Sốt xuất huyết ở trẻ
Nguyên nhân gây bệnh và các yếu tố nguy cơ
- Sốt xuất huyết là bệnh lây truyền qua muỗi đốt. Muỗi vằn Aedes aegypti là vật trung gian truyền bệnh. Nó hút máu người mang virus sốt xuất huyết Dengue và sau đó chích người khác và truyền virus gây bệnh này.
- Trẻ từ 1-15 tuổi đều có nguy cơ bị bệnh, nhất là ở độ tuổi từu 5-9 tuổi
Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Sốt cao nhiệt độ 39- 40ºC, sốt kéo dài 2-7 ngày, sốt kèm các triệu chứng: Mệt mỏi, chán ăn, đau bụng ở thượng vị hoặc hạ sườn phải, đôi khi nôn, gan to, đôi khi da xung huyết hoặc có phát ban.
Hiện tượng xuất huyết: Thường xuất hiện vào ngày thứ 2 của bệnh:
- Các biểu hiện xuất huyết tự nhiên hoặc xuất huyết khi tiêm chích sẽ thấy bầm tím quanh nơi tiêm
- Xuất huyết ở niêm mạc: Chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới màng tiếp hợp, đi tiểu ra máu.
- Xuất huyết tiêu hóa: Nôn ra máu, đi đại tiện ra máu. Khi có xuất huyết tiêu hóa nhiều Hội chứng thần kinh: đau người, đau đầu, đau quanh hố mắt; trẻ em nhỏ sốt cao, đôi khi co giật, hốt hoảng.
- Xuất huyết ngoài da: Biểu hiện như các chấm xuất huyết, vết bầm tím, rõ nhất là xuất huyết ở mặt trước 2 cẳng chân, mặt trong 2 cẳng tay, gan bàn tay, lòng bàn chân.
Nặng hơn trẻ có thể bị truỵ tim mạch (sốc): Tay chân lạnh, người lừ đừ, kêu mệt. Triệu chứng này thường xuất hiện vào ngày thứ ba đến ngày thứ năm của đợt sốt.
Biến chứng
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Có đến ¼ bệnh nhân có biến chứng sốc, xuất huyết tiêu hóa và tỉ lệ tử vong do sốc khoảng 2- 3%. Nguyên nhân dẫn đến tử vong:
- Thứ nhất là trẻ bị thoát huyết tương, tụt huyết áp, bị thoát nước quá nhiều và phát hiện muộn.
- Thứ hai là người bệnh bị xuất huyết bất thường, ngoài giảm tiểu cầu còn giảm yếu tố đông máu, suy hô hấp, suy một số chức năng như gan, thận, tim, hô hấp, rối loạn thần kinh... và suy đa phủ tạng dẫn tới tử vong.
- Thứ ba là bệnh nhân yếu, tụt huyết áp, đo không thấy huyết áp và tử vong ngay mà không có xuất huyết.
Điều trị
Khi phát hiện trẻ bị sốt xuất huyết, gia đình cần:
- Theo dõi nhiệt độ của trẻ. Nếu trẻ sốt trên 38.5 độ C thì cần hạ sốt cho trẻ bằng cách chườm khăn ấm và uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.
- Cho trẻ uống nhiều nước. Loại nước được khuyến khích cho trẻ uống là nước lọc, nước sôi nguội, nước trái cây: nước cam, nước chanh, hay Oresol 1 gói pha 1 lít nước chín uống dần.
- Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay nếu thấy có dấu hiệu nặng như chảy máu cam, lừ đừ, kêu đau bụng.
- Nếu nhà xa, cần đưa trẻ đến trạm y tế gần nhất. Tại đây, trẻ có thể được truyền dịch theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế và nếu cần sẽ chuyển đến bệnh viện sau.…
Phòng bệnh
Ảnh minh họa: Nguồn internet
- Diệt muỗi và con lăng quăng bằng hương muôi, thuốc xit. Loại bỏ triệt để môi trường muỗi sinh sôi, phát triển. Đổ nước trong các vật dụng chứa nước không cần thiết, tránh để đồ đạc lộn xộn hoặc để nhiều đồ vào chỗ tối tạo khe hở cho muỗi trú ngụ
- Cần buông màn khi ngủ với cả trẻ và người lớn. Mặc quần áo dài tay cho trẻ phòng tránh muỗi đốt.
Hiện tại chưa có vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết cũng như thuốc điều trị đặc hiệu căn bệnh này, do vậy biện pháp phòng bệnh diệt trừ muỗi và ấu trùng muỗi là rất quan trọng. Khi trẻ có các dấu hiệu của sốt xuất huyết, cha mẹ cần lưu ý cách chăm sóc trẻ và đưa trẻ đến các cơ sở y tế để điều trị thích hợp. Bệnh nếu không được điều trị có thể gây biến chứng sốc, xuất huyết ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ