. Vì thế, khi nắng nóng có thể thấy bìu tinh hoàn chảy xệ, tinh hoàn bi sa xuống thấp hơn bình thường.
- Da bìu tinh hoàn rộng: Tinh hoàn được bao bọc bởi lớp da bìu, trong một số trường hợp cấu tạo bẩm sinh lớp da bìu có cấu trúc rộng hơn so với tinh hoàn. Điều này khiến tinh hoàn bị chảy xệ xuống nhưng nếu là cấu tạo tự nhiên của cơ thể thì phần đa những trường hợp này chức năng tinh hoàn ít bị ảnh hưởng bởi việc tinh hoàn bị chảy xệ.
- Do tuổi tác: Lão hóa cũng là một nguyên nhân gây sa tinh hoàn thường gặp. Khi tuổi tác cao, lượng colagen trong da giảm, cơ bắp nhão, cơ tinh hoàn cũng không ngoại lệ.
Ảnh minh họa.
Nguyên nhân bệnh lý
Tinh hoàn chảy sệ trong những bệnh lý thường gặp như sau
- Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Tình trạng giãn đám rối tĩnh mạch thừng tinh làm tinh hoàn chảy xệ. Nam giới bị giãn tĩnh mạch thừng tinh nếu không chữa trị kịp thời có thể làm suy giảm chức năng của tinh hoàn, nặng hơn có thể dẫn tới vô sinh.
- Khối u hoặc Ung thư tinh hoàn: Các khối u làm tăng kích thước và trọng lượng của tinh hoàn, từ đó khiến tinh hoàn bị chảy xệ xuống so với bình thường. Trong trường hợp khối u có hai loại là u lành tính và u ác tính, hay còn gọi là ung thư. Ung thư tinh hoàn giai đoạn cuối cũng có khả năng di căn như các loại ung thư khác, gây nguy hiểm sức khỏe và tính mạng.
- Ngoài các nguyên nhân trên, chảy xệ tinh hoàn còn do màng tinh hoàn bị tổn thương, viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn, tràn dịch tinh mạc…
Ảnh hưởng của bệnh lý tinh hoàn chảy xệ
-Gây vô sinh- hiếm muộn
Tinh hoàn bị chảy xệ do các nguyên nhân bệnh lý thường sẽ dẫn đến việc giảm chức năng của tinh hoàn, mà tinh hoàn là "nhà máy" sản xuất tinh trùng, đảm nhận chức năng sinh sản, duy trì nòi giống, nên nếu tình trạng sa tinh hoàn xảy ra lâu không được thăm khám và điều trị sẽ dẫn đến nguy cơ vô sinh- hiếm muộn của nam giới
- Ảnh hưởng đến chức năng sinh lý của cơ thể
Khả năng tình dục của nam giới ảnh hưởng rất nhiều bởi nồng độ hormon testosteron do tinh hoàn tiết ra, đây được coi là hormon sinh dục nam quan trọng nhất, điều khiển sự ham muốn, khả năng cương cứng cũng như duy trì thời gian giao hợp. Nếu nồng độ hormone này suy giảm, sẽ dẫn đến nam giới không có nhu cầu tình dục, hay còn gọi là lãnh cảm, và rối loạn cương dương, rối loạn xuất tinh, thậm chí là chứng bất lực ở nam giới
- Ảnh hưởng tâm lý
Khi nam giới có cấu tạo tinh hoàn bất thường, dẫn đến lo lắng căng thẳng, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập, công việc. Khả năng sinh lý, sinh sản bị ảnh hưởng dẫn đến tâm lý tự ti, nhiều trường hợp còn rơi vào stress kéo dài, trầm cảm do suy nghĩ quá nhiều.
Bệnh tinh hoàn chảy xệ có điều trị được hay không
Như đã đề cập, sa tinh hoàn do rất nhiều nguyên nhân gây ra vì vậy việc điều trị được thực hiện theo nguyên nhân cụ thể. Người bệnh cần được thăm khám kỹ để các bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
+Phương pháp nội khoa: Sử dụng thuốc để điều trị. Thường dùng trong các bệnh lý như viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn, giãn tĩnh mạch thừng tinh cấp độ nhẹ, khối u hoặc ung thư tinh hoàn cũng sẽ kết hợp điều trị bằng thuốc với phẫu thuật ngoại khoa.
+ Phương pháp ngoại khoa:
Giãn mạch thừng tinh mức độ nặng: Thường được phẫu thuật vi phẫu (tức mổ bằng kính hiển vi) để cột tĩnh mạch thừng tinh.
Đối với viêm mào tinh hoàn (có biến chứng tràn dịch) sẽ được chỉ định phẫu thuật ngoại khoa để nâng bìu hoặc áp dụng vật liệu trị liệu để hỗ trợ.
Ung thư tinh hoàn: Phẫu thuật loại bỏ tinh hoàn là phương pháp hay được áp dụng cùng với xạ trị, sử dụng hóa chất hoặc nạo vét hạch sau phúc mạc.