Lượng máu trong chu kỳ kinh nguyệt bình thường của phụ nữ theo độ tuổi
Cơ chế hình thành kinh nguyệt
Giai đoạn đầu của chu kỳ kinh, dưới sự ảnh hưởng của các hormone tuyến yên và vùng dưới đồi, các nang noãn nguyên thủy bắt đầu phát triển. Khoảng giữa chu kỳ sẽ thường có 1 hoặc 2 trứng phát triển lớn nhất, trở thành trứng trội. Khi nồng độ hormone LH đạt đỉnh sẽ kích thích trứng rụng, hay còn gọi là phóng noãn.
Sau khi phóng noãn, hoàng thể (được hình thành tại nơi nang noãn vỡ) tiết ra hormon estrogen và progesteron làm dày niêm mạc tử cung, tăng sinh các ống, tuyến và chế tiết chất nhầy. Sau khoảng 14 ngày từ khi phóng noãn, lượng hormon estrogen và progesteron giảm đột ngột làm bong niêm mạc tử cung gây ra hiện tượng kinh nguyệt. Máu kinh nguyệt của mỗi người không giống nhau và khác nhau ở từng giai đoạn. Sự thay đổi trong bất kỳ yếu tố nào của máu kinh nguyệt đều biểu hiện cho tình trạng sức khỏe của bạn.
Tuy nhiên, làm sao biết được máu kinh nguyệt của mình bình thường hay không. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu lưu lượng máu kinh nguyệt sẽ thay đổi thế nào theo từng độ tuổi.
Máu kinh nguyệt của độ tuổi dậy thì
Theo thống kê, độ tuổi trung bình để bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt của bé gái Việt Nam là 11-13 tuổi. Độ tuổi bắt đầu hành kinh của mỗi bạn sẽ có sự khác nhau phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như tính di truyền, chỉ số khối cơ thể (BMI), thực phẩm ăn uống thường ngày, môi trường và lối sống. Trong giai đoạn này, do hệ thống hormone sinh dục chưa hoạt động ổn định và cơ quan sinh dục chưa phát triển hoàn thiện nên lượng máu hành kinh thường không ổn định. Ngoài ra, chu kỳ kinh nguyệt của mỗi bé gái lúc này cũng không đều đặn mỗi tháng.
Tuy nhiên, nếu lượng máu kinh nguyệt ra quá nhiều, quá lâu và không có dấu hiệu thuyên giảm trong suốt thời gian hành kinh, chu kỳ quá mau hoặc quá thưa, bé gái cần đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Ví dụ như trường hợp kinh nguyệt dưới 15 ngày diễn ra một lần, hoặc trên 3 tháng mới có một lần, đều là những vấn đề nên được kiểm tra sớm. Việc lượng máu kinh rong trên 10 ngày hoặc ra nhiều trong suốt giai đoạn hành kinh (trung bình sẽ ra ít trong 1 ngày đầu, nhiều nhất vào ngày thứ 2-4 rồi giảm dần sau đó). Tình trạng kinh nguyệt không đều có thể kéo dài sau lần có kinh đầu tiên khoảng 2-3 năm.
Lượng máu hành kinh trong độ tuổi sinh sản
Độ tuổi sinh sản của phụ nữ bắt đầu được tính từ khoảng năm 18 tuổi, cho đến 35 tuổi. Về mặt sinh lý, giai đoạn này chu kỳ kinh nguyệt cũng bắt đầu đi vào quỹ đạo và hoạt động ổn định hơn vào mỗi tháng.
Trong giai đoạn này, hệ thống nội tiết tố đã hoạt động ổn định, cơ quan sinh dục như tử cung, buồng trứng đã hoàn thiện cho thiên chức làm mẹ, nên khả năng có thai của bạn cũng sẽ cao hơn nếu bạn quan hệ với người khác giới vào thời gian trứng rụng (cao nhất ở khoảng giữa chu kỳ). Lượng máu kinh nguyệt của bạn trong những năm 20 tuổi cũng không còn nhiều như khi bạn còn ở tuổi dậy thì.
Tuy nhiên, trong những ngày hành kinh đầu tiên, lượng máu kinh có thể khiến bạn phải thay băng vệ sinh liên tục. Sau đó, lưu lượng máu giảm dần trong những ngày cuối chu kỳ. Trong giai đoạn này, số ngày hành kinh của bạn cũng sẽ giảm, nằm trong khoảng 5-7 ngày.
Các vấn đề rối loạn kinh nguyệt vẫn có thể trong giai đoạn này, tuy nhiên phần lớn nếu có các rối loạn thì có thể bắt nguồn từ nguyên nhân các bệnh lý về sức khỏe sinh sản thay vì nguyên nhân sinh lý bình thường của cơ thể. Nếu hiện tượng kinh rong trên 7 ngày, kinh mau dưới 22 ngày, hoặc chu kỳ dài trên 40 ngày, có thể bạn sẽ gặp phải tình trạng bất thường về chu kỳ phóng noãn, khi đó có thể ảnh hưởng đến khả năng có con của bạn
Tuy nhiên, nếu bạn sinh con và cho con bú trong giai đoạn này, có thể bạn sẽ mất kinh trong một vài tháng hoặc có chu kỳ kinh nguyệt không đều đặn. Khi hành kinh trở lại sau giai đoạn sinh con và cho con bú, lượng máu kinh nguyệt có thể cũng không còn dồi dào như trước.
Giai đoạn tiền mãn kinh- mãn kinh
Với nhiều người, độ tuổi từ 35 đến gần 40 tuổi là khởi đầu cho một hành trình hoàn toàn mới: tiền mãn kinh- mãn kinh. Lúc này, cơ thể bắt đầu ít sản xuất estrogen và progesterone hơn bình thường. Mặc dù hầu hết mọi người đều bắt đầu thời kỳ tiền mãn kinh từ những năm 40 tuổi nhưng cơ thể đã có sự chuẩn bị cho giai đoạn này từ những năm ngoài 35 tuổi.
Điều đó có nghĩa là hormone nội tiết tố nữ sẽ có những sự thay đổi từ từ. Trong khi đó, hormone nội tiết là yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến chu kỳ và lượng máu kinh nguyệt của mỗi người. Khi bạn bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, máu kinh nguyệt có thể xuất hiện bất ngờ dù trước đó bạn không cảm nhận thấy dấu hiệu gì và ngoài chu kỳ dự kiến.
Mặc dù vậy, số ngày hành kinh sẽ giảm đáng kể. Có thể bạn chỉ có khoẳng 3 ngày hành kinh khi đến chu kỳ kinh nguyệt. Lượng máu kinh nguyệt trong những ngày này cũng ít hơn hẳn. Thậm chí, có những lúc bạn sẽ không thể cảm thấy mình đang chảy máu ở âm đạo dù vẫn đang trong ngày hành kinh.
Khi xảy ra tiền mãn kinh một thời gian, bạn sẽ bước vào giai đoạn mãn kinh thực sự. Mãn kinh có nghĩa là bạn sẽ không bị chảy máu kinh nguyệt trong 12 tháng liên tục. Những biểu hiện mãn kinh hay gặp nhất là thường xuyên cáu gắt, tâm lý và cảm xúc thay đổi rất nhanh. Về mặt thể chất, phụ nữ mãn kinh rất thường bị nhức mỏi cơ thể, mất ngủ, ăn không ngon miệng. Bạn có thể trải qua những điều khó chịu này trong khoảng một vài tháng liên tục. Sau đó, khi cơ thể đã thích nghi, các triệu chứng sẽ dần biến mất.
Bài tham khảo
Kinh nguyệt- cơ chế và tính chất
Nguyên nhân khiến chị em đau bụng khi có kinh nguyệt