Điều trị ung thư xương ở trẻ nhỏ thành công cao nếu được phát hiện sớm
Ung thư xương là gì
Bệnh ung thư xưa nay đa phần thường xảy ra ở các mô mềm của cơ thể, nên ít người biết rằng xương của chúng ta cũng có thể bị ung thư. Tình trạng ung thư xương xảy ra khi gen điều khiển sự phân chia tế bào bị đột biết, các tế bào ở xương phát triển không kiểm soát, hình thành khối u ở xương và có thể xâm lấn tại chỗ hay di căn xa đến các cơ quan khác nhau trong cơ thể.
Bệnh ung thư xương có nhiều loại khác nhau như; ung thư mô liên kết sụn, ung thư mô liên kết xương, ung thư mô liên kết tạo cốt bào… Điều đáng chú ý là một số dạng ung thư xương lại xảy ra chủ yếu ở trẻ em và thanh thiếu niên. Hai dạng ung thư xương ở trẻ em thường gặp là: Sarcoma xương (ung thư tế bào tạo xương) và Ewing sarcoma (ung thư mô nâng đỡ)
Trong đó, sarcoma xương là dạng ung thư xương phổ biến nhất và chiếm khoảng 5% các bệnh ung thư ở trẻ em. Thông thường, bé trai có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với các bé gái. Các khối u ác tính phát triển từ tế bào tạo xương và có thể di căn đến vị trí xa so với điểm xuất phát ban đầu trong cơ thể, thường là phổi hoặc vị trí xương khác.
Nguyên nhân dẫn đến ung thư xương ở trẻ
Ảnh minh họa
Trẻ em và thanh thiếu niên là lứa tuổi xương đang có sự phát triển, và đây cũng là độ tuổi dễ mắc bệnh ung thư xương nhất. Cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được chẩn đoán chính xác. Tuy nhiên, dựa trên thực tế lâm sàng các bác sỹ nhận thấy có những yếu tố sau đây góp phần làm tăng nguy cơ ung thư xương ở trẻ. Đó là:
- Di truyền: Một số ít trẻ mắc bệnh có thể do đột biến gen hoặc tiền sử gia đình có người bị ung thư xương.
- Ảnh hưởng bởi bức xạ như: Radium, Stronti,… là các chất phóng xạ tích lũy trong xương. Khi tiếp xúc với những chất này, trẻ rất dễ bị ung thư xương. Đồng thời, nếu trẻ thường xuyên tiếp xúc với các tia bức xạ mang năng lượng cao như tia X thì nguy cơ mắc bệnh cũng tăng lên.
- Trẻ tiếp xúc thường xuyên với các loại hóa chất độc hại, hóa chất pha trộn trong thực phẩm như các loại chất bảo quản thực phẩm, hóa chất dioxin (chất độc màu da cam)...
Triệu chứng trẻ bị ung thư xương
Dấu hiệu ở mỗi trẻ bị ung thư xương có thể khác nhau tùy thuộc vào mức độ cũng như vị trí xương có khối u. Những dấu hiệu này đôi khi dễ nhầm lẫn với những cơn đau sinh lý, đau tăng trưởng hoặc cha mẹ chủ quan khi nghĩ rằng đau do con hoạt động quá nhiều mà không kịp thời cho con đi khám bác sỹ.
- Đau nhức xương:
Đau nhức xương là một trong những dấu hiệu ung thư xương ở trẻ em. Ban đầu, cơn đau thường nhẹ và ngắt quãng. Đến khi bệnh tiến triển nặng, cơn đau sẽ xuất hiện liên tục, với mức độ tăng dần. Lúc này trẻ sẽ luôn kêu la vì đau nhức. Vào ban đêm, mặc dù cơ bắp đã được nghỉ ngơi nhưng cơn đau vẫn không thuyên giảm. Cảm giác đau nhức, khó chịu khiến trẻ không thể ngủ được. Khi vận động, cơn đau sẽ trở nên dữ dội.
- Sưng hay thấy khối u
Một dấu hiệu ung thư xương ở trẻ em khác là khối u có thể nhìn thấy rõ bằng mắt thường hoặc sưng mềm ở vị trí đau. Khối u nằm ở ngực hay xương chậu thường không được để ý cho đến khi nó phát triển lớn hơn.
Khi chạm vào khu vực u xương thường cảm thấy ấm nóng. Các khối u kèm theo đau thường thấy ở đầu trên xương chày, đầu dưới xương đùi (khu vực đầu gối), vị trí ít gặp hơn ở đầu trên xương cánh tay, tổn thương xương dẹt như xương chậu, xương bả vai.
- Giảm khả năng vận động:
Các khối u sẽ tác động đến phần khớp xương gần nó nhất. Theo thời gian, các hoạt động của khớp sẽ trở nên khó khăn, từ đó làm giảm khả năng vận động của các chi.
Trong trường hợp khối u nằm ở phần xương sống thì các dây chằng tại đây phải chịu một lực ép lớn. Lúc này, sự linh hoạt của các chi sẽ ngày càng yếu đi, nặng hơn là bị tê liệt toàn bộ chi này.
Do đó, khi thấy con mình đi lại bất thường bố mẹ nên đến gặp bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân, vì có thể đây là dấu hiệu ung thư xương ở trẻ em. Trẻ ung thư xương cũng thường có tình trạng bị gãy xương mà không rõ nguyên do
Ngoài những dấu hiệu ung thư xương ở trẻ em điển hình như trên, trẻ còn xuất hiện các biểu hiện toàn thân khác như: cơ thể mệt mỏi, sút cân nhanh, sốt cao, thường xuyên ra mồ hôi trộm,…
Tỷ lệ điều trị thành công của bệnh ung thư xương ở trẻ
Ảnh minh họa
Giống như các bệnh ung thư khác, ung thư xương cũng có tỷ lệ điều trị thành công cao nếu được phát hiện sớm và tỷ lệ này sẽ càng giảm nếu bệnh được phát hiện càng muộn. Những trẻ bị ung thư xương chưa di căn có tỷ lệ sống thêm 5 năm sau khi được chẩn đoán ước tính khoảng 60–78%. Khi ung thư xương di căn đến các bộ phận xa của cơ thể, tỷ lệ sống thêm 5 năm này giảm xuống còn khoảng 20–30%.
Các phương pháp điều trị ung thư xương ở trẻ em thường được áp dụng ở thời điểm hiện tại đó là:
- Hóa trị: Bác sĩ sẽ sử dụng các hóa chất và thuốc đặc trị để tiêu diệt các tế bào ung thư. Hóa trị có tác dụng thu nhỏ kích thước của khối u. Vì vậy, trước khi thực hiện phẫu thuật bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp này để loại bỏ khối u dễ dàng hơn.
- Phẫu thuật: Bằng các kỹ thuật ngoại khoa, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ khối u và các mô xung quanh nó. Nếu khối u nằm ở vị trí không thể cắt bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật thì cắt cụt chi chính là cách điều trị hiệu quả nhất.
- Xạ trị: Là phương pháp sử dụng các tia mang năng lượng cao như tia X để kiểm soát và ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Tuy nhiên, phương pháp này có thể để lại nhiều biến chứng cho trẻ.
Bài tham khảo: