Khi nào cần lấy nút biểu bì ống tai cho trẻ
Trường hợp nào cần lấy nút biểu bì ống tai
Nút biểu bì là một bệnh lý của ống tai ngoài, nó có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, từ trẻ em đến người lớn, tuy không nguy hiểm nhưng gây khó chịu ảnh hưởng tới sinh hoạt của người bệnh. Nút biểu bì thường bị ở một bên ống tai, chỉ có 5% số trường hợp nút biểu bì xuất hiện ở cả hai bên ống tai ngoài.
Nút biểu bì được hình thành do những mảnh tế bào chết của ống tai ngoài bong ra và kết lại thành khối. Nhiều người nhầm lẫn nút biểu bì với ráy tai nhưng đây là hai hiện tượng hoàn toàn khác nhau, cần được phân biệt đúng. Ráy tai là hỗn hợp của một loại chất kết dính có tuyến hạch nhỏ trong ống tai tiết ra, giúp bảo vệ tai khỏi các tác nhân xâm nhập.
Ảnh minh họa
Đối với trẻ nhỏ, nút biểu bì ráy tai thường nguy hiểm hơn bởi nếu bị nút biểu bì kéo dài, ảnh hưởng đến thính lực sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc học tập, tiếp thu kiến thức và phát triển kỹ năng giao tiếp của trẻ. Trẻ nhỏ không tự làm giảm sự khó chịu do nút biểu bì gây ra như ngứa tai, chảy dịch, nên đối với trẻ nhỏ trẻ sẽ thường xuyên cáu gắt, quấy khóc, đối với trẻ lớn sẽ có thể đưa vật lạ xâm nhập vào tai như que, tăm gây nguy hiểm.
Vì thế, cha mẹ cần thường xuyên quan sát, nếu thấy trẻ nhỏ thường xuyên quấy khóc, trẻ lớn thường lấy tay dụi tai hoặc kêu ngứa tai, khó chịu trong tai, ù tai, hoặc tình trạng tai bị chảy dịch thì nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa Tai- Mũi -Họng, khi này bác sỹ sẽ dùng nội soi tai để quan sát, nếu có nút biểu bì gây ra tình trạng ngứa tai khó chịu thì bác sỹ sẽ chỉ định lấy nút biểu bì cho trẻ.
Nút biểu bì ống tai không lấy có nguy hiểm hay không
Một số cha mẹ khi nghe thấy rằng nút biểu bì là tình trạng lành tính, chỉ do các mảnh tế bào chết kết lại mà thành nên có thể sẽ chủ quan, không đưa trẻ đi lấy nút biểu bì. Nhưng thực tế cho thấy rằng. nút biểu bì nếu không được lấy ra có thể gây hại đến ống tai như:
- Làm mỏng da ống tai
- Loét xương ống tai
- Thủng màng nhĩ, nút biểu bì chui vào hòm nhĩ
- Biến chứng viêm tai ngoài, nhọt ống tai ngoài gây sốt, đau nhức tai cho trẻ
- Da cửa tai hoặc sau tai bị sưng đỏ, đau và xuất hiện hạch sau tai
Thủ thuật lấy nút biểu bì ống tai
Cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở tai mũi họng để lấy mà không nên tự ý dùng tăm ngoáy tai vì rất dễ làm tổn thương da ống tai ngoài, đồng thời đẩy nút biểu bì vào sát màng nhĩ, khó khăn cho việc lấy bỏ sau này.
Làm mềm nút biểu bì: Đây là bước đầu tiên để lấy được nút biểu bì. Cần làm mềm nút biểu bì bằng cách nhỏ vào tai dầu salixylic (axit salixylic) 0,20g, dầu lạc (trung bình 20ml), mỗi ngày nhỏ 2 lần, mỗi lần 3 giọt, lấy bông đút nút cửa tai lại trong 5 ngày. Sau đó bơm nước 37oC vào tai để đẩy dị vật ra.
Nút biểu bì thường khó lấy ra hơn ráy tai cho nên đôi khi chúng ta phải dùng móc tai tù lôi ra. Nếu lấy lần đầu không ra thì nhỏ thuốc thêm vài ba hôm rồi hãy lấy tiếp. Một số trường hợp nên gây tê ống tai ngoài rồi mới lấy do nút biểu bì bám chặt vào màng nhĩ làm bệnh nhân đau và không hợp tác.
Tai biến có thể xảy ra khi lấy nút biểu bì ở tai trẻ
Ảnh minh họa
Khi lấy nút biểu bì sẽ gây đau đớn, nên đối với trẻ nhỏ, bác sỹ sẽ yêu cầu giữ chặt trẻ hoặc thậm chí sẽ phải gây mê toàn thân. Khi lấy nút biểu bì nếu trẻ giẫy dụa có thể dẫn đến rách ống tai ngoài, tổn thương ống tai, rách màng nhĩ.
Trong trường hợp lấy nút biểu bì bị chảy máu, nguy cơ viêm nhiễm ống tai là rất cao. Khi này bác sỹ sẽ cần chỉ định thuốc kháng sinh và thuốc chống viêm tại chỗ kết hợp với kháng sinh toàn thân. Cha mẹ cần lưu ý cho trẻ sử dụng thuốc đúng chỉ định để điều trị tình trạng viêm nhiễm, tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra.
Nút biểu bì cũng có thể bị tái phát hàng năm, trẻ đã từng lấy nút biểu bì nhiều lần có thể sinh ra tâm lý sợ hãi đối với việc này và không hợp tác. Do đó, để hạn chế việc nút biểu bì hình thành thì cha mẹ nên lưu ý vệ sinh tai cho trẻ bằng nước muối sinh lý và tăm bông sạch.
Bài tham khảo:
Hội chứng bất dung nạp đường Lactose ở trẻ
Bổ sung thừa sắt cho trẻ nhỏ có thể gây hậu quả gì