Lác mắt ở trẻ nhỏ: Bình thường hay bất thường?
Lác mắt ở trẻ là gì
Lác mắt là bệnh lý của mắt mà hai mắt không nhìn thẳng được và nhìn theo các hướng khác nhau. Một mắt có thể nhìn thẳng về phía trước, trong khi mắt kia nhìn vào trong, ra ngoài, lên trên hoặc xuống dưới. Sự chuyển hướng nhìn của mắt có thể cố định, hoặc tạm thời.
Bình thường, mỗi mắt có 6 cơ vận nhãn ngoại lai để điều chỉnh hoạt động của nhãn cầu bao gồm 4 cơ thẳng (cơ thẳng trên, cơ thẳng dưới, cơ thẳng trong, cơ thẳng ngoài) và 2 cơ chéo (cơ chéo bé, cơ chéo lớn). Các cơ giúp mắt di chuyển về bên phải, bên trái, lên trên, xuống dưới và xoay nhãn cầu.
Ở mắt bình thường, cả hai mắt cùng nhìn vào cùng một điểm. Sau đó, não sẽ tổng hợp hình ảnh thu được ở hai mắt thành một ảnh duy nhất là ảnh ba chiều. Hình ảnh ba chiều này sẽ cho ta thị giác tinh tế. Khi một mắt bị nhìn lệch, hai hình ảnh khác nhau ở hai mắt được chuyển đến não bộ. Ở trẻ nhỏ, não bộ học cách loại bỏ hình ảnh của mắt nhìn lệch và chỉ thấy hình ảnh ở mắt nhìn thẳng hoặc mắt nhìn rõ hơn. Sau đó, trẻ sẽ mất đi thị giác tinh tế. Người lớn bị lác thường nhìn đôi do não bộ của họ đã biết cách nhận hình ảnh từ cả hai mắt và không thể loại bỏ hình ảnh từ mắt bị lệch. Trẻ em bị lác thường không bị nhìn đôi.
Bé có thể xuất hiện tình trạng lác một bên mắt từ lúc mới sinh hoặc trong giai đoạn 1-2 tuổi (hay muộn hơn). Do hiện tượng mất cân bằng giữa 2 mắt: 2 mắt của bé hoạt động nhịp nhàng, thông qua sự chi phối của các dây thần kinh và các cơ chéo bám vào nhãn cầu. Vì một lý do nào đó, sự phối hợp này bị trục trặc. Khi ấy, mắt bé không cùng nhìn về một hướng nên xuất hiện dấu hiệu bị lác (lé).
Nguyên nhân tình trạng lác mắt ở trẻ
Do tổn thương ở dây thần kinh thị giác, trung khu thần kinh thị giác hoặc tổn thương tại cơ vận nhãn mà gây ra lác.
- Bé mắc các tật về mắt như: cận thị, viễn thị, loạn thị. Cận thị thường gây ra lác ngoài, viễn thị gây lác vào trong.
- Do bất thường ở các cơ vùng nhãn cầu.
- Bé bị tổn thương thần kinh hoặc tổn thương não.
- Mắt bé bị nhiễm khuẩn, chấn thương, đục thủy tinh thể, sụp mí…
- Lác cũng liên quan đến yếu tố di truyền. Nếu bố hoặc mẹ của bé bị lác thì cũng có khả năng bé mắc phải chứng bệnh này.
Dấu hiệu ở trẻ nhỏ bị lác mắt
Đối với những trẻ lớn hơn, khi bị lác mắt thời gian đầu chỉ có biểu hiện thông thường như:
- Bé thường nhìn lệch, nhìn nghiêng
- Quay đầu mới nhìn thấy đồ vật ở bên cạnh.
- Mắt bé không có phản ứng với ánh sáng
- Không tập trung vào một món đồ chơi.
Các cách kiểm tra khác:
- Bố hoặc mẹ đứng đối diện và nhìn thẳng vào mắt của bé. Nếu bố mẹ thấy hai mắt bé nhìn bạn không đối xứng thì rất có thể là bé bị lác.
- Bố mẹ đưa cho bé một món đồ chơi mà bé thích, quan sát kĩ khi bé nhìn món đồ chơi đó, mắt bé có bị lệch sang một bên không? Nếu có có thể trẻ đã bị lác.
Điều trị càng sớm càng tốt
Những tình trạng như lác trong, lác ngoài, lác trên, lác dưới nếu rõ sẽ dễ nhận dạng. Tuy nhiên, có một số trường hợp lác rất khó nhận biết. Để nhận biết chính xác lác ở trẻ em tương đối khó khăn, cần phối hợp nhiều biện pháp theo dõi và đo khám kỹ lưỡng ở các trung tâm nhãn khoa uy tín. Do vậy, nếu nghi ngờ hoặc phát hiện dấu hiệu lác mắt và đưa bé đi khám sớm, chữa trị càng sớm thì bé càng có cơ hội khỏi bệnh. Nếu chữa lác trước 3 tuổi, tỷ lệ thành công lên tới 92%, 6-8 tuổi là 62%. Nếu để lâu, mắt bé sẽ thành tật nên khả năng phục hồi sẽ kém.
Bác sĩ có thể băng kín một bên mắt không bị tật để giúp bé luyện tập hướng nhìn cho bên mắt còn lại. Hoặc bác sĩ chỉ định cho bé đeo một loại kính đặc biệt để chỉnh hướng nhìn cho mắt của bé. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành thêm một cuộc phẫu thuật nhỏ.
Lưu ý: Phương pháp bịt mắt khi chữa lác cho bé phải được sự chỉ định của bác sĩ. Bởi tùy tình trạng bệnh, bé có thể được bác sĩ chỉ định việc bịt mắt bằng thuốc, bằng kính hay bằng miếng vải; bịt thường xuyên hay cách quãng... Bé có thể được bác sĩ chỉ định điều trị lác mắt bằng các trò chơi như xếp hình, xâu hạt vòng để giúp bé tăng sự phối hợp tập trung của cả 2 mắt.
Bài tham khảo thêm: