Chứng mất ngủ ở tuổi tiền mãn kinh có thể điều trị được không
Dấu hiệu mất ngủ ở phụ nữ mãn kinh
Mất ngủ ở phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh thường rơi vào khoảng 45 - 53 tuổi. Dấu hiệu sớm của mất ngủ, khó ngủ tuổi tiền mãn kinh là:
- Trằn trọc, khó ngủ, mất tới hơn 30 phút hoặc nhiều hơn bình thường để bước vào giấc ngủ ban đêm
- Thời gian ngủ giảm sút, ít hơn 6 tiếng mỗi ngày
- Thức giấc nhiều lần trong đêm, ngủ hay mộng mị, không sâu giấc
- Dễ bị đánh thức bởi những tiếng động nhẹ và những tác nhân xung quanh
- Thường xuyên thức giấc khi còn quá sớm và khó ngủ trở lại
- Cơ thể uể oải, mệt mỏi, thiếu tỉnh táo sau giấc ngủ ban đêm
- Trạng thái tinh thần không tốt, buồn ngủ vào ban ngày, thiếu tập trung, giảm trí nhớ, hay lo lắng, bất an…
- Ngoài ra, phụ nữ tiền mãn kinh phải đối mặt với các vấn đề như: dễ cáu gắt, bốc hỏa, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt,...
Tuy nhiên triệu chứng mất ngủ đôi khi cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý khác như bệnh lý tuyến giáp, bệnh lý ở não bộ hoặc thiếu máu lên não, ... Do đó, nếu triệu chứng mất ngủ quá trầm trọng, bạn cũng không nên chủ quan mà cần phải đi kiểm tra ở những bệnh viện uy tín.
Ảnh minh họa
Nguyên nhân gây mất ngủ ở phụ nữ mãn kinh
Những vấn đề về giấc ngủ ở tuổi tiền mãn kinh này thường xuất phát từ các nguyên nhân sau:
- Thay đổi nội tiết tố: Trong giai đoạn tiền mãn kinh, cơ thể phụ nữ có sự suy giảm hormone progesterone và estrogen, gây ra các hiện tượng bốc hỏa, nóng trong, khó thở, đổ mồ hôi về đêm… Từ đó chất lượng giấc ngủ cũng bị ảnh hưởng (trằn trọc, thức giấc giữa đêm).
- Suy giảm hormone tăng trưởng HGH: Tuyến yên là một cấu trúc trong não của chúng ta sản xuất các loại hormone chuyên biệt khác nhau, bao gồm hormone tăng trưởng (còn được gọi là hormone tăng trưởng của con người hoặc HGH). Các vai trò của hormone tăng trưởng bao gồm ảnh hưởng đến chiều cao và giúp xây dựng xương và cơ bắp, ngoải ra nó còn ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giấc ngủ. Ở tuổi trung niên, sự suy giảm hormone HGH khiến phụ nữ dễ bị mất ngủ, loãng xương, giảm sức mạnh cơ bắp.
- Thân nhiệt tăng cao: Cơ thể nóng bừng và thường xuyên đổ mồ hôi, kể cả ban đêm là một trong những vấn đề thường gặp phải ở phụ nữ trên 40 tuổi. Đồng thời, đây cũng là nguyên nhân gây mất ngủ tiền mãn kinh.
- Tâm lý căng thẳng, stress: Khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, phần lớn phụ nữ sẽ cảm thấy lo âu, căng thẳng, stress và thậm chí trầm cảm. Những rối loạn tâm lý đó sẽ kéo theo hệ lụy ảnh hưởng đến giấc ngủ.
- Yếu tố tuổi tác: Hệ quả của quá trình lão hóa tự nhiên khiến chức năng của các cơ quan trong cơ thể giảm sút, các tế bào thần kinh kém hoạt động. Từ đó, phụ nữ tiền mãn kinh dễ bị mệt mỏi, suy nhược cơ thể và khó ngủ, ngủ không yên giấc.
- Thói quen sinh hoạt và ăn uống: Chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng không hợp lý cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây mất ngủ tiền mãn kinh. Đặc biệt, việc thường xuyên sử dụng rượu, bia, cà phê, nước ngọt hay các thực phẩm chứa nhiều đường và lười vận động cũng khiến giấc ngủ bị rối loạn.
Mất ngủ tuổi tiền mãn kinh có nguy hiểm hay không?
Thông thường, với các trường hợp mất ngủ tuổi tiền mãn kinh đều không quá nguy hiểm, cho dù chắc chắn không nhiều thì ít các triệu chứng này cũng khiến phụ nữ cảm thấy khó chịu , ảnh hưởng phần nào đến giờ giấc sinh hoạt hàng ngày cũng như về mặt sức khỏe. Những hậu quả của việc mất ngủ tuổi tiền mãn kinh có thể kể đến như:
- Luôn có cảm giác buồn ngủ vào ban ngày, thiếu năng lượng, cơ thể mệt mỏi, lừ đừ.
- Nhận thức kém, rối loạn chức năng tâm thần vận động, giảm sự tỉnh táo, tự tin.
- Mất ngủ ở phụ nữ mãn kinh gây căng thẳng tâm lý, giảm trí nhớ và khả năng giải quyết vấn đề, tâm trạng bất ổn, thường xuyên nóng giận.
- Về mặt sinh lý, mất ngủ khiến phụ nữ giảm khả năng đáp ứng nhu cầu "chăn gối"
- Phụ nữ bị mất ngủ thì da nhanh lão hóa, thần sắc kém tươi tỉnh, và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, tiểu đường, béo phì và ung thư...
Ở mức độ nặng, việc mất ngủ trầm trọng và kéo dài không được điều trị thậm chí có thể dẫn đến stress kéo dài, trầm cảm, ...
Ảnh minh họa
Có thể khắc phục chứng mất ngủ ở phụ nữ mãn kinh hay không?
Để phòng ngừa hay điều trị dứt điểm tình trạng mất ngủ ở tuổi tiền mãn kinh là một việc rất khó, và dường như khó có thể thực hiện được một cách tuyệt đối. Tuy nhiên, các biện pháp dưới đây sẽ giúp cho tình trạng mất ngủ ở tuổi tiền mãn kinh trở nên nhẹ nhàng hơn và bạn hoàn toàn có thể dễ dàng vượt qua. Khi cơ thể qua độ tuổi tiền mãn kinh và bước vào giai đoạn mãn kinh thực sự, cơ thể sẽ tự có sự điều chỉnh để đạt một trạng thái "cân bằng mới", và những triệu chứng trên sẽ tự động hoàn toàn biến mất mà bạn không cần can thiệp gì.
Để có giấc ngủ ngon ở giai đoạn tiền mãn kinh thì phụ nữ có thể thực hiện theo những hướng dẫn sau:
- Có chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt khoa học và cố gắng tuân thủ đúng giờ theo thời gian biểu đã đặt ra
- Chăm chỉ rèn luyện và tăng cường sức khỏe bằng cách duy trì chế độ tập luyện điều độ những môn thể thao vừa sức như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, aerobic, yoga... Thời gian tập luyện nên ít nhất 30 phút mỗi ngày.
- Hạn chế và tránh dùng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê... vào buổi tối.
- Để giảm triệu chứng mất ngủ ở phụ nữ mãn kinh, cần hạn chế ăn no và xem phim ảnh gây xúc động mạnh, phấn khích thái quá trước khi đi ngủ.
- Phòng ngủ, nơi để ngủ cần sạch sẽ và thoáng mát.
- Trong trường hợp bị mất ngủ trầm trọng, có thể dùng thuốc. Tuy nhiên, thuốc chỉ có tác dụng trong ngắn hạn, nếu dùng lâu dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Khi sử dụng thuốc điều trị mất ngủ cần phải được bác sĩ tư vấn, chỉ định và hướng dẫn, tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
Bài tham khảo: