Tình trạng sặc sữa ở trẻ: Phổ biến và nguy hiểm
Sặc sữa là một tai nạn rất thường gặp ở trẻ dưới 12 tháng tuổi, đặc biệt, trẻ càng nhỏ thì tình trạng này càng diễn ra phổ biến và nguy hiểm hơn. Vì thế, cha mẹ khi chuẩn bị có con nhỏ cần tìm hiểu về tình trạng sặc sữa ở trẻ để có những kiến thức cơ bản, từ đó giúp phòng tránh và xử lý sặc sữa đúng đắn và hiệu quả.
Nguyên nhân gây sặc sữa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
- Do bản thân bé chưa linh hoạt trong việc bú và nuốt khi dòng sữa nhiều, chảy mạnh. Trẻ bú mẹ có thể do bầu sữa quá căng, đầy. Trẻ bú bình có thể gặp khi lỗ thông ở đầu núm cao su quá rộng.
- Ép trẻ bú quá nhiều, dẫn đến trớ sữa, sặc sữa.
- Vừa cho cho bé ăn trước khi bé ngủ, khi bé ngủ say rồi sẽ không nuốt sữa mà ngậm sữa trong miệng, khi thở mạnh hoặc thay đổi tư thế, bé có thể bị sặc sữa vào đường thở.
- Trẻ vừa bú mẹ vừa hóng chuyện, cười đùa sẽ làm sữa tràn vào khí quản, gây sặc sữa.
- Trẻ bị cúm, viêm đường hô hấp gây ra tình trạng ho, ngạt mũi, điều đó làm trẻ bị phân tâm khi bú, gây ra tình trạng sặc sữa
- Trẻ quá đói nên vội vàng bú sữa, bú quá nhanh sẽ dễ bị sặc, bị ọc sữa lên mũi.
Ảnh minh hoạ
Trẻ bị sặc sữa lên mũi có nguy hiểm không
Đối với việc sặc sữa, sẽ là bình thường khi trẻ bị sặc với số lượng ít, hoặc lâu lâu mới bị sặc một lần. Khi số lượng sữa tràn lên mũi ít, sẽ gây kích ứng mũi, làm mũi bị đau nhức một thời gian, khiến bé khó chịu, quấy khóc, ngừng bú mẹ.
Việc sặc sữa nhiều lần, thường xuyên lặp đi lặp lại sẽ khiến trẻ có nguy cơ gặp các bệnh lý về viêm đường hô hấp cao hơn, thậm chí là các bệnh như viêm tai giữa, bởi tai mũi họng là ba đường thông với nhau.
Khi trẻ sặc lượng sữa nhiều thì đó sẽ là một sự nguy hiểm với sức khỏe, thậm chí là tính mạng của trẻ. Sữa tràn vào đường hô hấp, gây ngạt thở, dẫn đến tử vong hoặc để lại các di chứng như tổn thương não (xuất huyết, chết não...), ngừng tim, viêm phổi (do khi hít phải thức ăn, vi trùng đường ruột được đưa lên phổi)...
Xử lý đúng cách khi bé bị sặc sữa
Bước 1: Ngay khi bé có dấu hiệu sặc sữa mẹ cần ngừng cho bé bú, sau đó để bé ngồi thẳng lên, để bé ho và đẩy sữa ra. Trẻ vẫn ho thì tức là đường thở chỉ bị tắc chút xíu. Lau sạch sữa ở miệng, mũi và các bộ phận khác. Một số phụ huynh xử lý sai lầm là để nguyên tư thế bé nằm thậm chí còn lấy tay giữ lấy cổ, ngực bé với tâm lý sợ bé bị trớ sữa nhiều hơn, nhưng như vậy chính là khiến cho sữa vào đường thở nhiều hơn, nguy hiểm cho bé.
Bước 2: Quan sát trẻ, nếu thấy trẻ khó thở, da môi, móng tay nên tím tái, bạn cần phải hút sữa từ mũi và miệng bé ngay lập tức. Bạn có thể dùng miệng của mình hút sữa ngay lập tức, càng nhanh và mạnh càng tốt. Sau đó kích thích để trẻ thở ra được bằng cách nhéo hoặc tét vào mông,đùi hoặc chân bé một cái.
Bước 3: Nếu sau khi hút mũi và miệng cho bé, nhưng bé vẫn có biểu hiện khó thở, da tím tái thì tức là sữa đã vào sâu hơn bên trong đường thở. Khi này bạn hãy dốc ngược bé lên. Hoặc đặt bé nằm úp lên cánh tay của bạn, tạo độ dốc, đầu bé hướng xuống đất, tay còn lại vỗ nhẹ vào lưng, 5 cái một. Sau mỗi đợt vỗ nên lật bé trở lại để đánh giá xem trẻ đã ọc sữa ra hết chưa và đã hít thở lại bình thường được chưa.
Ảnh minh họa
Bước 4: Nếu đến bước 3 rồi bé vẫn không có dấu hiệu thở thì khi này chứng tỏ tình trạng đã tương đối nghiêm trọng. Bạn cần thực hiện cách sơ cứu khác. Bằng cách đặt bé nằm ngửa ra, một tay giữ đầu, một tay ấn nhẹ vào ngực của bé để tạo áp lực giống như việc sơ cứu đuối nước, có thể khi đó bé sẽ tự thở được.
Bước 5: Đưa bé đi cấp cứu. Trong quá trình di chuyển để đưa bé đi cấp cứu, nếu bé vẫn chưa thở được phụ huynh vẫn tiếp tục thực hiện lặp lại bước 2,3,4 cho đến khi tới cơ sở y tế.
Phòng chống sặc sữa ở trẻ
- Cho bé bú đúng cữ, không nên để bé quá đói mới cho bú (nhất là các trường hợp bé đang ti mẹ nhưng mẹ muốn cho bé học ti bình hoặc ngược lại)
- Bế bé đúng tư thế, đầu bé nên cao hơn thân người một góc 30-40 độ để tạo độ dốc, mẹ bế bé cao đầu với tư thế thoải mái.
- Không nên để bé vừa bú vừa ngủ.
- Khi cho con bú mẹ không nên cười đùa với bé, điều này sẽ khiến bé dễ cười dẫn tới sặc sữa.
- Khi bú nếu thấy trẻ ho hoặc khóc mẹ nên ngừng ngay.
- Với những trẻ bú bình, hãy lựa chọn bình sữa với lỗ ở núm vú bình thường, đúng cỡ đúng độ tuổi, điều này giúp sữa chảy xuống nhẹ nhàng bé sẽ không bị sặc sữa.
- Bên cạnh đó, khi cho bé bú bình hãy nhớ nghiêng bình sữa 45 độ để sữa chảy xuống đầy lỗ trong núm vú, bé sẽ không phải mút nhiều khiến không khí vào dễ xảy ra tình trạng sặc sữa hoặc nôn sau khi bú.
Bài tham khảo: