Viêm tai giữa thanh dịch ở trẻ
Viêm tai giữa thanh dịch là gì?
Cấu tạo của tai gồm 3 phần: Tai ngoài, tai giữa,tai trong. Tai giữa bao gồm: hòm nhĩ, või nhĩ và xoang chũm. Trong đó, hòm nhĩ là bộ phận quan trọng nhất của tai, nó chứa các xương con có tác dụng dẫn truyền xung động âm thanh từ màng nhĩ vào tai trong. Vòi nhĩ là bộ phận nối tai giữa với tỵ hầu, có tác dụng cân bằng áp lực không khí của hòm tai với không khí bên ngoài. Xoang chũm là một xoang lớn nhất của xương chũm thuộc vào tai giữa vì thông với hòm nhĩ.
Có hai dạng chính là viêm tai giữa cấp tính và viêm tai giữa có dịch tiết hay còn gọi là viêm tai giữa thanh dịch.
- Viêm tai giữa cấp là trường hợp phổ biến hay gặp. Bệnh xảy ra sẽ làm tổn thương tai giữa và màng nhĩ, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến chảy dịch liên tục qua lỗ thủng màng nhĩ.
- Viêm tai giữa có dịch tiết (hay viêm tai giữa thanh dịch) là tình trạng tai giữa có dịch không nhiễm trùng trong hòm nhĩ. Bệnh thường không có các triệu chứng cơ năng rõ ràng, đôi khi người bệnh chỉ có cảm giác đầy nặng tai.
Với tất cả các trường hợp viêm tai giữa, nếu không được điều trị sớm và dứt điểm sẽ dẫn đến viêm tai giữa mạn tính, viêm tai xương chũm, có thể gây nguy hiểm như các biến chứng viêm màng não, viêm dây thần kinh số 7 gây liệt mặt, hoặc điếc, nhất là với những trường hợp trẻ chưa biết nói sẽ dẫn đến tình trạng câm-điếc, ảnh hưởng rất lớn đến học hành và tương lai của trẻ.
Ảnh minh họa
Nguyên nhân dẫn đến viêm tai giữa ở trẻ
- Do đặc thù cấu tạo tai trẻ nhỏ:Do đặc điểm cấu tạo vòi nhĩ ở trẻ em ngắn và rộng hơn ở người lớn nên vi trùng, dịch viêm vùng mũi họng dễ đi theo đường vòi nhĩ vào tai giữa gây viêm tai giữa nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virus với giai đoạn đầu là sự tiết dịch ở hòm nhĩ.
- Biến chứng sau viêm mũi họng:Như đã nói ở trê, vòi nhĩ có chức năng làm cân bằng áp suất tai giữa và áp suất không khí bên ngoài. Khi vùng mũi họng bị viêm (niêm mạc mũi họng dày lên, VA sưng to...) gây tắc cửa vòi nhĩ làm áp suất âm trong hòm nhĩ (tai giữa) tăng lên gây sự tiết dịch các tế bào niêm mạc hòm nhĩ, từ đó gây ra tình trạng tiết dịch hòm nhĩ
Triệu chứng viêm tai giữa thanh dịch
Không giống như viêm tai giữa cấp chảy mủ với biểu hiện rầm rộ có thể nhận biết bằng mắt thường, triệu chứng của viêm tai giữa thanh dịch giai đoạn đầu thường nghèo nàn hơn. Triệu chứng chính của bệnh là nghe kém, có cảm giác nặng tai, đầy tai, ù tai. Chỉ một số ít trường hợp có cảm giác đau tai, sốt, mệt mỏi, tiêu chảy kèm theo.Trẻ nhỏ chưa biết nói,thường lấy tay dụi tai, hay lắc đầu. Trẻ lớn có thể nghe kém,thường xuyên hỏi lại vì chưa nghe được rõ. Vì thế, bố mẹ cần lưu ý nếu thấy trẻ có hiện tượng nghe kém hơn trước nên đưa trẻ đi khám ở các cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để được làm các phương pháp chẩn đoán viêm tai giữa thanh dịch.
Chẩn đoán và điều trị viêm tai giữa thanh dịch ở trẻ
Chẩn đoán
- Hỏi tiền sử bệnh:Bác sĩ sẽ xem tiền sử bệnh tình của bé và thực hiện thăm khám để kiểm tra màng nhĩ.
- Thăm khám: Bác sĩ dùng ống soi để nhìn vào bên trong tai và thổi không khí vào trong ống tai để kiểm tra chuyển động của màng nhĩ (không gây cảm giác đau). Bác sĩ có thể chỉ định làm thêm một số xét nghiệm để loại trừ nhiễm trùng hoặc giảm thính lực.
Điều trị
Kế hoạch điều trị có thể khác nhau tùy từng trẻ và bác sĩ sẽ thảo luận với bạn về phương pháp điều trị phù hợp nhất với trường hợp của bé.
Nội khoa:
Phương pháp điều trị dùng steroid, kháng sinh, thuốc thông mũi hoặc thuốc có thành phần kháng histamine đều không được khuyến cáo sử dụng vì người ta không chắc chắn về tác động lâu dài của phương pháp điều trị này và chúng có thể gây ra tác dụng phụ đáng kể. Kỹ thuật autoinflation không chỉ rất hữu ích, mà còn ít nguy cơ và là phương pháp điều trị không phải phẫu thuật, ít tốn kém nhưng không kém hiệu quả.
Ngoại khoa:
Đặt ống thông khí. Nếu trẻ bị viêm tai giữa thanh dịch kéo dài hơn 4 tháng, thường xuyên bị viêm tai hoặc suy giảm thính lực ảnh hưởng đến việc học, bác sĩ có thể chỉ định đặt ống thông khí tại màng nhĩ.
Phòng bệnh viêm tai giữa thanh dịch ở trẻ
Viêm tai giữa thanh dịch là bệnh lý thứ phát sau đợt nhiễm trùng đường hô hấp trên như viêm mũi họng, viêm amidan hay sau đợt viêm VA mạn tính.
Do đó để phòng bệnh cho trẻ khi bị viêm mũi họng nên điều trị tích cực để tránh biến chứng viêm tai (đặc biệt lưu ý những trẻ có tiền căn viêm VA); giữ vệ sinh vùng mũi, họng; giữ ấm cổ cho trẻ; tránh cho trẻ tắm đêm; sử dụng quạt ngủ không để luồng gió thẳng vào mặt trẻ, sử dụng máy lạnh luôn giữ nhiệt độ phòng từ 26 - 28 độ C, tránh lạnh quá, dễ gây viêm họng và viêm phế quản. Ngoài ra cần cho trẻ ăn đầy đủ dưỡng chất, vitamin để tăng sức đề kháng cho trẻ.