Phương pháp cho bé ăn dặm kiểu Nhật
Ăn dặm kiểu Nhật là gì
Đúng như tên gọi của nó, ăn dặm kiểu Nhật là phương pháp cho bé ăn dặm theo cách của người Nhật. Với phương pháp này, đặc điểm chính để nhận biết sự khác biệt với phương pháp ăn dặm truyền thống của Việt Nam là không dùng máy xay để xay thức ăn khi chế biến mà nghiền nhuyễn thức ăn bằng bộ dụng cụ chế biến như cối, chày, rây..., và không trộn chung thức ăn vào với nhau. Ăn dặm kiểu Nhật vì sao ngày càng được các mẹ Việt lựa chọn, bởi vì đó được coi là một phương pháp ăn dặm khoa học, hiện đại và mang lại nhiều lợi ích cho bé.
Ảnh minh họa.
Thời gian bắt đầu cho bé ăn dặm kiểu Nhật
Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật sẽ bao gồm 4 giai đoạn được chia như sau:
– Giai đoạn 1 (Gokkun): Bé 5 – 6 tháng tuổi.
– Giai đoạn 2 (MoguMogu): Bé 7 – 8 tháng tuổi.
– Giai đoạn 3 (KamiKami): Bé 9 – 11 tháng tuổi.
– Giai đoạn 4 (PakuPaku): Bé 12 – 18 tháng tuổi.
Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn phát triển, mỗi bé lại có những khả năng khác nhau, nên là ngoài độ tuổi của bé mẹ cần phải chú ý chỉ nên cho bé ăn dặm khi bé đã có những kỹ năng sau:
- Bé đã giữ vững cổ.
- Bé tự ngồi được hoặc ngồi có gối chèn xung quanh.
- Bé tỏ ra thích thú với thức ăn., biểu hiện bé hay cho tay vào miệng, cho đồ vật vào miệng và quan sát người lớn ăn, có thê chóp chép miệng khi nhìn người lớn ăn.
- Khi đưa thìa vào miệng bé, bé ít dùng lưỡi đẩy ra.
Ưu điểm của phương pháp ăn dặm Kiểu Nhật
- Ăn dặm kiểu Nhật, các bé sẽ có khả năng ăn thô tốt hơn so với các bé được cho ăn dặm theo phương pháp truyền thống do thức ăn được chế biến bằng phương pháp nghiền chứ không phải xay nhuyễn, mẹ sẽ tăng độ thô đúng cách khi cho bé ăn bằng phương pháp ăn dặm kiểu Nhật.
- Bé sẽ được ăn riêng các loại thức ăn chứ không trộn lẫn giống như kiểu truyền thống. Với cách chế biến này sẽ giúp bé hứng thú hơn khi ăn uống, phát hiện các món ăn gây dị ứng cho bé. Ngoài ra điều này giúp bé làm quen tốt hơn với từng loại thực phẩm, từ đó giúp mẹ có thể phát hiện ra được khẩu vị của bé.
- Ăn dặm kiểu Nhật hạn chế nêm gia vị sẽ tốt cho thận của bé. Ngoài ra khi ăn dặm kiểu Nhật, bé sẽ được tập thói quen ngồi và ăn một cách nghiêm túc. Việc ăn uống tập trung sẽ giúp bé ăn tập trung hơn và ăn nhanh hơn, lượng men tiêu hóa tiết ra nhiều hơn nên sẽ giúp tiêu hóa và hấp thu thức ăn tốt hơn.
Nhược điểm của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật
Hạn chế của phương pháp ăn dặm này là mẹ sẽ phải mất khá nhiều thời gian và công sức tìm tòi bỏi mẹ sẽ phải nấu từng loại thực ăn riêng biệt, phải đa dạng thực đơn ăn dặm hàng ngày. Nhất là việc bé ăn rất ít, và mỗi bữa ăn cần đa dạng các món ăn nên nhiều mẹ bị áp lực trong khâu chế biến thức ăn mỗi bữa. Nhiều mẹ đã nghĩ ra giải pháp chế biến thức ăn nhiều trong một lần và bảo quản trong tủ lạnh, tuy nhiên điều này phần nào ảnh hưởng đến mùi vị của thức ăn và đôi khi là chất lượng nếu bảo quản không đúng cách.
Nguyên tắc cho bé ăn dặm theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật
- Khi xây dựng thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé với bất cứ tháng tuổi nào, mẹ cần đảm bảo thực đơn ăn dặm trong mỗi bữa của bé có đầy đủ các nhóm chất sau:
Nhóm chất tinh bột: Có nhiều trong cháo gạo, bánh mì, khoai lang, khoai tây hay chuối…
Nhóm chất đạm: Mẹ có thể bổ sung đạm cho bé với các loại thực phẩm như đậu phụ, thịt cá trắng, lòng đỏ trứng gà, phô mai hay sữa chua..
Nhóm vitamin và khoáng chất: Có nhiều trong các loại rau củ quả như cà rốt, bí đỏ, bông cải xanh, táo, dâu…
Nhóm lipit: Có thể đổi bữa dùng dầu thực vật và mỡ động vật.
- Chế biến thức ăn cho bé theo từng tháng tuổi, tăng thô đúng cách theo công thức sau:
Bé 5-6 tháng: Ăn cháo nghiền mỗi ngày 1 bữa. Cháo ninh từ gạo theo tỷ lệ 1:10 (tức 1 phần gạo, 10 phần nước), nếu là cơm xay thì theo tỷ lệ 1:4,5 (1 phần cơm, 4,5 phần nước)
Bé 7-8 tháng: Ăn cháo nghiền mỗi ngày 2 bữa. Cháo ninh từ gạo theo tỷ lệ 1:7, nếu là cơm xay thì theo tỷ lệ 1:3
Bé từ 9 -11 tháng: Ăn cháo 3 bữa mỗi ngày. Ăn cháo ninh từ gạo theo tỷ lệ 1:5.
Bé từ 12 tháng- 18 tháng: Ăn cơm nát với tỷ lệ 1 gạo: 2 nước.
Trên 18 tháng ăn như người lớn, hết giai đoạn ăn dặm.
- Nhóm chất đạm, rau, dầu mỡ cũng cần tăng độ đặc, thô và tăng về mặt số lượng theo từng tháng tuổi. Thời gian đầu bé nên ăn các loại đạm ít gây dị ứng như thịt heo, thịt bò, thịt gà...Giai đoạn sau có thể dần ăn thêm cá, trứng, tôm và các loại hải sản, trứng, đậu, nấm...Mỗi bữa tùy vào loại thức ăn mà số lượng có thể điều chỉnh khác nhau, với những loại thức ăn cao đạm (thịt bò, tôm, hải sản...) thì thường số lượng giảm ít hơn với những loại đạm thấp hơn.
- Trong bữa ăn thường có thêm thành phần là nước dashi, đây là loại nước được sử dụng từ việc ninh các loại củ quả, giúp bé dễ ăn hơn trong bữa ăn và giúp cung cấp nước,vitamin cho bé.