U sợi tuyến vú: Nguyên nhân và phương pháp điều trị
U sợi tuyến vú là bệnh gì
U sợi tuyến vú (thay đổi sợi bọc tuyến vú, xơ nang tuyến vú) là một dạng thay đổi cấu trúc mô học của tuyến vú. Đây là một dạng thay đổi lành tính, thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi 18 - 40. Đa phần các u này đều lành tính, không chuyển thành ung thư.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, không phải tất cả khối u xuất hiện trong vú là u sợi tuyến vú. Sự khác biệt giữa u sợi tuyến vú và ung thư vú, đó là u sợi tuyến vú không to lên và xâm lấn đến các cơ quan khác như ung thư vú, chúng chỉ giới hạn trong các mô vú.
Những khối u này thường được phát hiện tình cờ. Nhưng cũng có trường hợp sau mổ cắt bỏ khối u tuyến sợi vài tháng hoặc vài năm lại phát hiện khối u ở ngay vú đó hoặc thậm chí ở vú khác.
Dấu hiệu u sợi tuyến vú
Người bệnh có thể có vài khối u lớn nhỏ khác nhau, Khi ấn vào cảm thấy cứng, rắn, dai và rõ hình dạng ở một hoặc có khi cả hai vú. U sợi tuyến vú lành tính thường không đau và có thể di chuyển khi chạm vào, kích thước khác nhau và tương đối nhỏ, chỉ khoảng 1 -2 cm. Khi tới chu kỳ kinh nguyệt, phụ nữ mới có thể cảm thấy hơi đau hoặc thấy khối u hơi lớn lên một chút.
Nguyên nhân u sợi tuyến vú
Mặc dù chưa thể tìm ra được nguyên nhân chính xác gây ra u sợi tuyến, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng hormone đóng vai trò trong việc hình thành các u sợi tuyến vú, vì bệnh này có xu hướng xảy ra thường xuyên hơn trong độ tuổi sinh sản.
Các khối u có thể to hơn trong khi mang thai hoặc khi sử dụng liệu pháp hormone. Sau khi mãn kinh, cùng với sự sụt giảm của lượng hormone, các khối u có thể thu nhỏ. Một số trường hợp uống thuốc tránh thai trước tuổi 20 có thể làm cho u sợi phát triển và tăng trưởng.
Phương pháp chẩn đoán u sợi tuyến vú
Ảnh minh họa
Một số xét nghiệm và thủ thuật cận lâm sàng nhằm chẩn đoán xơ nang tuyến vú:
- Chụp nhũ ảnh: Chụp nhũ ảnh sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh (xạ hình tuyến vú) ở vùng mô vú nghi ngờ có u. Hình ảnh bướu sợi tuyến có thể được thể hiện trên hình chụp nhũ ảnh như một khối u vú với bờ tròn, nhẵn, tách riêng với các mô vú xung quanh.
- Siêu âm vú: Sóng siêu âm cho hình ảnh bên trong tuyến vú nhằm đánh giá một khối u vú. Siêu âm vú giúp xác định khối u là một khối đặc hay chứa dịch. Nếu là khối đặc thì khả năng cao là bướu sợi tuyến vú, trong khi một khối chứa dịch thì khả năng cao đó là một u nang.
- Sinh thiết kim nhỏ (FNA): Bác sĩ dùng một cây kim nhỏ đâm vào vú và rút thành phần chứa bên trong khối u ra. Nếu rút ra chất lỏng, khối u đó có thể là một u nang.
- Sinh thiết kim lõi (CNB): Bác sĩ với sự chỉ dẫn từ hình chụp nhũ ảnh và từ hình ảnh siêu âm sẽ sử dụng cây kim lõi để lấy mẫu mô từ khối u, sau đó đem đến phòng xét nghiệm để phân tích.
Điều trị u sợi tuyến vú
Phụ nữ cần được đi khám bác sĩ ngay lập tức khi phát hiện ra một khối u mới ở vú hoặc có bất kỳ sự thay đổi nào ở vú, hoặc khối u vú đã được phát hiện trước đây nay bỗng to lên.
Tùy vào tình trạng cụ thể của mỗi người mà bác sĩ sẽ cân nhắc hướng xử lý:
- Nếu là u sợi tuyến vú lành tính nếu không đau nhiều: Thông thường chỉ cần là theo dõi bằng cách siêu âm mỗi năm 1 lần.
- Nếu đau nhiều kèm nang nước to gây căng tức: Điều trị có thể bao gồm chọc hút nang bằng kim nhỏ và dùng thuốc giảm đau.
- Trường hợp u sợi có kích thước lớn từ 3cm trở lên thì cân nhắc phẫu thuật loại bỏ khối u.
Hiện nay, có 2 phương pháp điều trị u tuyến sợi vú không để lại sẹo xấu như việc phẫu thuật lấy u, đó là: Đốt bằng nhiệt lạnh và đốt bằng sóng cao tần.
Trong các phương pháp này, bác sĩ sẽ sử dụng đầu dò siêu âm để xác định chính xác vị trí của khối u rồi đưa nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao trực tiếp vào khối u làm phá hủy tế bào khối u. Chỉ cần gây tê tại chỗ là đủ. Đối với đốt nhiệt lạnh thì khối u không mất ngay lập tức mà nó sẽ teo dần theo thời gian. Việc sử dụng phương pháp điều trị nào cần có sự tư vấn kỹ càng của bác sĩ chuyên khoa để tránh xảy ra tai biến.
Bài tham khảo: