Bổ sung thừa sắt cho trẻ nhỏ có thể gây hậu quả gì
Tầm quan trọng của sắt đối với cơ thể trẻ
Cơ thể người cho dù là người lớn hay các bé nhỏ đều cần được bổ sung sắt. Khoáng chất này giúp cơ thể tạo ra hemoglobin (hay còn gọi là huyết sắc tố), một loại protein có chứa sắt trong các tế bào hồng cầu (RBCs). Huyết sắc tố nhờ chứa sắt (Fe++) có thể oxy hóa nên nó giúp đưa oxy theo máu đến các tế bào trong cơ thể. Không có huyết sắc tố, cơ thể sẽ ngừng sản xuất hồng cầu và nếu cơ thể không đủ sắt thì các mô, cơ và tế bào cũng sẽ không nhận được lượng oxy cần thiết.
Thiếu sắt là nguyên nhân phổ biến gây thiếu máu, thường gặp nhất ở trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo (dưới 6 tuổi). Với trẻ nhỏ, tình trạng thiếu sắt sẽ làm cản trở sự tăng trưởng của trẻ và có thể gây ảnh hưởng đến các vấn đề về hành vi và nhận thức, yếu cơ, các kỹ năng vận động của bé bị trì hoãn. Sắt cũng cực kỳ quan trọng với hệ miễn dịch nên nếu thiếu khoáng chất này trẻ hay bị nhiễm trùng, nhất là nhiễm trùng hô hấp. Do đó, bổ sung đầy đủ sắt cho bé 5 tuổi trở xuống có liên quan đến các thông số huyết học, tăng trưởng và nhận thức.
Nguyên nhân dẫn đến việc bé bị thiếu sắt
Một số bé không nhận đủ sắt vì nhiều lý do khác nhau, có thể bắt nguồn từ việc:
Ăn uống không đủ chất;
Khả năng hấp thu sắt trong chế độ dinh dưỡng kém;
Tăng nhu cầu bổ sung sắt trong thời kỳ tăng trưởng;
Mất máu do nhiễm giun sán.
Thừa sắt sẽ gây ra hậu quả gì cho trẻ
Các triệu chứng của việc thừa sắt bao gồm: mệt mỏi, biếng ăn, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, sụt cân, khó thở, da xám lại.
Với hàm lượng quá 20 mg/kg cân nặng, sắt có thể gây độc và ở 60 mg/kg cân nặng có thể gây chết người (lethal dose). Vì vậy, với các bé nhỏ hơn 6 tuổi, cha mẹ nhớ để ý kiểm soát để bé không tự bốc ăn viên sắt bổ sung một mình có thể gây nguy hiểm.
Việc chữa ngộ độc sắt cũng cực kỳ phức tạp khi phải sử dụng đến một số hóa chất đặt biệt (ví dụ deferoxamine) để hấp thụ sắt vào trong và loại ra ngoài cơ thể.
Trong trường hợp bổ sung thừa sắt kéo dài nhưng chưa đến mức gây ngộ độc mẹ cũng có thể thường thấy biểu hiện phân xanh (trẻ còn ăn sữa) hoặc phân đen (khi trẻ đã ăn dặm), táo bón, mẹ nên để ý để bổ sung lượng phù hợp cho con.
Liều lượng sắt bé cần theo độ tuổi
Bổ sung sắt cho bé 3 tháng thường không cần thiết vì trẻ khi mới được sinh ra đã có sẵn chất sắt dự trữ trong cơ thể. Nhưng theo thời gian, trẻ cần một bổ sung thêm một lượng chất sắt nhất định để thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển nhanh chóng. Nhu cầu sắt cho cơ thể ở các độ tuổi sẽ thay đổi khác nhau, chẳng hạn:
Bổ sung sắt cho bé 9 tháng: Khoảng 11 mg/ngày;
Bổ sung sắt cho bé 1 tuổi - 3 tuổi: Khoảng 7 mg/ngày;
Bổ sung sắt cho bé 5 tuổi: Dưới 10 mg/ngày;
Trẻ từ 9 - 13 tuổi: Khoảng 8 mg;
Trẻ từ 14 - 18 tuổi: Khoảng 15 mg/ngày (nữ) hoặc 11 mg/ngày (nam).
Cách bổ sung sắt an toàn cho trẻ
Cung cấp thực phẩm giàu chất sắt là cách bổ sung sắt an toàn nhất cho trẻ
Các loại thịt, nhất là thịt bò
Mỗi khẩu phần ăn thịt bò có chứa từ 2,5-3 mg sắt nên đây được mệnh danh là thực phẩm vàng dành cho những mẹ bầu đang cần bổ sung thêm thành phần sắt trong khẩu phần ăn hàng ngày. Ngoài ra, mẹ có thể đổi bữa cho bé bằng thịt gà, cá, lợn, ... Tuy rằng nguồn sắt không dồi dào như thịt bò nhưng trong các loại thịt này cũng chứa một lượng sắt đủ cho nhu cầu của bé.
Cải xoăn, cải bó xôi
Cải xoăn, cải bó xôi là loại rau có chứa hàm lượng sắt rất cao, mẹ nên nấu chín và cho bé ăn thường xuyên.
Rau dền
Rau dền, đặc biệt là rau dền đỏ có chứa thành phần sắt rất tốt cho trẻ nỏ. Quan niệm dân gian từ xưa đến nay của cha ông ta vẫn luôn đề cao dòng thực phẩm này để ưu tiên bổ sung thêm sắt cho trẻ em, bà bầu nói riêng và cho những người vừa ốm dậy có nguy cơ thiếu sắt trong cơ thể.
Ngũ cốc
Thực phẩm mẹ nên lựa chọn cho bé ăn sáng thường xuyên là loại ngũ cốc. Ngũ cốc không chỉ bổ sung sắt mà còn chứa hàm lượng Protein, khoáng chất và vitamin quan trọng cho cơ thể bé.
Ngoài ra mẹ nên lưu ý đừng lạm dụng sữa. Không nên cho trẻ từ 1 - 5 tuổi uống hơn 710 ml sữa mỗi ngày để hạn chế nguy cơ thiếu sắt.
Vitamin C giúp thúc đẩy khả năng hấp thu sắt trong chế độ ăn uống. Bạn có thể cải thiện khả năng hấp thụ chất sắt cho con bằng cách tăng cường thực phẩm giàu vitamin C. Bao gồm: trái cây họ cam quýt, dưa đỏ, dâu tây, ớt chuông, cà chua và rau xanh đậm.
Khi con có biểu hiện thiếu sắt, nên đưa bé đi xét nghiệm và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sỹ, không nên tự ý dùng thuốc hoặc thậm chỉ là thực phẩm chức năng khi chưa có sự chỉ định về liều lượng từ bác sỹ chuyên khoa bạn nhé.
Bài tham khảo