Chăm sóc trẻ sứt môi hở hàm ếch.
Tật sứt môi hở hàm ếch ở trẻ là gì?
Đây là 2 dị tật bẩm sinh ở vùng hàm mặt thường gặp ở trẻ em. Sứt môi là dị hình bẩm sinh có một khe hở ở một bên môi hoặc cả hai bên đường giữa môi trên, khe này có thể kéo dài từ môi trên đến lỗ mũi thì dừng lại. Sứt môi xảy ra khi các mô tạo thành môi trên của trẻ sơ sinh không dính liền với nhau được. Hở hàm ếch là khoảng hở ở giữa vòm miệng và khoang mũi. Dị tật này xảy ra khi cấu trúc vòm miệng của trẻ sơ sinh không thể đóng khít một cách bình thường, tạo nên một lỗ hổng ở trên vòm miệng, thông với ống mũi.
Dị tật sứt môi, hở hàm ếch thường được chia thành 3 dạng, bao gồm: Sứt môi nhưng không bị hở hàm ếch, hở hàm ếch nhưng không sứt môi và vừa bị sứt môi vừa bị hở hàm ếch.
Ảnh minh họa.
Nguyên nhân dẫn đến dị tật sứt môi, hở hàm ếch là gì?
Hiện nay, các bác sĩ vẫn chưa biết được nguyên nhân chính xác khiến trẻ mắc phải dị tật sứt môi, hở hàm ếch là gì. Tuy nhiên, họ cho rằng, căn bệnh này xảy ra là do sự kết hợp giữa yếu tố gen (di truyền ) và yếu tố môi trường.
- Bị di truyền từ bố mẹ hoặc người thân trong gia đình.
- Trong thời gian mang thai, bà mẹ tùy tiện sử dụng các loại thuốc.
- Mẹ bầu sống trong môi trường bị ô nhiễm, tiếp xúc nhiều với hóa chất độc hại.
- Hút nhiều thuốc lá và sử dụng các chất có chứa cồn trong thời gian mang thai.
- Chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi không khoa học trong suốt quá trình mang thai.
- Mẹ bị cảm cúm trong 3 tháng đầu thai kì.
Những bệnh thường gặp ở trẻ sứt môi hở hàm ếch?
- Trẻ bị sứt môi hay hở hàm ếch cũng gặp nhiều khó khăn khi ăn uống, bú mớm do thường bị sặc.
- Nhiều trẻ bị sứt môi hay hở hàm ếch đặc biệt dễ bị nhiễm trùng tai do vệ sinh vùng khoang miệng khó khăn hơn và vi khuẩn ở vùng hầu họng dễ xâm nhập lên gây viêm
- Trẻ bị sứt môi hở hàm ếch dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhất là khi ảnh hưởng của thời tiết lạnh, khô.
- Nếu không được phẫu thuật sớm sẽ ảnh hưởng đến cách phát âm gây nói ngọng.
Cách chăm sóc đặc biệt cho trẻ sứt môi hở hàm ếch?
- Cho trẻ bú mẹ là cách nuôi dưỡng tốt nhất. Trẻ cần được giữ ở tư thế ngồi hoặc hơi thẳng đứng, tư thế này sẽ giúp hạn chế sữa mẹ chảy vào trong mũi và làm trẻ bị sặc. Có hai tư thế mà bà mẹ có thể chọn khi cho con bú:
Tư thế cho bú thứ nhất: Trẻ được đặt ngồi trên giường hoặc trên gối, lưng của trẻ được đặt tựa trên cẳng tay của mẹ và đầu của trẻ được đỡ bởi lòng bàn tay kia của mẹ.
Tư thế bú thứ hai: Trẻ được đặt ngồi trong lòng mẹ, mặt quay về phía mẹ, hai chân của trẻ giạng ra trên bụng mẹ.Ở cả hai tư thế cần lưu ý để vú mẹ không đè ép lên mũi trẻ làm trẻ không thở được. Khi cho bú nên để vị trí đầu trẻ quay sang bên phải trong lần bú này và quay sang bên trái trong lần bú khác
- Đôi khi bà mẹ phải vắt sữa vào ly và cho trẻ uống sữa bằng thìa. Để tránh sặc khi cho trẻ ăn bằng thìa nên cho trẻ ngồi ở tư thế đặt dọc một chiếc gối lên thành gường, dựa người bé trên đó, đầu hơi đưa về phía trước một chút. Nếu cho trẻ bú bình, cũng cần giữ cho trẻ ở tư thế này, núm vú nên đặt vào phần miệng có mô lành (phần không bị khe hở). Giữ trẻ ở tư thế ngồi, dùng loại núm vú đục lổ hơi lớn và cho dòng sữa chảy về phía bên miệng. Khó khăn duy nhất là phải kiên nhẫn và mất thời gian. Chỉ trong một vài trường hợp thật đặc biệt, người ta mới đặt một khí cụ bằng nhựa lên khe hở hàm ếch để giữ cho thức ăn hoặc sữa không bị sặc lên mũi. Nhiều khi cũng thiết kế vài loại núm vú đặc biệt riêng. Hiện nay người ta đã sản xuất các bình sữa với núm vú đặc biệt có thể giúp trẻ bú dễ hơn. Trong một số trường hợp, trẻ mắc bệnh sứt môi hay hở hàm ếch có thể phải cần đến vòm miệng giả để giúp trẻ có thể ăn uống.
- Giống như tất cả các cháu bé bình thường khác, giữ vệ sinh răng miệng cho bé bị khe hở hàm ếch rất quan trọng. Sau mỗi lần ăn nên súc miệng với một lượng nước ít để làm sạch thức ăn thừa đóng trong miệng nhất là các vị trí môi và niêm mạc quanh khe hở. Tuy nhiên lưu ý khi vệ sinh cho trẻ, nên lau mặt và miệng cho trẻ bằng khăn vải mềm và ướt, dùng bông tẩm nước sạch để lau vùng khe hở môi cho trẻ. Không nên dùng gạc vải, hay ống tiêm xịt nước để chùi rửa khe hở môi (hàm) vì có thể gây tổn thương cho trẻ trên các vùng này.
- Giải quyết việc sặc sữa qua mũi ở trẻ bị sứt môi hở hàm ếch là vấn đề khiến nhiều cha mẹ băn khoăn lo lắng và không biết làm thế nào. Nhiều khi ngay cả cho trẻ bú đúng tư thế, hiện tượng sặc sữa qua mũi vẫn xảy ra. Mẹ của trẻ không nên quá lo lắng về việc này vì việc sặc sữa luôn luôn xảy ra vào thời gian đầu, điều này không gây hại gì cho trẻ và sẽ giảm dần theo thời gian khi trẻ lớn dần. Khi xảy ra sặc sữa, cho trẻ ngừng bú, để cho trẻ một vài giây để ho hoặc hắt hơi. Thời gian ngắn nghỉ bú này sẽ giúp trẻ làm sạch mũi và cho phép trẻ tiếp tục bú trở lại.
Điều trị sứt môi hở hàm ếch:
Điều trị sứt môi hở hàm ếch bằng phẫu thuật là biện pháp điều trị đang được áp dụng hiện nay. Tùy thuộc vào thể trạng và mức độ dị tật của từng trẻ mà bác sỹ sẽ lựa chọn thời gian mổ thích hợp. Tuy vậy, thông thường thời điểm mổ sẽ là
- Phẫu thuật vá môi khi trẻ đạt 3 tháng tuổi trở lên và có cân nặng ≥ 5kg.
- Phẫu thuật vá vòm khi trẻ đạt 12 tháng tuổi trở lên và có cân nặng ≥ 10kg.