Những sai lầm thường gặp khi xử lý trẻ sốt cao
Phân loại sốt ở trẻ
Sốt là tình trạng tăng thân nhiệt của cơ thể ở trên mức bình thường (Nhiệt độ bình thường của cơ thể dao động từ 36,5-37,5 độ C).Bản chất của sốt chính là một phản ứng bảo vệ cơ thể của hệ miễn dịch trước các tác nhân gây bệnh. Như vậy sốt là một phản ứng có lợi cho cơ thể. Tuy nhiên đối với trẻ em bị sốt thường nguy hiểm hơn và có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ. Do đó, với trẻ bị sốt, cần chú trọng hơn rất nhiều
Có thể đo nhiệt độ cơ thể cho trẻ tại nách, miệng, hậu môn, tai, trán/thái dương. Nhiệt độ đo ở trực tràng- hậu môn được coi là chính xác nhất, tuy nhiên đa phần ngày nay sử dụng nhiệt kế đo nhiệt độ tại nách.
Phân loại sốt theo nhiệt độ như sau:
- Sốt nhẹ 37,5- dưới 38 độ
- Sốt vừa 38- dưới 39 độ
- Sốt cao 39- dưới 40 độ
- Sốt rất cao từ 40 độ trở lên
Nguyên nhân và biến chứng sốt cao ở trẻ
Nguyên nhân gây sốt ở trẻ
Các tác nhân gây sốt ở trẻ em cũng rất đa dạng, tuy nhiên chúng được chia thành 2 nhóm chính là sốt do virus và sốt do vi khuẩn. Đối với tình trạng sốt do virus thường là bị lây nhiễm từ người khác qua đường hô hấp, tiêu hóa là phổ biến nhất. Khi bị sốt do virus thường có triệu chứng sốt cao đột ngột, thường kéo dài khoảng 7 ngày.
Trong khi đó, sốt do vi khuẩn thường chiếm một phần nhỏ hơn trong các trường hợp trẻ bị sốt. Khác với virus, tác nhân vi khuẩn có thể gây xuất hiện sốt từ từ, và thường là sốt vừa, có thể kèm theo các dấu hiệu nhiễm trùng ví dụ nhiễm trùng tại mắt gây ra tình trạng chảy nước mắt, chảy mủ (dử mắt), mắt đỏ hoặc nhiễm trùng tại tai-mũi-họng gây ra tình trạng ho,hắt hơi, khò khè, chảy nước mũi. Tương tự, việc nhiễm trùng có thể xảy ra ở răng miệng, đường tiêu hóa...với những biểu hiện điển hình tùy từng loại.
Biến chứng sốt cao ở trẻ
Những trường hợp sốt cao và kéo dài có thể đưa đến các triệu chứng nghiêm trọng khác như mất nước,điện giải, nhịp tim nhanh. Tuy nhiên, biến chứng đáng sợ nhất là sốt cao co giật, chiếm khoảng 3-4%, phổ biến nhất ở những trẻ dưới 5 tuổi. Một số trường hợp sốt cao co giật gây ra các tổn thương thực thể ở hệ thần kinh, ảnh hưởng đến sự phát triển về trí não sau này của trẻ.
Các bước xử lý khi trẻ bị sốt
Xác định nhiệt độ của trẻ bằng nhiệt kế. Sau khi đã xác định được nhiệu độ hiện thời của trẻ, thì sẽ tùy vào nhiệt độ đó mà có cách xử lý khác nhau.
- Đối với các trường hợp sốt nhẹ:
Những trường hợp trẻ sốt nhẹ chủ yếu là theo dõi. Có thể cho trẻ mặt quần áo mỏng trong thời tiết mùa hè, cởi bớt quần áo ấm trong thời tiết lạnh, và cho trẻ nằm ở phòng kín gió, nếu lạnh hơn có thể đắp chăn mỏng. Theo dõi thân nhiệt mỗi 4 giờ. Tăng cường cho trẻ uống nhiều nước hoặc bú mẹ.
- Đối với các trường hợp sốt vừa:
Xử lý bước 1 giống với trường hợp sốt nhẹ
Cho trẻ dùng thuốc hạ sốt: Chỉ sử dụng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ từ 38 độ C trở lên. Trên thị trường có nhiều thuốc hạ sốt có thể sử dụng cho trẻ, trong đó các thuốc có chứa hoạt chất Paracetamol là thông dụng và an toàn nhất. Liều lượng sử dụng cho trẻ là từ 10-15mg/ kg cân nặng của trẻ. Có thể sử dụng thuốc đường uống hoặc đặt hậu môn, tuy nhiên khuyến khích cho trẻ dùng thuốc bằng đường uống.
Lau mát cho trẻ bằng nước ấm. Sử dụng 5 khăn ướt nhỏ: 4 khăn đặt ở hai bên nách và hai bên bẹn, 1 khăn dùng để lau khắp người. Thay mỗi 2-3 phút. Ngưng lau khi nhiệt độ bé xuống dưới 38 độ C. Sau đó nhớ lau khô và cho bé mặc lại đồ mỏng. Có thể tắm cho bé bằng nước ấm. Nên dùng nước ấm có nhiệt độ thấp hơn 2 độ C so với thân nhiệt trẻ.
- Đối với các trường hợp sốt cao hay sốt rất cao
Sử dụng các biện pháp hạ nhiệt như trên để hạ sốt tạm thời và nhanh chóng đưa trẻ khám tại cơ sở y tế.
Những sai lầm thường gặp khi xử lý trẻ bị sốt
Sờ người nóng là bị sốt
Nhiều cha mẹ thường ngại việc kẹp nhiệt độ cho con, mà thay vào đó là sử dụng lòng bàn tay, mu bàn tay sờ lên tràn của trẻ. Việc sờ như vậy, đúng là có thể cảm nhận nhiệt độ cơ thể trẻ, nhưng lại không thể phát hiện chính xác việc trẻ sốt ở mức độ nào, từ đó có thể dẫn đến việc xử lý không đúng với tình trạng của trẻ. Do đó, việc dùng tay sờ lên tràn của trẻ, chỉ dùng trong những trường hợp nhận định sơ bộ bước đầu tiên, sau đó vẫn nên dùng nhiệt kế để đo lại cho chính xác.
Sai lầm trong việc sử dụng thuốc hạ sốt
Nhiều phụ huynh có tâm lý là khi trẻ bị sốt thì nhất định phải dùng thuốc, thực ra điều này là không đúng. Thuốc hạ sốt chỉ nên sử dụng cho những trường hợp từ 38 độ C trở lên. Khi sử dụng nên sử dụng paracetamol hàm lượng 10-15mg/kg cân nặng là an toàn nhất cho trẻ. Không nên tự ý kết hợp nhiều loại thuốc hạ sốt với nhau, vì có thể gây ra tác dụng phụ nặng nề hơn như hại gan-thận, hại dạ dầy của trẻ. Các thuốc hạ sốt khác ngoài paracetamol cần được sử dụng theo chỉ định của bác sỹ.
Chườm nước lạnh hoặc nước nóng cho trẻ
Không sử dụng nước lạnh hoặc nước quá nóng để chườm cho trẻ, vì có thể gây ra những phản ứng ngược, như sốc nhiệt, hoặc sốt càng tăng cao, không hạ sốt được. Nên chườm ấm cho trẻ, với nhiệt độ nước chườm thấp hơn nhiệt độ cơ thể 2 độ C.
Sử dụng rượu, chanh chà xát lên người trẻ
Đó là các mẹo dân gian rất hay được sử dụng tại các vùng quê. Tuy nhiên sử dụng rượu, chanh có thể dẫn đến trẻ bị ngộ độc methanol hoặc tổn thương da của trẻ. Việc cạo gió đánh cảm thường cũng không làm hạ sốt được cho bé mà ngược lại nếu không đúng cách có thể làm tình trạng sốt nặng hơn
Không bù nước cho trẻ
Khi bị sốt, nước và muối khoàng bị mất đi một lượng lớn, việc không bù nước cho trẻ sẽ dẫn đến rối loạn lưu lượng tuần hoàn, rối loạn điện giải, ảnh hưởng đến tất cả hoạt đông của các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là não, tim. Ngoài ra cơ thể cũng bị mất đi năng lượng và các Vitamin tan trong nước. Nên bù lại bằng cách cho trẻ uống nhiều nước, đặc biệt tốt là các loại thức uống bổ sung điện giải như oresol, hoặc các loại nước ép trái cây giàu chất dinh dưỡng, hay uống các loại thuốc bổ đa sinh tố, trong đó cần nhất là Vitamin C và Vitamin nhóm B.
Các bài tham khảo