Xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ thiếu máu
Biểu hiện thiếu máu ở trẻ
Thiếu máu là tình trạng bất thường khi số lượng hồng cầu hoặc lượng hemoglobin thấp hơn giới hạn bình thường của người cùng lứa tuổi (hemoglobin là nguyên liệu tạo nên hồng cầu). Hồng cầu đóng vai trò như một phương tiện vận chuyển, dùng để chở oxy và chất dinh dưỡng trong máu tới cơ quan đích.
Vì vậy, khi cơ thể bị thiếu máu sẽ gây ra tình trạng sau đây:
Dấu hiệu của tình trạng thiếu máu: Trẻ thường có biểu hiện da xanh, lòng bàn tay nhợt, niêm mạc nhợt
Dấu hiệu thiếu oxy: Trẻ lừ đừ, mệt mỏi, kém tập trung trong các hoạt động thường ngày cũng như trong học tập, kém vận động, nhịp tim nhanh, thở nông, khó thở khi gắng sức...
Dấu hiệu thiếu dinh dưỡng: Trẻ biếng ăn, không tăng cân thậm chí còn sụt cân, môi khô, lưỡi láng, mất gai, móng biến dạng: dẹt, có khía, hoặc khum hình thìa, tóc khô dễ rụng, dễ gãy...Trẻ dưới 2 tuổi chậm biết ngồi, biết đi, chậm tăng trưởng cân nặng chiều cao,...
Thiếu máu ở trẻ em làm giảm sức đề kháng của cơ thể dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng, phát triển tâm vận động, khả năng học tập, trí thông minh của trẻ.
Ảnh minh họa
Nguyên nhân thiếu máu ở trẻ
Thiếu máu có thể xảy ra cấp hoặc mạn tính do nhiều nguyên nhân:
Trẻ hiễm ký sinh trùng đường ruột như giun, sán
Xuất huyết trong các bệnh lý như thiếu máu do tan máu, hồng cầu có cấu tạo bất thường như hồng cầu hình liềm (gặp trong các bệnh lý về gen di truyền), tủy xương không sản sinh hồng cầu hoặc sử dụng một số thuốc như thuốc điều trị ung thư,...
Bệnh lý ở cơ quan tiêu hóa như xuất huyết tiêu hóa (viêm loét dạ dày, tá tràng...), người bệnh cắt một phần dạ dầy sẽ dẫn đến thiếu yếu tố nội, cần thiết cho sự hấp thu chất dinh dưỡng.
Hấp thu kém, rối loạn tiêu hóa kéo dài.
Thiếu dinh dưỡng là nguyên nhân phổ biến nhất. Thiếu máu dinh dưỡng là thiếu máu giảm sản xuất hồng cầu do thiếu một hay nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tạo máu như thiếu vitamin B12, hoặc thiếu acid folic, nhưng thường gặp nhất là thiếu máu do thiếu sắt, thiếu máu do thiếu acid folic, vitamin B12.
Chẩn đoán và điều trị chăm sóc thiếu máu ở trẻ
Chẩn đoán thiếu máu ở trẻ
Việc chẩn đoán thiếu máu ở trẻ thường rất đơn giản, dựa vào kết quả phân tích huyết học (xét nghiệm trên mẫu máu) sẽ cho kết quả chính xác.
Xét nghiệm máu để chẩn đoán một số loại phổ biến của tình trạng thiếu máu có thể bao gồm:
Nồng độ sắt, vitamin B12, acid folic và các vitamin và khoáng chất khác trong máu;
Số lượng hồng cầu và nồng độ hemoglobin;
Số lượng hồng cầu lưới.
Một số trường hợp thiếu máu nặng, bác sỹ sẽ kết hợp các phương pháp xét nghiệm khác để tìm nguyên nhân của bệnh như nội soi dạ dầy, đại tràng, siêu âm ổ bụng, xét nghiệm sinh hóa máu, xét nghiệm nước tiểu, điện di huyết sắc tố ...
Điều trị
Tùy vào nguyên nhân và mức độ thiếu máu của người bệnh bác sỹ sẽ có chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Có những bệnh thiếu máu có thể điều trị khỏi hoàn toàn, nhưng cũng có những bệnh lý sẽ theo người bệnh đến suốt đời, mà việc điều trị chỉ làm giảm sự ảnh hưởng của hiện tượng thiếu máu đến sức khỏe của người bệnh tại một thời điểm mà thôi.
Các phương pháp điều trị có thể là truyền máu, điều trị nguyên nhân thiếu máu như tẩy giun sán, sử dụng thuốc điều trị viêm loét dạ dầy, đại tràng (nếu có bệnh lý này qua thăm khám), ngoài ra có thể sử dụng thuốc sắt, acid folic, vitamin B12 . Có những trường hợp không cần sử dụng thuốc mà chỉ cần chú ý xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng của người bệnh hoặc kết hợp sử dụng thuốc và điều chỉnh chế độ ăn.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học cho trẻ thiếu máu
Ảnh minh họa
Sắt có trong thực phẩm nguồn động vật như thịt, gan, cá... và từ nguồn thực vật như ngũ cốc, đậu đỗ, rau quả... Sắt được tăng cường hấp thu bởi vitamin C (có nhiều trong cam, chanh, ổi, kiwi, ớt đà lạt, bông cải xanh, cà chua...) trái lại bị ức chế hấp thu chất sắt bởi phytat, phosphat, canxi và polyphenol (có trong trà và một số loại rau). Vì thế không nên cho trẻ uống trà cùng bữa ăn.
Acid folic hay folat (vitamin B9) cần thiết cho sự phát triển và phân chia tế bào và sự hình thành tế bào máu. Folat có nhiều trong các loại rau lá màu xanh thẫm, trái cây họ cam, súp lơ, bông cải xanh... và thức giàu đạm như thịt, gan, trứng cá, đậu hạt,... trái cây như chuối, các loại rau lá xanh đậm, các loại đậu, và tăng cường bánh mì, ngũ cốc. Folat rất dễ bị thất thoát trong quá trình nấu nướng 50-90%, thậm chí không còn khi nấu ở nhiệt độ cao nhiều nước hay thời gian quá lâu.
B12 có từ nguồn thức ăn động vật như Thịt, cá, trứng,sữa, ngũ cốc nguyên hạt.
Vì thế, khi trẻ có biểu hiện thiếu máu hoặc đi khám được kết luận về tình trạng thiếu máu, hoặc đôi khi tình trạng thiếu máu chưa xảy ra mẹ cũng nên nắm được những thông tin quan trọng này để lưu ý trong chế biến thức ăn hàng ngày cho trẻ, giúp phòng tránh và điều trị tình trạng thiếu máu do mất cân bằng dinh dưỡng một cách hiệu quả.
Bài tham khảo:
Thiếu máu tan máu bẩm sinh ở trẻ - Thalassemia
Thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ