Phụ nữ sẽ thay đổi ra sao nếu cắt bỏ hai bên buồng trứng?
Chức năng của buồng trứng là gì
Buồng trứng là tuyến sinh dục nữ – cơ quan sinh sản chính của nữ giới. Phụ nữ có hai bên buồng trứng nằm ở hai bên tử cung dựa vào thành chậu hông bé và được giữ tại chỗ bởi dây chằng tròn và gắn vào tử cung bởi hai ống dẫn trứng. buồng trứng được biết đến với chức năng chủ yếu là sản sinh trứng và thực hiện chức năng nội tiết tạo ra các hormone sinh dục nữ.
Chức năng tạo hormone (chức năng nội tiết)
Buồng trứng có chức năng sản sinh trứng và chức năng nội tiết là tiết ra các hormon giúp người phụ nữ phát triển tính dục và duy trì ham muốn tình dục. Các tế bào của buồng trứng sẽ tiết ra 3 hormon: estrogen, progesteron, androgen (tên gọi chung của testosteron: hormon giới tính nam). Tuy nhiên buồng trứng tạo ra lượng hormone testosteron rất thấp, lượng hormon này chủ yếu là do tuyến thượng thận sản xuất ra.
Chức năng sản xuất trứng (chức năng ngoại tiết)
Khi một phụ nữ được sinh ra, cô ấy có khoảng 150.000 đến 500.000 nang trong buồng trứng. Vào thời điểm phụ nữ trưởng thành về mặt sinh lý, một người sẽ có khoảng 34.000 nang (theo Encyclopedia Britannica).Khi một quả trứng đặc biệt được kích thích đến trưởng thành bởi các hormon được giải phóng từ tuyến yên, nang trứng sẽ di chuyển đến thành buồng trứng. Ở đây, trứng và nang trứng phát triển và “chín”. Khi “chín”, trứng sẽ sẵn sàng rụng. Khi các nang trứng với trứng trưởng thành vỡ, trứng sẽ được phóng vào ống dẫn trứng gần nhất. Tại đây, nếu trứng gặp được tinh trùng sẽ tạo ra thai nhi, còn nếu không thì trứng sẽ tự tiêu trong khoảng 24h và sau đó, hoàng thể dần tiêu biến, lượng hormon progeteron do hoàng thể sản xuất sẽ giảm đi và chu kỳ kinh nguyệt sẽ xẩy ra.
Những trường hợp nào phải cắt cả hai bên buồng trứng
Có hai trường hợp chủ yếu cần phẫu thuật cắt buồng trứng đó là:
● Phụ nữ mắc các bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và khả năng sinh sản như: u nang buồng trứng xoắn hoại tử, ung thư buồng trứng....Trường hợp cả 2 bên đều mắc bệnh và có nguy cơ ung thư, khi đó bắt buộc bác sĩ phải chỉ định cắt bỏ buồng trứng cả 2 bên.
● Phụ nữ đã gần đến thời kỳ mãn kinh, cần cắt bỏ để hạn chế nguy cơ ung thư buồng trứng (thường thực hiện phối hợp trong phẫu thuật cắt tử cung vì các lí do bệnh lý của tử cung).
Điều gì sẽ xảy ra sau khi phụ nữ cắt bỏ buồng trứng
Đối với những trường hợp chỉ cắt bỏ một bên buồng trứng, bên còn lại vẫn khỏe mạnh thì hầu như mức độ ảnh hưởng là không nhiều, vì lượng hormon vẫn được tiết ra (tuy nhiên có thể giảm đi chút ít), và vẫn có trứng được sản xuất. Mặc dù theo thống kê, số người bị ảnh hưởng về chức năng sinh sản, sức khỏe và sinh lý sau khi cắt bỏ một bên buồng trứng chiếm hơn 50%, tuy nhiên ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh về những vấn đề sẽ xảy ra nếu bạn cắt bỏ hai bên buồng trứng.
Đối với việc phải cắt cả 2 buồng trứng ở nữ giới chưa dậy thì và đã dậy thì (lấy hiện tượng kinh nguyệt làm mốc) có những thay đổi khác nhau. Nếu bị cắt cả 2 buồng trứng khi chưa dậy thì sẽ dẫn đến nhiều dấu hiệu sinh lý nữ sẽ ngừng phát triển, ví dụ như: không hành kinh, ngực ngừng phát triển, lông không mọc.... Nếu cắt 2 buồng trứng khi đã qua tuổi dậy thì, khi cơ thể đã phát triển rồi thì sẽ mất đi hiện tượng hành kinh mỗi tháng.
Cắt bỏ 2 bên buồng trứng thì phụ nữ sẽ không có khả năng thụ thai tự nhiên thành công, tuy nhiên có thể có thai nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm bằng cách xin trứng.
Estrogen cũng có tác dụng bảo vệ tim mạch và ngừa loãng xương. Sự giảm hormon estrogen ảnh hưởng rất lớn tới hành vi giới tính của người phụ nữ như giảm cảm giác, giảm ham muốn tình dục. Không chỉ ảnh hưởng tới tâm sinh lý, giảm tiết estrogen còn rất dễ phát sinh các bệnh khác như: tiểu đường, tim mạch, viêm khớp, các bệnh về vú, gia tăng lo âu và căng thẳng... kèm theo đó là sự xuống cấp của làn da. Vì thế, để không bị ảnh hưởng sức khỏe quá nhiều sau khi cắt buồng trứng, bác sỹ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng thuốc nội tiết thay thế. Việc bổ sung trong bao lâu và hàm lượng như thế nào, hoàn toàn cần có sự thăm khám và chỉ định của bác sỹ.
Testosterone là yếu tố chính quyết định ham muốn tình dục cho phụ nữ và quyết định 50% đời sống chăn gối của nữ giới, phần còn lại phụ thuộc sức khỏe và những yếu tố khác. Ngoài buồng trứng, tuyến thượng thận cũng có sản xuất hormone này. Vì thế, sau khi cắt bỏ buồng trứng không phải chắc chắn rằng người phụ nữ sẽ không còn ham muốn tình dục và không thể đạt khoái cảm khi giao hợp. Tuy nhiên, do ảnh hưởng về mặt tâm lý, cũng như sự rối loạn nội tiết trong cơ thể thời gian đầu cắt bỏ buồng trứng, thống kê cho thấy có đến 2/3 phụ nữ cho biết rằng bị suy giảm ham muốn sau khi thực hiện phẫu thuật này.
Bài tham khảo