Tiêm vắc xin cúm cho trẻ: Tiêm nhắc lại hàng năm để có hiệu quả tối ưu
Bệnh cúm có gây nguy hiểm cho trẻ hay không?
Bệnh cúm là bệnh hô hấp cấp tính do vi - rút cúm A hoặc B (hiếm gặp hơn là vi - rút cúm C) gây ra. Bệnh lây truyền trực tiếp giữa người với người bằng đường hô hấp thông qua nước bọt và dịch họng có chứa virus cúm. Bệnh cũng có thể lây truyền trực tiếp từ gia cầm sang người khi con người tiếp xúc với giam cầm đang bị dịch cúm.
Trẻ nhỏ là đối tượng thường xuyên mắc cúm cũng như thường gặp các biến chứng bệnh gây ra do hệ miễn dịch của trẻ còn yếu, cơ thể chưa phát triển hoàn thiện. Đặc biệt là trẻ mắc bệnh hen suyễn, có bất thường về phát triển tâm thần kinh, trẻ có bệnh mạn tính, trẻ có bệnh lý tim mạch, trẻ có bệnh lý về máu, nội tiết, thận, gan, hoặc bệnh lý rối loạn chuyển hóa, trẻ béo phì, trẻ phải sử dụng corticoid, hoặc hóa trị liệu kéo dài, trẻ nhiễm HIV thường có nguy cơ gặp các biến chứng bệnh cao hơn.
Biến chứng của bệnh cúm ở trẻ nhỏ thường gặp là: Sốt cao gây co giật, biến chứng viêm tai giữa, viêm phổi, suy hô hấp, viêm thanh khí phế quản, viêm màng não, viêm cơ (hiếm gặp), suy tim...Những biến chứng này tùy mức độ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển trí tuệ, thậm chí là tính mạng của trẻ. Vì thế cha mẹ nên tìm hiểu tiêm phòng vắc xin cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên.
Cơ chế bảo vệ cơ thể của vắc xin cúm
Vắc-xin cúm là chế phẩm có chứa kháng nguyên của virus (virus bất hoạt) dùng để kích thích cơ thể tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động nhằm chống lại tác nhân gây bệnh là virus cúm. Vắc-xin kích thích cơ thể tạo nên miễn dịch bắt chước giống với nhiễm trùng tự nhiên. Đặc biệt, vắc-xin có chứa virus đã bị bất hoạt nên nó rất an toàn, không thể gây bệnh cho người được tiêm phòng. Các nghiên cứu gần đây cho thấy vắc-xin cúm có thể giảm 40 - 60% nguy cơ mắc bệnh cúm ở những người được tiêm phòng.
Vì sao nên tiêm phòng cúm cho trẻ mỗi năm một lần
Tiêm vắc xin hàng năm là biện pháp phòng chống bệnh cúm và các bệnh lây qua đường hô hấp hữu hiệu. Ngoài ra, những người đã được chích ngừa có tỉ lệ mắc bệnh cúm thấp hơn, nếu bị mắc các triệu chứng và ảnh hưởng cũng sẽ nhẹ hơn so với những người không chích ngừa.
Cụ thể, dựa trên việc theo dõi virus cúm trên toàn thế giới, các nhà nghiên cứu sẽ dự đoán ra chủng virus có khả năng gây bệnh cho năm sau, từ đó sản xuất vắc-xin cúm mùa cho năm sau. Dự đoán càng chính xác thì vắc-xin càng có hiệu quả phòng bệnh cao.
Tuy vậy, việc tiêm vắc-xin cúm không bảo vệ hoàn toàn trước nguy cơ mắc cúm vì có rất nhiều chủng virus cúm trong khi vắc-xin chỉ có thể phòng một vài chủng virus nhất định. Dù vậy, vắc-xin cúm vẫn cung cấp một phần miễn dịch cho hàng rào bảo vệ cơ thể nên với những người đã chủng ngừa, khi bị mắc cúm các triệu chứng bệnh sẽ nhẹ hơn và ít có nguy cơ mắc phải các biến chứng nặng của bệnh cúm.
Lịch tiêm chủng vắc xin cúm
Ảnh minh họa
Hiện nay, có 2 loại vắc xin phòng cúm được sử dụng tại Việt Nam gồm: Vaxigrip (Pháp) và Influvac (Hà Lan). Lịch tiêm phòng cúm cho trẻ chi tiết như sau:
- Trẻ từ 6 tháng – 9 tuổi chưa từng tiêm vắc xin cúm: Tiêm 2 mũi cách nhau tối thiểu 1 tháng. Sau đó tiêm nhắc lại 1 mũi hằng năm.
- Trẻ trên 9 tuổi và người lớn: Tiêm 1 mũi 0.5ml. Sau đó tiêm nhắc lại hàng năm.
Lưu ý:Vắc-xin cúm mùa có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ mắc bệnh cúm do 3 hoặc 4 loại virus cúm mà các nhà nghiên cứu cho rằng sẽ phổ biến nhất trong mùa tới. Vắc-xin cúm không có tác dụng bảo vệ cơ thể trước nguy cơ mắc bệnh do các loại virus khác gây ra dù chúng có triệu chứng giống cúm (ví dụ như cảm lạnh).
Càn chú ý gì trước khi tiêm phòng vắc xin cúm cho trẻ
- Các bác sĩ cho biết, thời gian tốt nhất bố mẹ nên đưa trẻ đi tiêm phòng cảm cúm là vào tháng 9. Sau khi tiêm phải mất khoảng 2-3 tuần để vaccin phát huy khả năng miễn dịch.
- Không cần cho bé ăn trứng gà trước khi tiêm phòng, bởi điểu này là không cần thiết.
- Sau khi tiêm phòng trẻ có thể bị các phản ứng phụ xảy ra như sốt nhẹ (dưới 38.5 độ C), mệt mỏi, đau vị trí tiêm...
- Trẻ ho, sổ mũi nhưng không sốt vẫn có thể tiêm phòng vắc xin phòng cúm. Tuy nhiên nếu bé có sốt thì cần kiểm tra cẩn thận để xác định nguyên nhân, nếu cần thiết trẻ có thể được hoãn tiêm chủng.
Bài tham khảo:
Vì sao nên cho trẻ uống vắc xin phòng rotavirus
Bệnh viêm màng não do não mô cầu ở trẻ và lợi ích của việc tiêm phòng vắc xin