Nguy hiểm việc thừa cân béo phì ở trẻ em
Nhận biết thừa cân béo phì ở trẻ
Trong suy nghĩ của rất nhiều phụ huynh ngày nay, tâm lý luôn luôn lo lắng con bị còi cọc, suy dinh dưỡng, thích con càng bụ bẫm càng tốt vẫn chiếm tỷ lệ cao. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh thường rất chủ quan, không nhận định được ranh giới giữa bụ bẫm và thừa cân béo phì ở trẻ, cũng như không hiểu hết những hậu quả của việc thừa cân, béo phì trẻ em có thể xảy ra với con, cháu mình, vì thế dẫn đến nhiều trường hợp đáng tiếc mà khi nhận ra thì đã quá muộn màng.
Ảnh minh họa
Thừa cân béo phì có thể xảy ra ở tất cả các lứa tuổi. Nhiều phụ huynh cho rằng, thừa cân chỉ là tình trạng ở người lớn, nhưng điều này là hoàn toàn sai lầm. Thậm chí, nhiều trẻ bị béo phì từ trong bào thai, hay tuổi sơ sinh. Khi trẻ có cân nặng cơ thể cao hơn số cân trung bình so với chiều cao và theo tuổi, trẻ có những lớp mỡ quanh đùi, cánh tay, trên vú và ở cằm thì cần nghĩ ngay tới tình trạng béo phì ở trẻ. Có hai cách để cha mẹ xác định trẻ thừa cân hay béo phì: Quan sát trẻ thấy thân hình to béo một cách không bình thường so với lứa tuổi (so với đa số trẻ em trong khu vực) và dùng cân đo để xác định trẻ thừa cân hay béo phì.
Nếu trẻ có chiều cao đạt mức tiêu chuẩn bình thường mà cân nặng vượt mức bình thường 25% thì trẻ đó đã bị thừa cân và có nguy cơ béo phì. Nếu trẻ có số cân nặng vượt mức bình thường 50% thì chác chắn trẻ đó đã bị bệnh béo phì.
Những nguy cơ bệnh lý có thể xảy ra ở trẻ thừa cân béo phì
Bệnh lý hệ tim mạch
Trẻ em bị béo phì có nguy cơ bị tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, dẫn đến nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, tắc mạch chi...
Bệnh lý nội tiết - chuyển hóa
Bên cạnh các bệnh lý: đái tháo đường type 2, rối loạn mỡ máu, ứ đọng acid uric gây bệnh gút… béo phì còn là tác nhân hàng đầu gây dậy thì sớm ở bé gái. Dậy thì sớm hoàn toàn không tốt cho trẻ bởi tình trạng này sẽ khiến trẻ bị hạn chế chiều cao khi trưởng thành, có ham muốn tình dục trước tuổi dẫn đến dễ bị lạm dụng, xuất hiện hội chứng buồng trứng đa nang…
Bệnh lý hô hấp
Mỡ thừa có thể làm cho đường thở gặp nhiều khó khăn, người bị béo phì rất dễ gặp chứng ngưng thở khi ngủ gây đột tử.
Bệnh lý tiêu hóa
Béo phì có thể ảnh hưởng đến đường tiêu hóa của trẻ như
Mỡ dư bám vào các quai ruột gây táo bón, dễ sinh ra bệnh trĩ.
Sự ứ đọng phân và các chất thải độc hại sinh ra trong quá trình chuyển hóa dễ sinh bệnh ung thư đại tràng.
Lượng mỡ dư tích tụ ở gan gây bệnh gan nhiễm mỡ và xơ gan.
Rối loạn chuyển hóa mỡ sinh ra sỏi mật.
Bệnh lý cơ xương khớp
Do trọng lượng cơ thể gây áp lực lên xương khớp quá lớn, trẻ dễ bị thoái hóa khớp, loãng xương, đau nhức triền miên.
Bệnh lý hệ miễn dịch
Theo nghiên cứu, những trẻ bị béo phì thường có hệ miễn dịch kém hơn những trẻ có cân nặng trong mức tiêu chuẩn, vì thế dễ bị ốm bệnh hơn bình thường.
Phòng và điều trị tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ
Ảnh minh họa
Phòng và điều trị thừa cân béo phì ở trẻ, cha mẹ cần lưu ý 2 vấn đề chính đó là chế độ dinh dưỡng và chế độ vận động của trẻ. Bởi trẻ nhỏ, đôi khi chưa ý thức được hết tình trạng cũng như sự nguy hiểm của việc béo phì, nên các bé rất khó khăn trong việc kiểm soát cơn thèm ăn cũng như việc tập luyện thể dục hàng ngày.
Chế độ dinh dưỡng
Khi trẻ có nguy cơ béo phì hoặc đã bị thừa cân béo phì, thì cha mẹ sẽ cần điều chỉnh chế độ ăn cho bé. Mỗi bữa ăn của trẻ sẽ vẫn phải có đủ 4 nhóm dinh dưỡng chính là đạm, đường, mỡ, vitamin. Tuy nhiên cha mẹ cần có sự tăng giảm phù hợp. Ví dụ như nhóm tinh bột là nhóm cung cấp năng lượng chính và dễ dẫn đến tăng cân nhất, thì cha mẹ nên giới hạn cho trẻ ở một mức độ nhất định, và việc giảm thiểu cũng nên giảm dần dần để trẻ có thể thích nghi dễ dàng. Nhóm đạm và mỡ cũng cần hạn chế và duy trì ở mức thấp hơn so với mức năng lượng mà trẻ đang có. Nhóm vitamin từ rau của quả nên được tăng cường tuy nhiên cần hạn chế hoa quả nhiều tinh bột như dưa bở, hoặc quả chứa nhiều đường.
Chế độ vận động nên lựa chọn nhứng môn thể dục thể thao phù hợp với độ tuổi của bé. Những môn thể thao như gym thường không phù hợp với trẻ nhỏ. Thay vào đó, bố mẹ nên chọn những môn thể thao vừa tiêu hao năng lượng toàn thân, vừa giúp tăng phát triển chiều cao cho bé như bơi lội, cầu lông, bóng rổ, hoặc đơn giản hơn là chạy bộ. Nếu trẻ luyện tập một mình dưới sự thúc ép của cha mẹ sẽ rất dễ nảy sinh tâm lý chán nản, áp lực, mệt mỏi. Vì thế, cha mẹ nên cùng bé tập luyện, hoặc tìm cách động viên, cổ vũ, tạo ra cuộc thi đấu cá nhân với giải thưởng nho nhỏ, điều này sẽ giúp kích thích tâm lý sẵn sàng vượt khó của trẻ, cũng như giúp bé dễ dàng đạt được mục đích, tránh bỏ cuộc giữa chừng.
Bài tham khảo