Tiêm phòng thủy đậu cho trẻ, nên hay không
Những điều cần biết về bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus Varicella gây ra. Bệnh có thể gặp ở mọi độ tuổi, tuy nhiên đa phần là trẻ nhỏ vì sức đề kháng của trẻ thường yếu hơn người lớn. Bệnh dễ lây qua đường hô hấp nên dễ dàng bùng phát thành dịch. Ngoài ra bệnh có thể lây khi trực tiếp tiếp xúc với dịch tiết từ nốt phỏng và gián tiếp qua các đồ vật vừa mới bị nhiễm chất dịch của nốt phỏng hoặc niêm mạc. Ở người bị thủy đậu, bệnh có thể lây từ 1-2 ngày trước khi nổi ban ngứa cho đến khi tất cả những vết phồng đã đóng vảy.
Ảnh minh họa
Sau khi tiếp xúc với nguồn lây và bị virus tấn công vào cơ thể, người bệnh sẽ không có biểu hiện gì bởi vì đây là thời kỳ ủ bệnh của virus. Thời gian ủ bệnh 2 đến 3 tuần, thông thường 14-16 ngày. Sau khi hết thời gian ủ bệnh, người bệnh sẽ bước vào thời kỳ toàn phát. Thời kỳ này, người bệnh sẽ có các triệu chứng như sốt, đau họng, nổi hạch, toàn thân nhức mỏi, kéo dài khoảng 2-3 ngày.
Triệu chứng nổi bọng nước trên da thường xuất hiện sau triệu chứng sốt và đau họng từ 1-2 ngày, các nốt phỏng tùy từng người có thể nhiều ít khác nhau. Có người chỉ mọc một vài phỏng nước, nhưng cũng có nhiều người mọc chi chít phỏng nước, ở tất cả mọi nơi trên cơ thể. Cảm giác ngứa ngáy, đau rát, khó chịu. Sau khi mọc các nốt phỏng một thời gian, các nốt này sẽ chuyển sang màu trắng đục do bạch cầu làm chức năng miễn dịch chết và tế bào da chết tạo thành. Sau khoảng 1-2 tuần, mụn sẽ tự xẹp, hình thành các nốt thâm, không còn cảm giác đau, ngứa.
Biến chứng của bệnh thủy đậu
Đa phần (khoảng 90%) thủy đậu là lành tính. Sau khi mắc thủy đậu người bệnh sẽ có miễn dịch suốt đời. Tuy nhiên trong quá trình bị bệnh, có thể xảy ra một số biến chứng như sau:
- Nhiễm trùng da nơi mụn nước: Đây là biến chứng nhẹ, không gây nguy hiểm, nhưng có thể để lại sẹo
- Vi trùng xâm nhập từ mụn nước vào máu, gây nhiễm trùng huyết
- Viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não...: Đây là các biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng, hoặc để lại di chứng về sau này.
- Zona: Ngay cả sau khi bệnh nhân đã khỏi bệnh, siêu vi thủy đậu vẫn còn tồn tại trong các hạch thần kinh dưới dạng bất hoạt (ngủ đông). 10, 20, hay 30 năm sau đó, khi gặp được các điều kiện thuận tiện (sức đề kháng cơ thể yếu đi, mắc một số bệnh nhất định...), siêu vi này sẽ tái hoạt động trở lại và là một yếu tố gây bệnh zona (hay còn gọi là giời leo).
- Đối với trẻ nữ, nếu không được tiêm phòng thủy đậu hoặc mắc qua bệnh thủy đậu khi còn nhỏ và khi lớn lên, mà thời điểm mắc bệnh lại không may trùng hợp với thời điểm đang mang thai, thì có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm cho thai nhi. Ở 3 tháng đầu của thai kỳ, virus thủy đậu trong cơ thể mẹ sẽ gây sảy thai, hay khi sinh ra trẻ sẽ bị thủy đậu bẩm sinh với nhiều dị tật như đầu nhỏ, co gồng tay chân, bại não, sẹo bẩm sinh... Ở những ngày cuối của thai kỳ hoặc sau sinh, bệnh thủy đậu ở mẹ có thể lây sang bé, khiến bé bị nổi mụn nước rất nhiều và dễ bị biến chứng viêm phổi, viêm đường hô hấp...
Có nên tiêm vắc xin phòng thủy đậu cho trẻ hay không
Ảnh minh họa.
Tiêm vacxin phòng thủy đậu là cách hiệu quả và lâu dài, giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại virus thủy đậu. Vaccine thủy đậu có tác dụng lâu bền. Khoảng 90% người đã tiêm chủng có khả năng miễn dịch tuyệt đối với bệnh. Khoảng 10% còn lại có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, rất ít nốt đậu, không bị biến chứng. Do đó, việc tiêm phòng thủy đậu là nên tiêm. Vắc xin phòng ngừa thủy đậu hiện không nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, cho nên nếu cha mẹ muốn tiêm cho con sẽ phải tiêm dịch vụ.
Hiện nay có 2 loại vắc xin ngừa thủy đậu thường được sử dụng:
+ Vắc xin Varivax do Hoa Kỳ sản xuất. Được khuyến cáo tiêm 2 liều, mỗi liều cách nhau từ 4 - 8 tuần;
+ Vắc xin Varicella do Hàn Quốc sản xuất và chỉ nên tiêm 1 liều duy nhất.
Vắc xin thủy đậu là vắc xin được điều chế từ virus đã bị suy yếu và mất đi độc tính. Khi đưa vào cơ thể, nó sẽ không gây ra bệnh và kích thích hệ miễn dịch sản sinh ra kháng thể chống lại virus. Ngay cả những trẻ đã tiếp xúc với nguồn lây và đang trong giai đoạn ủ bệnh vẫn nên tiêm phòng vì trong thời gian từ vài ngày cho đến khi phát bệnh vẫn có một lượng kháng thể nhất định được sản xuất và nếu phát bệnh sẽ ở dạng nhẹ, ít khi xảy ra biến chứng nguy hiểm.
Những trường hợp chống chỉ định tiêm phòng thủy đậu
Lưu ý khi tiêm vacxin thủy đậu
- Không tiêm vắc xin thủy đậu cho bé bị dị ứng với vắc xin hoặc bất kỳ thành phần nào của vắc xin, trẻ bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh, đang điều trị ung thư, nhiễm HIV, có bất thường về máu, đang hóa trị liệu,…
- Hoãn tiêm vắc xin thủy đậu cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, trẻ đang bị sốt cao, mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, viêm da có mủ, mắc bệnh mãn tính đang tiến triển (lao phổi, viêm thận,…) hoặc trẻ mới khỏi bệnh nặng, đang trong thời kỳ hồi phục sức khỏe. Trẻ sử dụng thuốc ức chế miễn dịch như corticoid trong vòng 7 ngày cũng nằm trong diện hoãn tiêm chủng.
- Không sử dụng vacxin thủy đậu cho các đối tượng đang bị suy dinh dưỡng, bị bệnh tim mạch, rối loạn chức năng gan thận, có tiền sử co giật, có thai hoặc 2 tháng trước khi dự định có thai, đã tiêm phòng các vacxin sống khác (vắc xin sởi, bại liệt, rubella, quai bị,…) trong vòng 1 tháng gần đây.
Bài tham khảo