Những sai lầm khi cho bé ăn dặm và hậu quả khôn lường
Thời điểm cho bé ăn dặm không phù hợp
Thời điểm tốt nhất cho trẻ tập ăn dặm là trẻ tròn 6 tháng tuổi. Nhưng quá trình này có thể sớm hoặc muộn hơn một chút giữa các trẻ do khả năng hấp thụ, chế độ dinh dưỡng, môi trường sống của của trẻ. Đôi khi với trẻ ở độ tuổi này, cha mẹ cho ăn là quá sớm, nhưng cũng có lúc với trẻ khác lại là quá muộn. Nhưng cha mẹ có thể dựa vào 1 số dấu hiệu để biết được trẻ đã đến lúc ăn được đồ ăn dặm hay chưa: bé tự ngồi dậy được, bé mở miệng khi nhìn thấy thức ăn.
Nếu cho trẻ ăn quá sớm, trước 4 tháng, khi này hệ thống tiêu hóa của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, các men tiêu hóa chưa được sản xuất, nên cho bé ăn sớm có thể gây tiêu chảy, suy dinh dưỡng. Ngược lại, ăn dặm sau 6 tháng là quá muộn có thể gây thiếu dinh dưỡng dẫn đến thiếu máu, thiếu kẽm và vi chất khác.
Ảnh minh họa.
Không biết cho trẻ ăn bao nhiêu là đủ
Với những trẻ mới tập ăn dặm, cha mẹ nên tìm hiểu về số lượng thức ăn nên cho trẻ ăn mỗi bữa và số bữa mỗi ngày. Việc cho bé ăn dặm quá nhiều, không phù hợp với giai đoạn phát triển của bé sẽ dẫn đến bé sợ ăn, chán ăn, thiếu hụt dinh dưỡng vì khi bé ăn quá nhiều sẽ uống sữa ít đi. Mà trong giai đoạn đầu ăn dặm, sữa vẫn nên là thức ăn chính của bé và việc cho bé ăn dặm trong giai đoạn này chủ yếu để tập làm quen với mùi vị thức ăn.
Vì vậy, trong buổi đầu “sơ khai” này, mỗi lần mẹ chỉ nên cho bé ăn khoảng 3 muỗng thức ăn. Có thể cho bé ăn từ 1-2 lần mỗi ngày, tùy theo độ hợp tác của bé. Tuy nhiên, nguyên tắc quan trọng nhất mẹ cần nhớ là khi bắt đầu cho bé thử từng chút một rồi mới tăng dần khẩu phẩn của trẻ.
Từ 6 -12 tháng tuổi, khẩu phần của trẻ có thể gia tăng với khoảng 6-8 muỗng thức ăn mỗi lần và lúc này, mẹ đã có thể cho bé ăn 2 bữa chính và 2 bữa phụ mỗi ngày. Tới khi được 1 tuổi, số lượng thực phẩm trẻ nạp mỗi ngày sẽ phụ thuộc nhiều vào trọng lượng và thể tích dạ dày của bé. Theo đó, cứ mỗi kg cân nặng của mình, bé cần khoảng 112 calo với thể tích dạ dày mỗi lần chỉ có thể tiêu thụ khoảng 200 gram thực phẩm. Trong giai đoạn này, thực phẩm đã trở thành nguồn năng lượng “nuôi” trẻ cả ngày và sữa chỉ là một trong những bữa phụ, giúp bé bổ sung thêm canxi.
Không cho trẻ thử lần lượt các loại thực phẩm
Việc không cho trẻ thử từ từ từng loại thực phẩm có thể dẫn đến việc bé bị dị ứng bởi một số thực phẩm nào đó mà mẹ không phát hiện ra. Nếu cho bé thử từng chút một, không chỉ giúp mẹ phát hiện những thực phẩm nào gây dị ứng cho bé để loại trừ ra khỏi thực đơn về sau, mà còn có thể tránh việc trong một số trường hợp bé bị phản ứng mạnh khi ăn số lượng lớn thực phẩm gây dị ứng dẫn đến nguy hiểm cho sức khỏe của bé.
Các loại thực phẩm dễ gây dị ứng đó là trứng, sữa nguyên kem, đậu phộng, đậu nành (đỗ tương), tôm cua, hải sản, quả óc chó... Có thể nói tất cả thực phẩm đều có thể gây dị ứng, đặc biệt là thực phẩm giàu đạm (90% nguyên nhân).
Cho nên, khi bé bắt đầu ăn dặm mẹ nên cho bẻ thử theo thứ tự, nhưng thực phẩm ít gây dị ứng cho trẻ ăn trước. Thứ tự ăn các loại thịt như sau: Thịt heo, thịt bò (6-7 tháng), lòng đỏ trứng, cá đồng (7.5 tháng), thịt gà, tôm sông, lươn, cua đồng, thịt bồ câu (9 tháng), cá biển, tôm biển (10 tháng), của biển, thịt nội tạng, hải sản (12 tháng), lòng trắng trứng.
Ảnh minh họa.
Các sai lầm thường gặp trong nấu nướng
Ưu tiên đạm
Nhiều mẹ muốn con ăn thật đủ chất nên cho rất nhiều thực phẩm chứa đạm vào bát cháo, thậm chí cho nhiều loại đạm cùng lúc (thịt, cá, trứng..). Điều này khiến bé bị khó tiêu, rối loạn tiêu hóa.
Mẹ cần biết những điều sau để cân đối lượng đạm trong khẩu phần ăn của trẻ:
- Trẻ 6 tháng tuổi: 20-22g đạm/ngày.
- Trẻ 6 – 12 tháng tuổi: 23-25g đạm/ngày.
- Trẻ 1 – 2 tuổi: 28-30g đạm/ngày.
Trong 100g thực phẩm, hàm lượng đạm như sau:
- Thịt bò, thịt gà, thịt lợn: 20-21g đạm.
- Thịt tôm, cá: 16 – 18g đạm.
- Trứng (gà, vịt): 13 – 14g đạm.
Từ các số liệu này, mẹ có thể ước lượng được lượng thịt cần bổ sung cho trẻ từng độ tuổi như sau:
- Trẻ 6 tháng tuổi: 100g thịt heo.
- Trẻ 6 – 12 tháng tuổi: 115-125g thịt các loại.
- Trẻ 1 – 2 tuổi: 140-150g thịt các loại.
Tuy nhiên trong các loại thực phẩm khác như sữa, các loại hạt, củ quả,...cũng có thể đã có sẵn một lượng protein nhất định. Cho nên nếu mẹ cho bé ăn số lượng đạm động vật ít hơn cũng không phải là vấn đề nghiêm trọng.
Không cho dầu ăn vào bát bột
Trong một bữa bột của bé cần đáp ứng đủ 4 nhóm dưỡng chất, gồm tinh bột, chất đam, chất xơ và chất béo. Tuy nhiên nhiều mẹ lại không để ý đến nhóm chất béo. Tốt nhất trong mỗi bát bột nên cho 1 thìa dầu ăn vào để cung cấp chất béo cho cơ thể.
Mẹ có thể dùng dầu ăn cho bé ăn dặm hoặc dầu thực vật. Chất béo còn có vai trò hấp thụ vitamin D cũng như tham gia vào quá trình trao đổi chất trong cơ thể.
Nêm gia vị như người lớn
Trẻ dưới 1 tuổi không nên nêm gia vị, đặc biệt là muối vào thức ăn. Sau 1 tuổi có thể nêm một chút, tuy nhiên khẩu vị nên nêm nhạt hơn so với cho người lớn dùng.
Những hậu quả có thể xảy ra cho cơ thể bé nếu mẹ thường xuyên cho ăn mặn từ sớm như: suy thận, giảm chức năng hệ bài tiết, suy cơ huyết áp cao, tim mạch, béo nước,…đặc biệt hậu quả mà bố mẹ dễ nhận thấy nhất là chứng biếng ăn của con.
Bài tham khảo: