Tiêm phòng cúm cho trẻ em: Những điều cần biết
Bệnh cúm là gì
Bệnh cúm là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus cúm tuýp A, B, C gây ra. Bệnh lây truyền trực tiếp giữa người với người bằng đường hô hấp thông qua nước bọt và dịch họng có chứa virus cúm. Bệnh cũng có thể lây truyền trực tiếp từ gia cầm sang người khi con người tiếp xúc với giam cầm đang bị dịch cúm.
Virus cúm có ái tính đặc biệt đối với tế bào biểu mô đường hô hấp, nó nhân lên mạnh mẽ khi xâm nhập vào đường hô hấp và phá hủy các tế bào. Khi virus cúm vượt qua hàng rào miễn dịch chúng đi vào máu, tới các cơ quan và gây tổn thương tại đó.
Đa số người dân chưa phân biệt được rõ ràng giữa bệnh cảm và bệnh cúm. Bệnh cảm và bệnh cúm đều là các bệnh thường gặp, tuy nhiên bệnh cảm sẽ gặp nhiều hơn và ít gây nguy hiểm hơn so với bệnh cúm. Cảm có thể do nhiều nguyên nhân như thay đổi thời tiết, do vi khuẩn hoặc virus tại đường hô hấp gây nên. Biểu hiện chính của bệnh cảm là: sốt nhẹ hoặc không sốt, ít khi sốt kéo dài, không đau nhức cơ khớp, có mệt mỏi nhưng không quá nhiều, thường gặp các triệu chứng ho, hắt hơi,sổ mũi, đau họng....
Trong khi đó các triệu chứng của bệnh cúm thường nặng nề hơn như sốt cao kéo dài, đau nhức mình mẩy, đau nhức cơ khớp, đau đầu, môi khô lưỡi bẩn, mất nước nhiều, ít gặp tình trạng sổ mũi, nghẹt mũi. Ho trong bệnh cúm thường ho nhiều, ho dai dắng, đau ngực, bệnh nhân mệt mỏi nhiều.
Cúm có thể dẫn đến các biến chứng như viêm xoang, viêm tai và viêm phổi, có khả năng làm người mắc bệnh dẫn đến tử vong. Vì thế, biện pháp tốt nhất là tiêm ngừa cúm. Đặc biệt với đối tượng trẻ em, là đối tượng sức khỏe và sức đề kháng chưa được tốt như người trưởng thành, vì thế cần được đặc biệt quan tâm.
Vắc xin phòng ngừa cúm và các ưu, nhược điểm
Vắc-xin cúm thường được nhập khẩu từ nước ngoài (Pháp, Hà Lan,..) vì hiện nay trong nước chưa tiến hành sản xuất, mỗi loại vắc xin sẽ chống lại ít nhất 3 chủng virus khác nhau.Tiêm ngừa cúm cần được tiêm mỗi năm một lần do thời gian miễn dịch trung bình chỉ khoảng một năm. Ngoài ra, các loại virus gây bệnh cúm cũng thay đổi hằng năm và thành phần vắc xin chủng ngừa cúm cũng thường xuyên được điều chỉnh để phù hợp các các chủng virus xuất hiện theo từng thời điểm.
Hiện tại vắc xin ngừa cúm hiện chưa nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, do đó để tiêm ngừa cúm, người dân phải tiêm dịch vụ. Bạn nên tiêm vắc - xin cúm trước khi vi-rút cúm bắt đầu lây lan trong cộng đồng, vì phải mất khoảng hai tuần sau khi tiêm vắc-xin thì kháng thể mới được sản xuất đầy đủ trong cơ thể và mới có hiệu lực bảo vệ cơ thể chống lại cúm. Do đó, bạn nên lập kế hoạch để chủng ngừa sớm, thường là tiêm vào mùa thu, trước khi mùa cúm bắt đầu. Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (U.S. CDC) khuyến nghị mọi người nên chủng ngừa cúm vào cuối tháng 10. Tuy nhiên, tiêm vắc-xin muộn hơn sau đó vẫn có thể có lợi, thậm chí vào tháng 1 sang năm hoặc muộn hơn.
Ưu điểm của tiêm vắc xin phòng cúm cho trẻ
Tạo kháng thể chủ động bảo vệ trước sự tấn công của virus cúm. Khả năng bảo vệ sau khi tiêm ngừa đạt khoảng 96-97%.
Đối với trẻ đã tiêm ngừa nếu mắc cúm có thể nhẹ hơn, giảm nguy cơ các biến chứng nặng của cúm, thời gian bị bệnh ngắn hơn người chưa tiêm ngừa.
Lịch tiêm vắc xin phòng cúm cho trẻ em
Đối với trẻ em là đối tượng dễ nhiễm virus cúm, Bộ Y tế khuyến cáo nên tiêm vắc xin cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi. Trẻ em dưới 9 tuổi nếu trước đây chưa bị cúm hoặc chưa từng tiêm vắc xin cúm thì nên tiêm 2 mũi. Mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng. Và sau đó tiêm nhắc lại mỗi năm một lần.
Trẻ từ 6 tháng – 35 tháng tuổi chưa từng tiêm vắc xin cúm
- Tiêm vắc xin liều lượng 0,25ml
Trẻ từ 36 tháng tuổi trở lên
- Tiêm vắc xin liều lượng 0.5ml
Bài tham khảo