Đau nhức cơ xương khớp tuổi dậy thì (đau tăng trưởng): Bình thường hay bệnh lý?
Vì sao có tình trạng đau nhức cơ xương khớp tuổi dậy thì?
Đau nhức cơ xương khớp tuổi dậy thì hay còn gọi với một tên khác là đau tăng trưởng (growing pains). Đây là một tình trạng thường gặp, chiếm tỷ lệ 10-20% trẻ em ở tuổi đi học và thiếu niên dậy thì và là tình trạng đau xương khớp lành tính, sẽ khỏi hoàn toàn và không để lại di chứng. Đau tăng trưởng có thể từ đau nhẹ gây cảm giác khó chịu thoáng qua đến đau dữ dội. Đau tăng trưởng có thể gặp ở cả bé trai và bé gái.
Đau tăng trưởng thường bắt đầu khoảng 3-4 tuổi, có xu hướng đau lại khi trẻ 8-12 tuổi. Mặc dù có tên là đau tăng trưởng (growing pains) do thường xuất hiện vào lứa tuổi trẻ lớn nhanh, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy mối liên quan giữa cơn đau này với tốc độ tăng trưởng của trẻ.
Trước đây, vào khoảng những năm 1930, người ta do rằng do tốc độ phát triển của xương nhanh so với các gân cơ gây nên cơn đau. Các hiểu biết hiện nay cho thấy điều này không đúng, tuy nhiên tên cũ vẫn được tiếp tục sử dụng
Thực ra, đau tăng trưởng có thể đơn giản là cơn đau cơ xảy ra sau một ngày các cơ phải hoạt động nhiều. Các hoạt động này có thể là chạy, nhảy hay bơi lội. Trẻ thường không đau khi chơi, nhưng sẽ đau sau đó, khi các cơ thư giãn.
Ảnh minh họa
Làm thế nào phân biệt tình trạng đau tăng trưởng với đau bệnh lý
Đau xương khớp thường khu trú ở chi dưới, đau sâu trong xương đùi, mào xương chày, xương cẳng chân, vùng xương chậu, cột sống thắt lưng; ít khi gặp ở chi trên. Đau thường kết hợp với cảm giác mỏi nhức trong xương, xuất hiện vào ban đêm, có khi làm trẻ thức giấc vì đau. Đau xương khớp với tính chất đơn thuần, không có viêm khớp, không hạn chế vận động khớp, trẻ không sốt, nếu đưa trẻ đi khám sẽ thấy các xét nghiệm máu và chụp Xquang xương khớp hoàn toàn bình thường.
Đau tăng trưởng hầu hết xảy ra ở chân và ở cả hai bên, đặc biệt ở trước đùi, phần bắp chân, hay sau gối. Cơn đau xảy ra khoảng từ 10 – 30 phút, nhưng cũng có thể lên đến vài giờ.
Một số bố mẹ có thể đoán trước được cơn đau sẽ xảy ra, thường vào những ngày trẻ hoạt động nhiều hay khi trẻ mệt mỏi, khó chịu.
Để phân biệt với tình trạng đau do bệnh lý, cha mẹ nên lưu ý nếu trẻ có những biểu hiện như sau khả năng không phải là đau tăng trưởng:
- Thứ nhất, đau tăng trưởng hầu hết xảy ra ở cả hai chân. Nếu chỉ đau một chân thì có thể đó là dấu hiệu của bệnh lý khác.
- Thứ hai, nếu thấy các khớp của trẻ có biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau thì đây là biểu hiện điển hình của viêm khớp cấp hoặc các bệnh lý về khớp, cần đưa trẻ đi khám để điều trị.
- Thứ ba, trẻ bị hạn chế vận động chi đau, bất cứ lúc nào cử động cũng thấy đau thì đó là dấu hiệu bệnh lý về xương khớp.
- Thứ tư, các dấu hiệu toàn trạng thường không kèm theo khi trẻ bị đau tăng trưởng. Nếu thấy có các dấu hiệu bất thường như sốt, chán ăn, mệt mỏi, sụt cân, kèm đau nhức cơ xương khớp thì bố mẹ cũng không nên chủ quan.
Ảnh minh họa
Khắc phục tình trạng đau nhức cơ xương khớp ở tuổi dậy thì
Bạn không nên quá lo lắng về chứng đau này, càng không được lạm dụng kháng sinh hay corticoid để điều trị vì tình trạng này không phải là bệnh thấp khớp cấp. Có thể uống paracetamol (10-15mg/kg cân nặng) sau ăn, sử dụng cách nhau 4-6h một lần khi có cơn đau. Cần hướng dẫn trẻ tăng cường tập thể dục, vận động, bổ sung các thức ăn, đồ uống giàu canxi (sữa và các sản phẩm từ sữa, hải sản...).
Ngoài ra, bố mẹ có thể giúp trẻ dễ chịu hơn bằng các cách sau:
- Mát-xa chân
- Kéo giãn các cơ của chân.
- Chườm khăn ấm lên chân đau. Chườm trước lúc đi ngủ hay khi trẻ kêu đau. Cẩn thận gây bỏng da và nên kết thúc chườm ấm khi trẻ bắt đầu ngủ được, không nên chườm khi trẻ đang ngủ.
Đồng thời bố mẹ nên khuyên trẻ có giờ nghỉ giải lao khi chơi thể thao và nên chơi nhiều môn thể thao khác nhau để tránh làm một nhóm cơ bị hoạt động quá mức.
Bài tham khảo:
Nguyên nhân và phương pháp điều trị dậy thì muộn ở nam giới.