Tình trạng giảm tiết dịch âm đạo khiến "chuyện ấy" trục trặc.
Tình trạng giảm tiết dịch âm đạo
Khí hư hay còn gọi là dịch âm đạo, hay là chất nhờn âm đạo của phụ nữ sau tuổi dậy thì. Dịch âm đạo bình thường sẽ giúp làm sạch, dưỡng ẩm âm đạo và tạo ra môi trường acid có tác dụng bảo vệ âm đạo, hạn chế sự phát sinh, phát triển của các tác nhân gây bệnh. Chất nhờn âm đạo là hiện tượng sinh lý, tuy nhiên đôi khi cũng là dấu hiệu phản ánh bệnh lý đường sinh dục của phụ nữ.
Trong chất nhờn âm đạo của người phụ nữ là chất lỏng có các thành phần như axit lactic, hydrocarbon, nước, pyridine, giấm hydrocarbon không bão hòa…Theo các chuyên gia, chất nhờn âm đạo tiết ra từ các tuyến chế tiết chất nhờn nằm ẩn ở bên trong bộ phận sinh dục nữ. Một số tuyền nhầy tiết dịch âm đạo chính là tuyến batholin nằm ở dưới da phía trong hai bên âm đạo, có kích thước chỉ nhỏ bằng hạt đỗ.
Tại niêm mạc tử cung, ống cổ tử cung cũng có một số tuyến tiết dịch nhờn có khả năng tiết dịch khác cùng tham gia vào quá trình này. Bệnh khô âm đạo (giảm tiết dịch âm đạo) là một trong những triệu chứng thường gặp ở phụ nữ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh hoặc sau khi sinh con. Bên cạnh đó một bộ phận giới trẻ hiện nay cũng đang gặp phải tình trạng này do các bệnh lý gây ra.
Ảnh minh họa.
Nguyên nhân tình trạng giảm tiết dịch âm đạo
Nguyên nhân sinh lý
- Giảm tiết dịch theo các giai đoạn trong chu kỳ kinh nguyệt:
Cơ thể sẽ tiết ra nhiều dịch âm đạo nhất xung quanh thời điểm rụng trứng do lượng estrogen trong chu kỳ kinh tăng dần lên, chất nhờn ở cổ tử cung tiết ra cũng nhiều hơn và đến giai đoạn phóng noãn thì lượng chất nhờn tiết ra nhiều nhất, trong nhất và có thể kéo dài ra. Giai đoạn tiết ra ít chất nhờn âm đạo nằm trong đoạn đầu chu kỳ kinh do lượng estrogen của buồng trứng còn thấp, các tuyến ở ống cổ tử cung ít hoạt động.
- Hứng thú tình dục:
Hứng thú tình dục cũng là nguyên nhân khiến chị em tiết nhiều dịch âm đạo hơn bình thường. Việc tình dục của phụ nữ cũng phụ thuộc phần nhiều vào cảm xúc, nếu họ yêu thương và có hứng thú quan hệ tình dục, khao khát chuyện đó thì dịch tiết âm đạo sẽ tiết ra nhiều hơn. Ngược lại nếu không có hứng thú tình dục, không có cảm xúc mà bị miễn cưỡng quan hệ thì sẽ không tiết dịch âm đạo được, hoặc tiết ít.
- Yếu tố tâm lý (áp lực,căng thẳng, buồn phiền...)
Căng thẳng và sự thay đổi tâm trạng có thể ảnh hưởng đến như estrogen, progesterone. Bất kì sự thay đổi nội tiết nào cũng đều có thể ảnh hưởng đến chu kì kinh nguyệt và sự tiết dịch âm đạo. Cụ thể, khi người phụ nữ lo lắng, lượng máu trong cơ thể đi đến các bộ phận trong cơ thể sẽ không đủ. Mặt khác, căng thẳng cũng làm buồng trứng sản xuất ít nội tiết tố gây khô âm đạo. Ngoài ra, khi não bộ trong trạng thái ức chế do những cảm xúc tiêu cực này sẽ khiến các tuyến tiết dịch sinh dục ở đường âm đạo không được kích hoạt, không tiết dịch nhiều.
- Thời kỳ tiền mãn kinh- mãn kinh:
Khi bước vào độ tuổi khoảng 40 - 50, đa phần phụ nữ đối mặt với tình trạng khô âm đạo do hệ trục Não bộ - Tuyến yên - Buồng trứng suy giảm hoạt động.Trong thời kỳ mãn kinh, buồng trứng suy teo,gây ra sự sụt giảm nồng độ nội tiết tố nữ estrogen làm giảm tiết chất nhầy âm đạo và đồng thời làm cho âm đạo mỏng và kém đàn hổi. Có thể gọi đó là hiện tượng teo âm đạo. Khi nồng độ estrogen giảm, sự bài tiết dịch nhờn giảm đi khiến lớp niêm mạc âm đạo cũng mỏng, giảm độ đàn hồi co giãn và dễ bị tổn thương.
- Cơ địa ít tiết dịch do các tuyến tiết dịch hoạt động kém:
Có một nguyên nhân ít gặp khác, không phải là bệnh lý mà chỉ là sinh lý bình thường, đó là do đặc điểm cơ quan sinh dục có hệ thống tuyến tiết chất nhầy hoạt động kém, đây chính là nguyên nhân gây ra tình trạng khô hạn âm đạo nguyên phát ở nữ giới. Hiện tượng này thường xuất hiện ngay từ khi dậy thì và kéo dài về sau.
Nguyên nhân bệnh lý
- Rối loạn sản xuất, thiếu hụt nội tiết tố sinh dục:
Hormone sinh dục nữ estrogen do buồng trứng sản xuất ra giúp duy trì tiết chất nhầy và giữ cho niêm mạc âm đạo khỏe, dày và có độ đàn hồi. Estrogen giảm có thể do phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh, cắt bỏ buồng trứng hoặc cắt bỏ tử cung, cho con bú,…Một số bệnh thường gặp của buồng trứng như u nang buồng trứng, buồng trứng đa nang cũng ảnh hưởng đến sự bài tiết hormone. Ngoài ra hiện tượng trên còn gặp ở những người có các bệnh lý về các tuyến nội tiết như tuyến yên, tuyến giáp, bệnh tuyến thượng thận, và các bệnh liên quan đến chuyển hóa cũng có thể gây ra tình trạng này.
- Vệ sinh không đúng cách:
Việc thụt rửa âm đạo không những không tốt cho “cô bé” của bạn mà còn gây ra nhiều tác hại khôn lường. Thụt rửa âm đạo thường xuyên sẽ làm thay đổi cân bằng PH ở môi trường âm đạo, có thể gây viêm âm đạo nên có cảm giác khô. Sử dụng những loại dung dịch vệ sinh không phù hợp với môi trường âm đạo cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng này.
- Sử dụng thuốc:
Một số thuốc như tamoxifen (chống estrogen, dùng cho bệnh nhân ung thư vú) có ảnh hưởng đến hoạt động của estrogen trong cơ thể nên làm âm đạo khô. Thuốc chống dị ứng như thuốc kháng histamin có thể làm khô niêm mạc nói chung, trong đó có niêm mạc thành âm đạo. Thuốc điều trị loét dạ dày, chống trầm cảm và cao huyết áp cũng có thể dẫn tới khô âm đạo.
Ảnh hưởng tình trạng âm đạo khô hạn
- Khi âm đạo ở trạng thái khô hạn người phụ nữ cảm thấy rát, ngứa, khó chịu, quan hệ tình dục giảm cảm giác khoái cảm, khó đạt cực khoái, đau, thậm chí không thể thực hiện được, hoặc gây xây xước niêm mạc, chảy máu. Đây được coi là một trong những nguyên nhân chính khiến chuyện vợ chồng gặp khó khăn đôi khi khiến chị em sợ hãi mỗi khi làm chuyện ấy với chồng.
- Bệnh khô hạn âm đạo sẽ làm tăng khả năng mắc và lây nhiễm các bệnh về phụ khoa lây truyền qua đường tình dục qua những vết xây xước, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý và cuộc sống của người phụ nữ. Bởi vi khi khô hạn âm đạo thì môi trường PH của âm đạo bị biến đổi, là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, nấm, tác nhân gây bệnh phát triển.
Phòng tránh và điều trị tình trạng giảm tiết dịch âm đạo
Để phòng tránh tình trạng giảm tiết dịch, khô hạn âm đạo người phụ nữ cần chuẩn bị những điều sau:
- Về mặt tâm lý:
Luôn giữ tâm trạng thoải mái, tránh tình trạng stress. Đảm bảo sức khỏe tốt bằng cách giữ cân bằng thời gian làm việc, nghỉ ngơi điều độ không nên thức khuya làm việc quá sức. Trao đổi với bạn trai/chồng, về tần suất quan hệ phù hợp để bản thân không bị nhàm chán "chuyện ấy".
Khi quan hệ nên kéo dài thời gian dạo đầu, tăng kích thích để tiết dịch nhờn được tốt hơn. Nếu khi quan hệ bị thiếu dịch sinh dục bôi trơn, thì nên sử dụng bao cao su, hoặc gel bôi trơn chuyên dụng để bôi trơn, giảm ma sát trong quá trình quan hệ.
- Về vệ sinh ăn uống:
Nên hạn chế sử dụng các xà phòng, sữa tắm và các chất có kiềm và axit mạnh hoặc muối đặc để thụt rửa âm đạo, chỉ sử dụng các loại dung dịch thụt rửa âm đạo khi có các bệnh lý phụ khoa và phải tuân theo chỉ định của bác sỹ.
Chế độ dinh dưỡng để hạn chế tình trạng khô hạn âm đạo thì nên ăn các thực phẩm có nguồn gốc từ đậu (đậu phụ, sữa đậu, mầm đậu nành...) cũng là cách giảm chứng khô hạn âm đạo. Uống đủ nước trong ngày, tăng cường ăn các hoa quả tươi, giàu vitamin như vitamin E, vitamin C,....
Khi đã bị tình trạng khô âm đạo rồi, mà muốn điều trị triệu chứng khô âm đạo, nguyên tắc hàng đầu là điều trị nguyên nhân. Phụ nữ cần tìm hiểu xem mình bị khô âm đạo do nguyên nhân gì để có các khắc phục an toàn, hiệu quả. Nếu đã loại bỏ các nguyên nhân về tâm lý và hoàn toàn thoải mái trong chuyện quan hệ tình dục, mà vẫn bị khô hạn âm đạo, thì nên đi khám phụ khoa để được xét nghiệm nội tiết, kiểm tra cơ quan sinh dục để phát hiện các vấn đề bất thường và xử lý phù hợp.
Kết luận
Tình trạng khô hạn âm đạo là một hiện tượng không hiếm gặp ở chị em phụ nữ. Vấn đề này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng tình dục, tuy nhiên chị em lại thường rất e ngại khi nói ra nên không thể tìm được nguyên nhân và cách điều trị phù hợp. Do đó chị em phụ nữ không nên ngại khi bản thân gặp phải những vấn đề này, và cần chia sẻ với bác sỹ chuyên khoa phụ sản để thăm khám tìm nguyên nhân và điều trị.