Nhiễm trùng máu ở trẻ: Bệnh nguy hiểm, chớ nên coi thường!
Nhiễm trùng máu là gì
Nhiễm trùng máu (hay còn gọi là nhiễm khuẩn huyết) ở trẻ em là hiện tượng vi khuẩn xâm nhập vào đường máu của trẻ gây nhiễm trùng. Đây là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, nếu không phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời có thể biến chứng nặng nề, gây tử vong cho trẻ.
Trẻ nhiễm trùng máu thường bắt đầu với biểu hiện sốt. Ảnh minh họa
Nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng máu ở trẻ
Nhiễm trùng máu có thể gặp ở mọi trẻ em, đặc biệt là trên thể trạng của trẻ có tổn thương ngoài da như viêm da, mụn nhọt, các ổ áp-xe, viêm phổi, tiêu chảy do vi khuẩn đường ruột, viêm màng não mủ... Nguyên nhân của tình trạng này thường do các loại vi khuẩn như Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, E.coli, Klebsiella, Pseudomonas...
Triệu chứng trẻ nhiễm trùng máu
Trẻ em mắc nhiễm trùng máu thường có những triệu chứng như sau:
- Rối loạn thân nhiệt: sốt cao trên 38 độ C hoặc dưới 36 độ C;
- Nhịp tim đập nhanh hơn trên 90 nhịp/phút;
- Nhịp thở nhanh hơn trơn 20 nhịp/ phút;
- Tiêu chảy, nôn mửa
Triệu chứng của các trường hợp nhiễm trùng máu nặng:
- Có lượng nước tiểu trung bình giảm mạnh;
- Có tình trạng tâm thần không ổn định;
- Số lượng tiểu cầu trong máu giảm;
- Khó thở;
- Loạn nhịp tim;
- Có biểu hiện đau vùng bụng;
- Bị sốc nhiễm trùng (mạch nhanh, huyết áp tụt, thở nông, hôn mê...)
Biến chứng của nhiễm trùng máu là gì
Trẻ có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm khi bị nhiễm trùng máu
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất dễ bị nhiễm khuẩn huyết. Bệnh có diễn tiến nặng trong khoảng thời gian rất nhanh, tiên lượng khó lường trước, tỷ lệ tử vong rất cao. Các triệu chứng lâm sàng của nhiễm khuẩn huyết trẻ sơ sinh thường rất đa dạng, phức tạp nhưng không đặc hiệu do dễ nhầm lẫn với các bệnh lý bẩm sinh như suy tim, suy hô hấp, rối loạn chuyển hóa,….
Nhiễm trùng huyết đang gieo rắc cái chết cho hàng triệu trẻ em bởi các biến chứng khôn lường như:
- Biến chứng nguy hiểm nhất phải kể đến đầu tiên do nhiễm trùng máu là sốc nhiễm khuẩn, biến chứng này có thể gây suy hô hấp, suy tim, đột quỵ, suy các cơ quan và tử vong, kể cả khi đã được điều trị tích cực.
- Biến chứng thứ 2 phải kể đến là hiện tượng tăng đông máu, cụ thể, Fibrinogen (một protein rất cần thiết cho sự hình thành cục máu đông) sẽ được chuyển thành Fibrin, tạo nên các cục máu đông trong vi tuần hoàn làm nặng nề thêm tổn thương tại các cơ quan. Nhiễm trùng máu làm giảm nồng độ của protein C, protein S, antithrombin III và TFPI, những yếu tố có tác dụng điều hòa quá trình đông máu.
Khi hiện tượng này xảy ra có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu, tắc mạch ở các cơ quan, trẻ có thể tử vong nếu bị nhồi máu phổi, máu não, thiếu máu cơ tim…
- Không chỉ vậy, nhiễm khuẩn huyết còn dẫn đến nguy cơ suy đa tạng. Đây là biến chứng rất nặng, người mắc trường hợp này phải được điều trị tích cực, lọc máu liên tục, thậm chí phải thở máy để thay thế các chức năng của gan, thận đang bị suy giảm nghiêm trọng.
Trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng máu có tỷ lệ tử vong cao, lên tới 20-50%. Nhiễm khuẩn huyết là căn bệnh luôn nằm trong “top” nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở các nước đang phát triển
Xử lý khi trẻ có biểu hiện nhiễm trùng máu
Ngay khi trẻ có những biểu hiện bất thường kể trên, cha mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện gần nhất. Tại đây các bác sỹ sẽ làm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh và tiến hành điều trị theo đúng phác đồ. Các xét nghiệm thường được chỉ định trong trường hợp trẻ sốt cao nghi ngờ nhiễm trùng máu là xét nghiệm cơ bản (công thức máu ± CRP) và nếu bị nhiễm trùng máu thì kết quả có tình trạng phản ứng của cơ thể đối với hiện tượng viêm nhiễm (bạch hầu tăng cao, CRP tăng...). Bệnh nhân sẽ được nhập viện và làm thêm một số xét nghiệm khác để xác định nơi bị nhiễm trùng ( họng, tai, đường tiêu hoá, đường tiểu...) và tùy nguyên nhân nhiễm trùng là gì và khả năng đáp ứng với điều trị với kháng sinh mà thời gian điều trị khác nhau.
Thời gian điều trị nhiễm trùng máu khoảng 7-14 ngày nếu đáp ứng tốt, trẻ có thể xuất viện và sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, một số ít bé không đáp ứng phải được tầm soát thêm một số xét nghiệm chuyên sâu hơn và thời gian điều trị sẽ kéo dài hơn.
Cụ thể hơn, phác đồ điều trị nhiễm trùng máu thường là:
+Tiêu diệt mầm bệnh bằng kháng sinh thích hợp
+ Điều chỉnh các rối loạn (các loại thuốc chống viêm, chống chảy máu, chống đông máu, nâng huyết áp...)
+ Nâng cao hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng.
Các bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ dùng thuốc kháng sinh đặc hiệu, thuốc vận mạch để tăng khả năng tuần hoàn máu. Những trẻ bị nặng hơn cần phải tiến hành lọc máu, thở oxy…
Phòng ngừa nhiễm trùng máu ở trẻ
-Tiêm phòng vắc xin đầy đủ và đúng quy định cho trẻ
-Chăm sóc trẻ khoa học, đảm bảo vệ sinh và dinh dưỡng
-Không áp dụng những cách chữa bệnh dân gian, truyền miệng không có cơ sở khoa học để chữa bệnh cho trẻ.
-Cho trẻ đi khám ngay khi thấy có những triệu chứng bất thường
Bài tham khảo
Bệnh viêm màng não do não mô cầu ở trẻ và lợi ích của việc tiêm phòng vắc xin