Viêm vùng chậu ở nữ giới
Viêm vùng chậu ở nữ giới là gì
Vùng chậu là một thuật ngữ y học để chỉ khu vực nằm ở giữa vùng xương chậu, bao gồm xương chậu và các bộ phận nằm trong khung xương chậu như là tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng, hệ thống dây chằng và bàng quang. Bệnh viêm vùng chậu (gọi tắt là PID) là một dạng viêm nhiễm phổ biến tại cơ quan sinh dục của nữ giới, nhất là nhóm đối tượng đang trong độ tuổi sinh đẻ.
Ảnh minh họa.
Nguyên nhân dẫn đến viêm vùng chậu ở nữ giới
Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm vùng chậu là do hai cănnguyên phổ biến, một có thể do tự bản thân làm mắc bệnh, hoặc biến chứng của các bệnh lây truyền từ bạn tình qua quan hệ tình dục không an toàn, hai tác nhân thường gặp nhất là vi khuẩn lậu và chlamydia. Khi phụ nữ bị nhiễm bệnh lậu hoặc chlamydia nhưng không được điều trị, khả năng sẽ dẫn đến biến chứng viêm vùng chậu sau vài ngày hoặc vài tuần.
Nguyên nhân gây bệnh cũng có thể bắt nguồn từ các bệnh nhiễm trùng không lây qua đường tình dục, chẳng hạn như viêm âm đạo do vi khuẩn, do vệ sinh không sạch sẽ hoặc nguồn nước bị ô nhiễm.Thụt rửa âm đạo không chỉ khiến vi khuẩn gây bệnh dễ dàng phát triển do làm mất lớp dịch nhầy âm đạo ( dịch này ngoài vai trò dưỡng ẩm còn có vai trò cân bằng độ pH acid kiềm chế vi khuẩn hoạt động), mà còn vô tình đẩy vi khuẩn từ âm đạo vào sâu bên trong tử cung và ống dẫn trứng gây viêm vùng chậu.
Biến chứng của viêm vùng chậu
- Gây ra các cơn đau tại vùng chậu kéo dài, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống: Viêm nhiễm vùng chậu không được điều trị kịp thời sẽ chuyển thành mãn tính, vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ, xương, gây ảnh hưởng lâu dài.
- Gây ra thai ngoài tử cung: Viêm vùng chậu gây ra tổn thương cho ống dẫn trứng, dẫn đến tắc, hẹp vòi trứng, từ đó cản trở quá trình trứng đã thụ tinh di chuyển từ vòi trứng vào bên trong tử cung.
- Gây vô sinh hiếm muộn: Viêm vùng chậu có thể kéo theo viêm nhiễm hàng loạt các cơ quan khác như viêm buồng trứng, ống dẫn trứng,...từ đó ảnh hưởng đến khả năng thụ thai, tăng nguy cơ gây vô sinh hiếm muộn.
- Gây áp xe buồng trứng và ống dẫn trứng:Viêm vùng chậu lâu ngày gây ứ dịch, dịch không có đường thoát ra dẫn đế hình thành ổ mủ, áp xe, thậm chí có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, tức vi khuẩn và độc tố xâm nhập theo đường máu ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan như não bộ tim mạch, nguy hiểm tính mạng.
Triệu chứng viêm vùng chậu nữ giới
Đa phần phụ nữ mắc bệnh viêm vùng chậu giai đoạn đầu chỉ biểu hiện các triệu chứng nhẹ hoặc không có bất kỳ triệu chứng nào cả. Bởi vì các triệu chứng thường khá mờ nhạt, nên thường chị em khá chủ quan và đi khám khi bệnh đã trở nặng. Dưới đây là những triệu chứng phổ biến nhất của viêm vùng chậu:
- Sốt: Đây là cơ chế phản ứng của cơ thể trước mọi loại nhiễm trùng, trong đó viêm vùng chậu là một loại viêm nhiễm nên nó cũng khiến cơ thể tăng nhiệt đột, thường là sốt vừa đến sốt cao, từ trên 38.5 độ
- Đau vùng chậu như vùng hạ vị, hố chậu trái và hố chậu phải, đôi khi có đau xuyên thắt lưng
- Xuất hiện khí hư bất thường (xanh, vàng, nâu, đục mủ.. ), lượng nhiều, mùi hôi tanh
- Chảy máu sau khi quan hệ hoặc giữa chu kỳ kinh
- Cảm thấy ớn lạnh, mệt mỏi, đôi khi lạnh run cũng là biểu hiện điển hình của hội chứng nhiễm trùng, nhiễm khuẩn
- Đi tiểu thường xuyên do thần kinh ngoại biên bị kích thích, đôi khi cảm thấy đau khi đi tiểu, đó là biểu hiện của viêm bàng quang, tiết niệu.
- Buồn nôn hoặc ói mửa
- Rối loạn kinh nguyệt.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm vùng chậu ở nữ giới
Chẩn đoán
Viêm vùng chậu được chẩn đoán qua các triệu chứng của bệnh và qua thăm khám phụ khoa.
- Khai thác tiền sử bệnh lý và lịch sử sinh hoạt tình dục của bệnh nhân.
- Tiến hành kiểm tra vùng chậu qua thăm khám lâm sàng
- Xét nghiệm lậu, chlamydia hoặc mycoplasma
- Xét nghiệm nước tiểu hoặc máu.
- Siêu âm thường được thực hiện bằng cách sử dụng đầu dò qua âm đạo.
- Nội soi.
Điều trị
Nội khoa
Dùng thuốc kháng sinh, chống viêm, tăng cường sức đề kháng. Tùy tác nhân gây bệnh, mức độ bệnh lý bác sỹ sẽ quyết định liều lượng và lọa thuốc phù hợp. Trong nhiều trường hợp có thể phải cấy kháng sinh đồ để tìm ra loại thuốc đặc hiệu
Phẫu thuật
Nếu điều trị bằng thuốc mà không cải thiện được tình trạng bệnh, bác sĩ buộc phải phẫu thuật. Trường hợp này thường ít sử dụng, chỉ áp dụng cho viêm vùng chậu ở giai đoạn áp xe và giai đoạn mãn tính. Khi viêm vùng chậu ở giai đoạn áp xe thì cần tiến hành phẫu thuật để chọc hút hoặc cắt bỏ khối áp xe trước khi nó bị vỡ.