Viêm lưỡi bản đồ ở trẻ
Viêm lưỡi bản đồ là gì
Bệnh viêm lưỡi bản đồ (geographic tongue) là tên gọi chỉ tình trạng trên bề mặt của lưỡi và hai bên lưỡi xuất hiện hình thái giống như bản đồ. Bệnh cũng có thể xuất hiện ở những vị trí khác của miệng. Bệnh này còn có tên gọi khác là bệnh viêm lưỡi di chuyển lành tính và ban đỏ di chuyển. Về cơ bản thì đây là bệnh lành tính, không có liên quan đến nhiễm trùng hay ung thư. Tuy nhiên, khi bệnh trở nên nghiêm trọng thì có thể dẫn đến nhiễm trùng, nứt lưỡi và cảm giác đau đớn, khó chịu. Bệnh ảnh hưởng tới khoảng 1–3% dân số và có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, bệnh cũng phổ biến ở trẻ em và nữ giới nhiều hơn.
Ảnh minh họa.
Triệu chứng của viêm lưỡi bản đồ
Thông thường, người bệnh không cảm thấy quá khó chịu. Bệnh trải qua giai đoạn nhẹ đến nặng, có thể tự khỏi và không để lại di chứng, thời gian lành bệnh có thể từ vài ngày thậm chí vài tuần và bệnh có thể tái phát.
- Tổn thương khởi phát là các mảng niêm mạc bị trợt nhẹ hơi lõm xuống, nền màu đỏ tươi, màu sắc khác biệt với vùng niêm mạc lành bên cạnh, thường bị ở cạnh lưỡi và đầu lưỡi.
- Ban đầu vết có thể nhỏ, sau lan dần ra thành vết loang lổ, viền có thể màu vàng nhạt, nhiều hình vòng cung đan xen trông như hình bản đồ, nên gọi là viêm lưỡi bản đồ.
- Thay đổi thường xuyên về vị trí, kích thước và hình dạng của tổn thương
- Khó chịu, đau hoặc cảm giác nóng rát trong một số trường hợp, thường liên quan đến việc ăn các thức ăn cay hoặc có tính axit. Tuy nhiên có nhiều người với bệnh lưỡi bản đồ không biểu hiện triệu chứng.
- Nếu không được chữa trị thích hợp và bệnh diễn biến dai dẳng thì có thể dẫn tới teo gai lưỡi, khiến niêm mạc lưỡi vùng bị tổn thương nhợt nhạt và nhẵn.
- Tổn thương viêm lưỡi bản đồ dễ bị tái diễn.
Nguyên nhân viêm lưỡi bản đồ
Hiện nay nguyên nhân gây ra tình trạng viêm lưỡi bản đồ chưa được làm rõ. Nhiều mẹ vẫn gọi bệnh là nấm lưỡi bản đồ ở trẻ em, nhưng nguyên nhân của bệnh lại không phải do nấm. Viêm lưỡi bản đồ ở trẻ em thoạt nhìn có vẻ đáng sợ nhưng lại vô hại. Bệnh có thể gây khó chịu nhẹ cho bé vì những mảng lưỡi bị viêm thường khá mẫn cảm với các loại gia vị trong thức ăn. Bệnh này không liên quan đến các bệnh có sẵn về răng miệng nhưng theo ý kiến của các chuyên gia, bệnh viêm lưỡi bản đồ ở trẻ em có liên kết chặt chẽ với bệnh vẩy nến, những bé bị dị ứng với thời tiết, bị hen suyễn hoặc bệnh eczema ở trẻ sơ sinh.
Điều trị viêm lưỡi bản đồ
Điều trị viêm lưỡi bản đồ thường là chữa trị biểu hiện. Cho trẻ ăn chế độ đảm bảo chất dinh dưỡng, nhiều rau xanh và tăng cường nước hoa quả, trái cây. Cũng nên cho trẻ thêm đồ ăn mát như bột sắn, đỗ đen,… Trường hợp không viêm loét, bội nhiễm thì trẻ không đau hoặc đau ít, nhưng khi có loét, bội nhiễm, có mủ thì sẽ đau nhiều, khi đó cần phải dùng thêm kháng sinh để chữa trị. Đồng thời tăng cường thêm một số vitamin: Vitamin C, vitamin nhóm B (B1, B2, B6),…Hạn chế ăn các loại thức ăn nhiều gia vị gây kích thích cảm giác ở lưỡi gây đau rát. Về bản chất thì viêm lưỡi bản đồ không tác động tới phát âm và tư duy, nhưng cần chữa trị triệt để để tránh teo gai lưỡi, bội nhiễm, viêm loét,…
Tuy hiếm xảy ra, những trường hợp bé bị đau, quấy khóc hoặc bỏ bú, bỏ ăn sẽ được bác sĩ cho sử dụng thuốc giảm đau tại chỗ kết hợp sử dụng một đợt thuốc kháng sinh kháng viêm để tránh tình trạng nhiễm trùng bội nhiễm. Do đó với tình trạng viêm lưỡi bản đồ cần cho trẻ đi khám nếu bệnh không tự khỏi sau khoảng 10 ngày hoặc trẻ thường xuyên quấy khóc, đặc biệt khi ăn để được bác sỹ kiểm tra về tình trạng, từ đó có những điều trị phù hợp.
Kết luận
Bệnh viêm lưỡi bản đồ không phải là bệnh lý nguy hiểm, chúng có thể tự khỏi mà không cần điều trị gì. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp tái phát nhiều lần sau khi khỏi bệnh. Việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, quan trọng là các bậc phụ huynh cần chú ý chế độ ăn uống, dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe cho trẻ sớm hồi phục.