Chu kỳ kinh nguyệt dài có khiến cho phụ nữ khó có con hay không?
Chu kỳ kinh nguyệt như thế nào là bình thường
Chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày đầu tiên xuất hiện đến khi bắt đầu ngày đầu của chu kỳ tiếp theo thường là 28- 30 ngày. Một chu kỳ ngắn lập lại đều đặn sau 21 ngày hoặc 32- 35 ngày cũng được coi là bình thường.
Độ dài một chu kỳ thường 3- 5 ngày , kéo dài từ 2-7 ngày cũng có thể chấp nhận được. Có kinh nguyệt quá 7- 10 ngày cũng được gọi là bình thường nếu như lượng máu kinh rất ít.
Có thể có sự thay đổi nhẹ giữa các chu kỳ được xem là bình thường. Ví dụ nếu chu kỳ kinh tháng trước của bạn là 28 ngày và chu kỳ sau lập lại là 30 ngày, điều này cũng nằm trong phạm vi bình thường. Đôi khi do căng thẳng hay bệnh tật, chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới có thể bị trì hoãn và bạn không cần phải lo lắng khi lỡ một chu kỳ. Nhưng bạn cần gặp bác sĩ nếu thường xuyên gặp chu kỳ rối loạn trên 40 ngày hoặc dài ngày hơn nữa mà không mang thai. Khi chu kỳ kinh kéo dài trên 40 ngày, thậm chí đến vài ba tháng mới có kinh một lần thì được gọi là chu kỳ kinh nguyệt thưa.
Ảnh minh họa
Nguyên nhân tình trạng chu kỳ kinh nguyệt thưa
Có 2 nguyên nhân thường gặp dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt thưa, đó là nguyên nhân sinh lý và nguyên nhân bệnh lý
Nguyên nhân sinh lý:
Ở độ tuổi vị thành niên do buồng trứng chưa ổn định nên các bạn nữ có thể có kinh nguyệt chưa đều trong khoảng 1 - 2 năm đầu. Sau 1 - 2 năm, hay sau khi lập gia đình hoặc sinh con lần đầu vòng kinh sẽ đều đặn hơn.
Ngoài ra, có một số chị em đã sinh con nhưng chu kỳ kinh nguyệt vẫn thưa, đó là nguyên nhân cơ địa, nguyên nhân này có thể di truyền từ thế hệ trước, và thường trong gia đình sẽ có một số người thân có biểu hiện tương tự như mẹ ruột, chị em gái,...
Nguyên nhân bệnh lý:
- Nguyên nhân do buồng trứng như:
Buồng trứng đa nang.
Suy buồng trứng sớm.
Khối u ở buồng trứng.
- Nguyên nhân ở vùng hạ đồi như:
Do thiếu GnRH bẩm sinh.
Do thiếu GnRH chức năng do suy dinh dưỡng, căng thẳng quá mức, tập thể dục quá sức,...
Nguyên nhân ở tuyến yên như khối u tiết prolactin,...
- Nguyên nhân ở tử cung:
Tử cung nhi tính
Niêm mạc tử cung mỏng
Kinh nguyệt thưa ảnh hưởng đến khả năng có con như thế nào?
Ảnh minh họa
Kinh nguyệt thưa có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của người phụ nữ, tùy theo nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Nếu nguyên nhân do ít rụng trứng thì sẽ làm giảm tỷ lệ thụ thai.
Nếu trong chu kỳ kinh, buồng trứng không phóng noãn thì cũng không thể thụ thai được.
Nếu nguyên nhân do buồng trứng đa nang ảnh hưởng tới khả năng có con. Đây chính là một trong số các nguyên nhân thường gặp nhất của tình trạng hiếm muộn ở nữ giới.
Phương pháp điều trị cho chị em hiếm muộn do kinh nguyệt thưa
Nếu kinh nguyệt thưa do vấn đề sinh lý, trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt vẫn có trứng rụng như bình thường, thì việc điều trị để có con khi này dễ dàng hơn rất nhiều. Chị em chỉ cần chịu khó đi siêu âm canh trứng để nhận biết thời gian trứng rụng và chủ động quan hệ sẽ nâng cao tỷ lệ có thai một cách hiệu quả
Nếu nguyên nhân bệnh lý sẽ cần điều trị trị theo đúng nguyên nhân thì mới mang lại hiệu quả nhanh chóng được. Nếu như không phóng noãn thì cần phải điều trị cho phóng noãn, như thế mới có thể có con được.Nếu chị em bị buồng trứng đa nang dẫn đến kinh thưa, muốn có con, thì cần phải sử dụng thuốc kích thích trứng để trứng phát triển. Việc này cần tuân thủ theo phác đồ của bác sỹ. Và có thể thời gian điều trị sẽ kéo dài hơn bình thường.
Bài tham khảo:
Mất kinh đột ngột ở những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (vô kinh thứ phát).