Vì sao nên cho trẻ uống vắc xin phòng rotavirus
Rotavirus gây ra bệnh gì
Virus Rota là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh tiêu chảy nặng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Virus Rota có 4 tuýp: A, B, C, D trong đó tuýp A là tuýp hay gặp nhất.
Rotavirus lây truyền qua đường phân – miệng, qua tiếp xúc với tay hoặc các bề mặt và vật thể bị nhiễm virus Rota. Ngoài ra, virus này cũng có thể lây qua đường hô hấp, lây ngoài cộng đồng hoặc lây chéo trong bệnh viện. Trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao nhất.
Bình thường, nếu trẻ có sức đề kháng tương đối tốt và được chăm sóc đúng cách thì bệnh có thể khỏi sau 7-10 ngày. Tuiy nhiên một số trường hợp tiêu chảy cộng với nôn mửa, sốt và sốc gây co giật. Ngoài ra cũng có một số trường hợp nặng trẻ có thể đi ngoài trên 20 lần/ngày gây nên tình trạng mất nước nặng. Nếu không được cấp cứu kịp thời, trẻ có thể tử vong.
Ở miền Bắc nước ta, tiêu chảy cấp ở trẻ em do Rotavirus thường xảy ra vào mùa thu đông cho đến mùa xuân. Trong khoảng thời gian này, thời tiết thường mưa lạnh và ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho virus phát triển và gây bệnh. Còn tại miền Nam, bệnh có thể xuất hiện quanh năm nhưng tập trung nhiều nhất vào tháng 3 và tháng 9.
Hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị kháng virus này. Để chủ động bảo vệ trẻ khỏi virus Rota, bố mẹ nên cho trẻ đi uống vắc xin phòng Rota virus theo đúng lịch khuyến cáo.
Vắc xin phòng rotavirus uống như thế nào
Tổ chức Y tế thế giới đã phê chuẩn cho sử dụng 2 loại vắc-xin phòng Rotavirus là RotaTeq và Rotarix. Ngoài ra còn có Rotavin là vắc-xin sản xuất tại Việt Nam. Tất cả các loại vaccine này đều được sử dụng qua đường uống, không phải đường tiêm. Mỗi loại vắc-xin lại có lịch uống khác nhau.
Vắc-xin Rotateq 2ml
Là sản phẩm của hãng Merck - Mỹ, đây là loại vắc-xin sống giảm độc lực, phối hợp giữa chủng Rota của người và bò, có chứa 5 loại kháng nguyên là G1, G2, G3, G4 và P1.
Vắc-xin Rotateq được sử dụng uống 3 liều, mỗi liều 2ml:
- Liều đầu tiên: trẻ uống từ 7,5 - 12 tuần tuổi.
- Liều thứ 2 và thứ 3 cách liều trước tối thiểu 28 ngày.
- Cần uống đủ 3 liều trước khi trẻ được 32 tuần tuổi.
Vắc-xin Rotarix 1.5ml
Là sản phẩm của hãng Glaxo Smith Kline - Bỉ, cũng là loại vắc-xin sống giảm độc lực, có nguồn gốc từ một chủng virus Rota từ người là G1P8.
Vắc-xin Rotarix được sử dụng uống với 2 liều, mỗi liều 1,5 ml:
- Liều đầu tiên: uống vào thời điểm trẻ từ 6 tuần tuổi trở lên
- Liều thứ 2 uống cách liều đầu tiên ít nhất 4 tuần.
- Cần uống đủ 2 liều trước khi trẻ được 24 tuần tuổi.
Vắc-xin Rotavin – M1 2ml
Là vắc-xin sống, giảm độc lực, dạng uống, được sản xuất trên tế bào thận khỉ. Mỗi liều có chứa 2ml vắc-xin chứa chủng virus rota G1P8.
Vắc-xin Rotavin – M1 được sử dụng uống với 2 liều:
- Liều đầu tiên: uống vào thời điểm trẻ từ 6 tuần tuổi trở lên
- Liều thứ 2 uống sau liều đầu tiên 1-2 tháng.
- Cần uống đủ 2 liều trước khi trẻ được 6 tháng tuổi.
Dấu hiệu bệnh tiêu chảy do rotavirus và cách xử lý
Mặc dù vắc xin phòng ngừa rotavirus hiện nay được kiểm chứng là an toàn và hiệu quả cao, tuy nhiên với bất cứ loại vắc xin nào đi chăng nữa thì hiệu quả phòng ngừa cũng không chắc chắn là 100%. Với vắc xin phòng rotavirus hiệu quả phòng ngừa có thể đạt 94%. Trong những trường hợp trẻ đã uống vắc xin nhưng do sức đề kháng kém vẫn có thể bị nhiễm bệnh, tuy nhiên đa phần các triệu chứng sẽ không quá nặng nề như những trường hợp chưa được uống vắc xin phòng ngừa.
Trong những trường hợp bé chưa được uống vắc xin phòng rotavirus mẹ cũng cần tìm hiểu về bệnh này để nắm được những triệu chứng cũng như dấu hiệu nguy hiểm để kịp thời xử lý.
Triệu chứng thường gặp của tiêu chảy do rotavirus là
Sau khi bị lây nhiễm khoảng 1- 2 ngày trẻ bắt đầu có triệu chứng nôn ói và tiêu chảy. Nôn ói xuất hiện trước khi bị tiêu chảy khoảng 6- 12 giờ hoặc có thể kéo dài từ 2- 3 ngày. Những ngày đầu trẻ thường nôn rất nhiều và dần dần giảm bớt rồi sau đó đến tiêu chảy.
Trẻ đi ngoài phân lỏng như nước, có lúc màu xanh dưa cải, có thể kèm theo nhớt nhưng không có máu. Vài ngày sau đó tiêu chảy ngày càng tăng kéo dài khoảng 3- 9 ngày.
Ngoài ra, trẻ có thêm những dấu hiệu như sốt vừa phải, đau bụng, ho và chảy nước mũi. Trong giai đoạn này, trẻ rất dễ bị mất nước, cơ thể nhanh chóng bị khô kiệt nếu không được bù nước và điện giải đầy đủ, kịp thời.
Tuy tiêu chảy cấp do virus Rota có thể điều trị tại nhà nhưng nếu có các dấu hiệu nghiêm trọng cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để kiểm tra. Cần đến gặp bác sĩ khi trẻ có các dấu hiệu sau đây:
Tiêu chảy nặng
Phân có chứa máu
Nôn mửa liên tục quá 3 giờ đồng hồ
Sốt cao trên 39 độ
Quấy khóc không thể dỗ
Mê man
Kích thích
Có dấu hiệu của tình trạng mất nước
Các lưu ý khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy do rotavirus
Không có thuốc đặc hiệu để điều trị rotavirus, vì thế không được tự ý cho trẻ sử dụng kháng sinh hay các loại thuốc chống tiêu chảy khi chưa có sự chỉ định của bác sỹ. Ngay khi phát hiện con bị tiêu chảy và chưa có điều kiện để đi khám ngay, bố mẹ nên lưu ý các vấn đề sau để hạn chế nguy cơ nguy hiểm có thể xảy ra cho bé:
- Bổ sung đủ nước và điện giải. Cách tốt nhất để bổ sung nước và điện giải cho bé là cho bé uống dung dịch Oresol, có thể được pha sẵn hoặc tự pha (lưu ý pha đúng nồng độ trong hướng dẫn để tránh bị phản tác dụng). Trẻ cần được uống Oresol thay nước lọc, uống từng ngụm hoặc từng thìa nhỏ, uống từ từ để chất điện giải có thể ngấm dễ dàng vào trong mao mạch.
- Không nên bổ sung cho trẻ đang bị mất nước các loại nước lọc, soda, nước gừng, trà, nước hoa quả, đồ ăn nhẹ chứa gelatin hoặc nước hầm gà. Vì những loại nước trên không chứa tỷ lệ đường và muối phù hợp có thể gây trầm trọng hơn triệu chứng tiêu chảy.
- Khi trẻ đang bồi phụ nước thì có thể dùng chế độ ăn bình thường, như sữa mẹ, sữa công thức. Hoặc trẻ đã ăn dặm có thể vẫn cho bé ăn bình thường nếu bé muốn ăn.
- Trẻ có thể bị hội chứng không dung nạp Lactose sau khi bị tiêu chảy do rotavirus: đôi khi có thể xảy ra trong một khoảng thời gian sau khi nhiễm Rotavirus. Đây là tình trạng không dung nạp lactosef thứ phát hay mắc phải. Lớp niêm mạc ruột của trẻ có thể bị phá hủy trong giai đoạn trẻ bị bệnh. Điều này dẫn đến sự thiếu một enzyme gọi là lactase, enzyme này cần thiết giúp cơ thể tiêu hóa đường lactose trong sữa. Không dung nạp lactose dẫn đến đầy hơi, đau bụng, phân lỏng sau khi uống sữa. Tình trạng này sẽ được cải thiện khi tình trạng nhiễm trùng hết và lành niêm mạc ruột.
Bài tham khảo
Bệnh viêm màng não do não mô cầu ở trẻ và lợi ích của việc tiêm phòng vắc xin
Những điều cần biết về tiêm phòng vắc xin 6 trong 1 (vaccine 6in1)