Công thức tính cân nặng chuẩn cho trẻ.
Tại sao bố mẹ nên biết cân nặng chuẩn của trẻ?
Bất cứ ai cũng có thể hiểu một cách đơn giản rằng dinh dưỡng có tầm quan trọng như thế nào đối với sự phát triển cơ thể, vấn đề dinh dưỡng đối với trẻ lại càng quan trọng hơn, bởi dinh dưỡng còn đóng vai trò quyết định thể trạng của bé, cũng như sự phát triển của trẻ về sau. Ngược lại, nếu để cho tình trạng suy dinh dưỡng xảy ra sẽ kéo theo hàng loạt những hậu quả xấu về tinh thần, trí tuệ và thể chất con người.
Ảnh minh họa.
Công thức tính cân nặng chuẩn cho trẻ?
Dưới 1 tuổi:
Đối với trẻ sơ sinh đủ tháng, mức cân nặng bình thường từ 2,8 kg đến 4kg. Tuy nhiên, cân nặng của trẻ sẽ giảm từ 5 – 10% trong vòng 10 ngày đầu sau sinh. Đây là một hiện tượng giảm cân sinh lý bình thường bởi khi sống trong bụng mẹ, cơ thể trẻ chứa một lượng nước. Khi ra ngoài môi trường, lượng nước thoát bớt qua nước tiểu và phân su. Ngoài ra, sự thay đổi về môi trường, cách cung cấp dinh dưỡng cũng là nguyên nhân khiến bé “gầy đi”.
Sau khoảng từ 10 – 15 ngày được cung cấp chế độ dinh dưỡng đầy đủ, trẻ sẽ nhanh chóng lấy lại cân nặng lúc sinh. Có những trẻ hấp thụ dinh dưỡng tốt, chỉ cần 10 ngày để khôi phục lại cân nặng.
Trong 3 tháng đầu, trung bình mỗi tháng trẻ có thể tăng từ 1 – 1,2 kg mỗi tháng. Từ 3 – 6 tháng, cân nặng của trẻ tăng tầm 0,6 kg mỗi tháng. Giai đoạn từ 6 – 12 tháng giai đoạn này sự tăng cân của trẻ chậm lại hơn, mức tăng từ 0,3 – 0,4kg mỗi tháng.
Trong năm đầu tiên phát triển của trẻ có 3 cột một cân nặng của trẻ mẹ cần nhớ là 2 tuần sau sinh hồi phục cân nặng bằng lúc sinh, 5-6 tháng sau sinh cần đạt gấp đôi cân nặng, 1 tuổi cần đạt gấp 3 cân nặng.
Trên 1 tuổi:
Đối với trẻ từ 1 đến 10 tuổi, trẻ phát triển khoẻ mạnh, cân nặng đạt yêu cầu là có thể tăng từ 2 – 2,5 kg mỗi năm. Các bác sỹ cũng đã nghiên cứu và đưa ra công thức tính cân nặng chuẩn phù hợp với trẻ em Việt Nam như sau:
Công thức tính cân nặng của bé trai: X = 9,5kg + 2(N-1)
Trong đó: 9,5kg là cân nặng trung bình lúc 1 tuổi, 2 là số cân nặng tăng trung bình 1 năm, N là số tuổi.
Công thức tính cân nặng của bé gái: X = 9kg + 2(N-1)
Trong đó: 9 kg là cân nặng trung bình của bé gái lúc 1 tuổi, N là số năm.
Công thức tính chiều cao như sau: X = 75 + 5(N-1)
Trong đó: 75 cm là chiều cao chuẩn lúc trẻ 1 tuổi, 5cm là chiều cao mà trẻ tăng được mỗi năm, N là số năm.
Các biện pháp cần làm để điều chỉnh cân nặng cho trẻ?
Nếu bé nhẹ cân hơn so với tiêu chuẩn cần thiết thì bố mẹ cần tìm nguyên nhân khiến trẻ tăng cân chậm để có thể có điều chỉnh cho trẻ. Nguyên nhân làm cho trẻ không tăng cân hoặc chậm tăng cân thường gặp là:
- Ăn chưa đủ, thiếu chất, bú mẹ không đủ, ăn ít bữa, thức ăn của trẻ nghèo dinh dưỡng, thiếu dầu mỡ (nên không hấp thụ được chất dinh dưỡng) không đủ năng lượng cho trẻ hoạt động và phát triển.
- Ăn tốt nhưng chơi quá sức, tiêu hao năng lượng nhiều, cần cho trẻ ăn thêm.
- Trẻ bị mắc một bệnh nào đó liên quan đến hệ tiêu hóa nên không hấp thụ tốt chất dinh dưỡng, hoặc hấp thụ được nhưng thiếu men để chuyển hóa thức ăn.
Ngược lại có nhiều bé dễ dư thừa cân nặng. Có nhiều yếu tố dẫn đến thừa cân, trong đó, các nguyên nhân thường gặp là:
- Tình trạng năng lượng khẩu phần vượt quá nhu cầu, nhất là năng lượng do chất béo và bột, đường cung cấp, thường chủ yếu do tâm lý sợ con suy dinh dưỡng nên ông bà bố mẹ thường ép trẻ ăn vượt tiêu chuẩn.
- Ít hoạt động thể lực cũng là yếu tố nguy cơ cao của thừa cân. Nếu bé ít vận động vui chơi mà dành nhiều thời gian cho xem vô tuyến, chơi điện tử, cũng làm bé thừa cân.
Bố mẹ khi nuôi trẻ cần chú ý theo dõi cân nặng của trẻ thường xuyên. Cân ít nhất 1 lần/tuần trong khoảng từ 6 – 8 tuần đầu tiên, sau đó có thể giảm xuống còn 1 -2 lần/tháng cho đến khi con được 4 tháng. Từ 5 tháng đến 2 tuổi, cho bé cân 1 lần/tháng. Ở độ tuổi mẫu giáo, trẻ cần được theo dõi cân nặng mỗi tháng để biết cơ thể có phát triển tốt hay không. Như vậy, cha mẹ sẽ phát hiện sớm suy dinh dưỡng hoặc thừa cân để xử trí kịp thời. Tăng cân đều đặn là dấu hiệu quan trọng nhất cho thấy trẻ đang lớn và phát triển tốt. Tuy nhiên tăng cân quá nhiều cũng có thể gây ra những bệnh lý cho trẻ như béo phì,tiểu đường, tim mạch, ...Do đó nên theo dõi theo dõi để duy trì cân nặng phù hợp cho trẻ.
Kết luận.
Khi chăm sóc trẻ thì vấn đề dinh dưỡng, cân nặng của trẻ cũng là điều mà bố mẹ thường quan tâm và lo lắng nhiều nhất. Vì vậy, bố mẹ cần biết rõ những công thức tính cân nặng cho trẻ để áp dụng trong theo dõi, để biết như thế nào là cân nặng phù hợp và tốt cho sự phát triển của trẻ.