Nối ống dẫn trứng: Phương pháp để có con sau triệt sản nữ
Nối ống dẫn trứng là gì
Ngày nay, số lượng phụ nữ áp dụng phương pháp triệt sản để phòng tránh thai ngày càng gia tăng. Nguyên nhân bởi vì những ưu điểm của phương pháp triệt sản như triệt sản vĩnh viễn, tỷ lệ tránh thai 100%, không ảnh hưởng đến nội tiết tố của cơ thể...
Tuy nhiên, vì một lý do không thể lường trước nào đó, vẫn có một bộ phận không nhỏ phụ nữ muốn có con lại sau triệt sản nữ. Nhìn chung, với tiến bộ y học hiện đại, điều này là hoàn toàn có thể. Nối ống dẫn trứng là biện pháp duy nhất giúp phụ nữ mang thai lại một cách tự nhiên sau khi đã triệt sản.
Nối ống dẫn trứng còn có tên gọi khác là tái thông ống dẫn trứng. Bác sĩ sẽ dựa vào Phương pháp thắt ống dẫn trứng đã thực hiện trước đây để quyết định có đồng ý chỉ định ca phẫu thuật tái thông ống dẫn trứng không
Tỷ lệ thành công của nối ống dẫn trứng có cao không?
tỉ lệ thành công phụ thuộc vào thời gian thắt ống dẫn trứng, nếu ống dẫn trứng thắt càng lâu thì khả năng có con sau phẫu thuật vi phẫu nối ống dẫn trứng càng thấp. Mặt khác, khả năng sinh sản của chị em còn phụ thuộc vào lứa tuổi. Một số phụ nữ lớn tuổi dù có nối lại vòi trứng vẫn không thể thụ thai. Vì vậy, BV Từ Dũ chỉ nhận phục hồi cho các chị dưới 40 tuổi. Ngoài ra khả năng thành công của việc nối ống dẫn trứng còn tùy thuộc vào vị trí đã đoạn sản (cắt) trên ống dẫn trứng. Có những ống dẫn trứng bị cắt ở những vị trí không thể nối lại. Được biết, phương pháp phẫu thuật nối vòi tử cung đã được một số nước trên thế giới áp dụng với kết quả thành công khả quan (60%).
Một số trường hợp không áp dụng được phương pháp nối ống dẫn trứng, như vòi trứng có tổn thương ứ dịch, ứ mủ... bởi khi đó vòi trứng đã bị tổn thương, cho nên dù có thực hiện nội soi vi phẫu thì chức năng vòi tử cung cũng không còn bảo đảm chắc chắn. Ngoải ra, với phụ nữ có bệnh mãn tính, hoặc các loại bệnh có ảnh hưởng đến sức khỏe thai kỳ cũng không nên tiến hành thủ thuật tháo vòi trứng, bởi khả năng mang thai an toàn thấp. Vì thế, bác sỹ trước khi tiến hành nối ống dẫn trứng cho bệnh nhân, sẽ yêu cầu làm đầy đủ các xét nghiệm, siêu âm cần thiết.
Quy trình nối ống dẫn trứng như thế nào
Thăm khám trước khi tiến hành nối ống dẫn trứng
Cả hai vợ chồng đều phải tiến hành kiểm tra thể chất đầy đủ trước khi bắt đầu ca phẫu thuật để đảm bảo chắc chắn về khả năng mang thai sau khi tái thông ống dẫn trứng. Các bước chuẩn bị cụ thể là:
- Xét nghiệm máu và siêu âm buồng trứng;
- Đo chiều dài và đánh giá chức năng của ống dẫn trứng còn lại (chụp X quang HSG);
- Kiểm tra số lượng tinh trùng và chất lượng tinh dịch.
Thủ thuật tiến hành tháo ống dẫn trứng
Phương pháp tái thông ống dẫn trứng là một thủ thuật rất phức tạp vì đường kính vòi tử cung rất nhỏ (chỉ khoảng 1,5 mm) nên cần được tiến hành tại các bệnh viện lớn, có chuyên ngành phẫu thuật nội soi / vi phẫu sản phụ khoa. Bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân để hôn mê sâu và không cảm thấy đau trong suốt quá trình phẫu thuật.
Bước đầu của quy trình, bác sĩ sẽ luồn thiết bị nội soi qua rốn của bệnh nhân, vào khu vực xương chậu để quan sát ống dẫn trứng và quyết định có thể tái thông được hay không.
Nếu khả năng phục hồi ống dẫn trứng cao, bác sĩ sẽ rạch một vết mổ nhỏ gần lông mu vùng kín của bệnh nhân, gọi nôm na là "đường cắt bikini". Thông qua kính hiển vi đã được gắn vào đầu ống nội soi, tất cả các clip hoặc vòng đang kẹp và thắt vòi trứng sẽ được tháo ra. Sau đó, các đầu của ống dẫn trứng được nối lại với tử cung bằng những mũi khâu rất nhỏ.
Mất bao lâu để phục hồi sau phẫu thuật
Trong quá khứ, phụ nữ cần ở lại bệnh viện để theo dõi hậu phẫu trong khoảng từ 1 đến 3 ngày. Nhưng hiện nay, phẫu thuật tái thông ống dẫn trứng tiên tiến hơn với những kỹ thuật vi phẫu đã giúp phụ nữ không cần ở bệnh viện qua đêm. Bệnh nhân sau ca vi phẫu phục hồi ống dẫn trứng sẽ được về nhà trong ngày, thời gian nằm viện chỉ mất khoảng 2 - 4 giờ tính từ lúc ca mổ hoàn tất.
Thủ thuật nối ống dẫn trứng ảnh hưởng như thê nào đến sức khỏe của người phụ nữ
Có thể nói, biến chứng và rủi ro là điều không mong muốn của bất cứ ca phẫu thuật nào. Tuy rất hiểm nhưng vẫn có những chị em phụ nữ gặp phải một vài biến chứng như:
– Xuất huyết ổ bụng.
– Các cơ quan lân cận có nguy cơ nhiễm trùng và tổn thương.
– Cơ thể không tiếp nhận thuốc gây mê.
– Dù phẫu thuật thành công thì phụ nữ vẫn có nguy cơ chửa ngoài tử cung.
– Nguy cơ tắc ống dẫn trứng do các mô sẹo gây ra.
Thực tế, nếu các chị em phụ nữ có ý định mang thai sau khi triệt sản thì có thể cân nhắc phương pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF) mà không cần tái thông vòi trứng. Và để hạn chế những biến chứng như thai ngoài tử cung, IVF cũng là một lựa chọn phù hợp.