Bệnh sâu răng ở trẻ và cách phòng ngừa
Bệnh sâu răng ở trẻ là gì
Sâu răng không phải là khái niệm xa lạ gì với phần đa mọi người, đó là một tình trạng bệnh lý răng miệng hết sức phổ biến, nhất là ở trẻ em. Sâu răng không phải là có con "sâu" ở trong răng, mà là tình trạng răng bị tổn thương do vi khuẩn trong khoang miệng sản sinh ra axit và tấn công men răng dẫn đến các lỗ sâu hình thành trên răng. Trẻ bị sâu răng có thể gặp rất nhiều phiền toái trong sinh hoạt cũng như các vấn đề sức khỏe răng miệng một cách lâu dài như
- Gây tổn thương đến tủy răng: Nếu tình trạng sâu răng không phát hiện sớm và điều trị tủy răng kịp thời có thể gây viêm tủy và có thể dẫn đến hoại tử tủy, gây áp-xe răng (mủ trong răng)
- Sâu răng là nguyên nhân dẫn đến viêm hạch, viêm tủy xương, viêm mô tế bào, viêm xoang hàm
- Sâu răng sữa nếu không được điều trị đúng và kịp thời sẽ ảnh hưởng đến quá trình mọc răng vĩnh viễn ở trẻ.
Ảnh minh họa
Nguyên nhân gây sâu răng ở trẻ em
- Thói quen ăn uống quá nhiều đường như bánh kẹo, nước uống, hoa quả chứa nhiều đường ...
- Không vệ sinh sạch sẽ sau khi ăn, những mảng bám thức ăn còn sót lại trên răng miệng của trẻ kết dính với nước bọt tạo thành mảng bám, từ đó tạo ra acid, làm ăn mòn các chất vô cơ của men răng và ngà răng, gây ra sâu răng.
- Thói quen bú bình vào ban đêm của trẻ là nguyên nhân gây sâu răng, do trong sữa chứa nhiều thành phần dinh dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
- Ngoài ra, khi răng mới chớm sâu nhưng chủ quan không điều trị sớm, là nguyên nhân khiến tình trạng sâu răng trở nên nghiêm trọng hơn.
Dấu hiệu sâu răng ở trẻ
Tình trạng sâu răng ở trẻ em giai đoạn đầu thường không có dấu hiệu điển hình, bởi tổn thương thường chỉ ở lớp ngoài của men răng. Cha mẹ có thể phát hiện ra con bị sâu răng nếu thường xuyên quan sát răng của trẻ và nhận thấy răng trẻ có những lỗ nhỏ, răng bị đổi màu, bị đen hay nướu bị sưng, đau…
Khi mức độ sâu răng nặng hơn, bé có thể có các dấu hiệu khác như:
- Đau răng khi nhai hoặc cắn thức ăn khiến bé lười ăn, quấy khóc khi ăn, dẫn đến sụt cân, suy giảm sức khỏe
- Răng tỏ ra nhạy cảm, ê buốt khi tiếp xúc với thức ăn nóng hoặc lạnh
- Miệng bé thường xuyên có mùi khó chịu, nhất là buổi sáng sau khi bé ngủ dậy.
Điều trị sâu răng ở trẻ
Điều trị bằng fluoride: Phương pháp này giúp phục hồi các tổn thương của men răng, giai đoạn đầu của sâu răng.Bác sĩ có thể tiến hành bôi fluoride dưới dạng gel, bọt… lên răng bé để che phủ các lỗ sâu nhỏ và cung cấp các khoáng chất cần thiết cho răng. Ngoài ra, bé có thể được chỉ định dùng kem đánh răng có chứa fluor để sửa chữa các tổn thương trên bề mặt răng và khôi phục bề mặt răng.
Trám răng: Khi răng con đã hình thành các lỗ sâu lớn nhưng chưa gây ảnh hưởng đến tủy răng, nha sĩ sẽ tiến hành trám răng cho trẻ để bảo vệ phần răng còn lại. Lỗ sâu trên răng sẽ được làm sạch rồi trám lại bằng amalgam nha khoa hoặc nhựa sứ.
Với trường hợp sâu răng nặng và cần nạo sạch ngà vụn, nha sĩ sẽ khử trùng, sát khuẩn lỗ sâu và trám chỗ bị sâu, thay tủy răng, trường hợp nặng không thể điều trị bác sỹ sẽ bắt buộc phải nhổ răng đó đi để tránh ảnh hưởng đến nướu và những răng bên cạnh
Phòng ngừa sâu răng ở trẻ em
Ảnh minh họa
Chú ý chế độ vệ sinh răng miệng cho trẻ từ khi trẻ mọc răng
- Với trẻ nhỏ, nên thường xuyên làm sạch răng miệng cho bé bằng gạc sạch tẩm nước muối sinh lý để tránh cặn sữa ứ đọng gây sâu răng.
- Với trẻ từ 1-2 tuổi có thể hướng dẫn bé chải răng, chải răng 2 lần/ngày, mỗi lần ít nhất 2 phút.
- Lựa chọn và sử dụng loại kem đánh răng có lượng fluoride phù hợp với trẻ.
- Kết hợp sử dụng chỉ nha khoa để giúp ngăn chặn việc hình thành mảng bám ở các kẽ răng, giúp phòng ngừa sâu răng ở trẻ em.
Chế độ dinh dưỡng phòng ngừa sâu răng hiệu quả
- Bố mẹ cần hạn chế cho bé ăn uống các loại thực phẩm có chứa nhiều đường nhất là vào buổi tối hoặc trước khi đi ngủ vì không những làm tăng nguy cơ béo phì mà những loại thức ăn này cũng tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển và gây ra nhiều mảng bám hơn.
- Cho bé làm quen và duy trì những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe răng miệng như rau củ và trái cây, vì chúng có thể chuyển đổi nước bọt của bé thành chất khoáng, giúp hạn chế tình trạng mảng bám trên răng, phòng ngừa sâu răng ở trẻ em.
- Tập cho bé thói quen uống nước sau mỗi bữa ăn.
Bài tham khảo